Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/4/2024

Điểm báo ngày 05/4/2024

I. Vấn đề nổi bật

1. Bản tin thời sự phát trên VTV1 (4/4) có tin “Hội nghị Bộ Tài chính ASEAN”, VTV, Tin tức – TTXVN, Thái Bình, Stockbiz (4/4) có tin “Việt Nam tham dự các cuộc họp ASEAN với các đối tác về tài chính, tiền tệ”, Lạng Sơn, Tuyên giáo (4/4) có tin “Việt Nam tham dự Đối thoại chính sách của ASEAN về tài chính-ngân hàng”, Trang thông tin đối ngoại (4/4) có tin “Việt Nam tham dự hội thảo do IMF tổ chức tại Lào” cho biết: Sáng 4/4, tại Lào, Bộ trưởng Tài chính và Lãnh đạo các Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN đã có các cuộc làm việc với Hội đồng kinh doanh châu Âu - ASEAN, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN.

Đoàn đại biểu Việt Nam Việt Nam do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng dẫn đầu đã tham dự và có các phát biểu quan trọng tại các Hội nghị.

Tại các Hội nghị, các Bộ trưởng, trưởng đoàn đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu liên quan như Tài chính xanh và Công nghệ tài chính, chuyển đổi số, Kết nối thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới, đồng thời ghi nhận vai trò và đóng góp quan trọng của các đối tác trong các ngành kinh doanh của ASEAN trong việc hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế khu vực hướng tới tăng trưởng bền vững, kiên cường và toàn diện.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã chia sẻ về chính sách tiền tệ của Việt Nam và các sáng kiến hợp tác tiền tệ; đồng thời khẳng định tài chính và tăng trưởng xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Diễn đàn doanh nghiệp (4/4) có bài “Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời – Nên sửa bất cập ngay trong năm 2024”, Vnexpress (5/4) có clip về chủ đề “Giá cả 'bỏ xa' mức giảm trừ gia cảnh” đã đưa ý kiến của người dân về tình hình thu nhập hiện nay không đủ bù đắp trước tình trạng giá cả tăng cao, trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp, mức giảm trừ 4.400.000đ/người phụ thuộc giờ không đủ chi tiêu ở các đô thị lớn. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá hiện nay đã tăng vọt hơn 20%.

Qua khảo sát của Vnexpress, người dân sống ở đô thị lớn mỗi tháng chi tiêu cho cá nhân hết tầm hơn 10 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc (nhất là các con đang trong độ tuổi đi học) thì mức chi tiêu cho một người cũng tầm 5 – 7 triệu đồng/tháng.

Theo dự kiến, từ ngày 01/7/2024, thu nhập của người lao động sẽ được tăng lên khi một loạt quyết định về lương sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa thu nhập tính thuế của người lao động cũng sẽ tăng.

Theo tính toán của các chuyên gia, trường hợp một người lao động có thu nhập trước thuế 25 triệu đồng/tháng; có một người phụ thuộc là con; mức chi tiêu trung bình 8-10 triệu đồng/tháng, bao gồm các chi phí sinh hoạt cơ bản, học phí, các chi phí khác như tiền học thêm, tiền khám chữa bệnh... với mức điều chỉnh giảm trừ gia tăng 22%, số thuế thu nhập cá nhân tiết kiệm được chỉ khoảng 400.000 đồng/tháng, chỉ chiếm tỷ trọng gần 5% so với tổng mức chi tiêu cho người phụ thuộc, chưa đủ để tạo nên thay đổi rõ nét trong quyết định chi tiêu.

3. Báo Lao Động (5/4) có bài “Taxi cần thêm trợ lực khi chuyển dịch xu hướng xe điện” cho biết: Chuyển dịch sang làm taxi điện là một xu hướng không thể đảo ngược nhưng để quá trình này diễn ra thuận lợi, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn cần sự trợ lực từ Nhà nước.

Một vấn đề mà DN taxi cần sự hỗ trợ từ Nhà nước là hỗ trợ tài chính chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, các DN kinh doanh vận tải kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm thuế, phí, nhập khẩu,…

4. VOV Giao Thông, VTV (2/4) có bài “Dự kiến bổ sung nhiều quy định mới về hoàn thuế GTGT”, Cổng Chính phủ (3/4) có bài “Dự kiến bổ sung quy định về hoàn, khấu trừ thuế giá trị gia tăng” cho biết: Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) gồm 4 chương, 16 điều: Những quy định chung; Căn cứ và phương pháp tính thuế; Khấu trừ, hoàn thuế; Điều khoản thi hành.

Về đối tượng áp dụng thuế suất 0%, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT (VAT) 0% và bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% gồm: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan, xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát thuế, phí và lệ phí, dự thảo Luật dự kiến bổ sung quy định “Cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 4 quý” được hoàn thuế GTGT.

Đây là một trong những quy định mới, bởi trong quá trình thực hiện, đối với những trường hợp chỉ kinh doanh hàng hóa chịu thuế GTGT 5% thì số thuế GTGT đầu vào là không được khấu trừ hết, làm tăng chi phí, khó khăn cho nguồn lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định rõ dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT là “dự án đầu tư (dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng) theo quy định của pháp luật đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư hoặc nhiều hạng mục đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không hình thành tài sản cố định) đang trong giai đoạn đầu tư”. Đây cũng là nội dung trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Bổ sung quy định “dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư mà chưa được hoàn thuế và có số thuế chưa được khấu trừ còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT” để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại nghị định.

Bỏ quy định về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động. Luật Doanh nghiệp quy định rất rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu. Chúng tôi đã rà soát và bỏ quy định để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách, thực hiện việc chuyển đổi doanh nghiệp để đáp ứng quy định về trường hợp hoàn thuế.

Đồng thời, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết điều kiện hoàn thuế để luật hóa quy định này đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật.

II. Vấn đề về hải quan

4. Thời báo Ngân hàng (5/4) có bài “Hiện đại hóa hải quan thúc đẩy giao thương” thông tin: Là một trong những đơn vị có quy mô, kim ngạch XNK, lẫn số thu thuế hàng năm lớn nhất trong ngành, nên Hải quan TPHCM luôn quan tâm, chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN sắp xếp vận chuyển hàng hóa theo năng lực và phù hợp với việc vận chuyển với cơ sở hạ tầng giao thông tại các cảng trên địa bàn, Cục Hải quan TPHCM đã bố trí cán bộ Đội thủ tục thực hiện thủ tục 24/7 cả trong và ngoài giờ hành chính nhằm giúp hàng hóa lưu thông liên tục, không dừng, đáp ứng nhu cầu nhận hàng hóa vào thời gian ngoài giờ hành chính của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

III. Vấn đề về giá xăng dầu

5. Đại đoàn kết (5/4) có bài “Có nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?”, Tin tức – TTXVN (4/4) có bài “Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu – còn nhiều băn khoăn” cho biết: Tại Tờ trình và dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở.

Dự thảo Nghị định quy định nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để DN tự quyết định giá.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nhận định, mục tiêu hướng tới là để thị trường quyết định. Không chỉ xăng dầu mà các mặt hàng khác do nhà nước quản lý đều phải hướng tới thị trường. Tuy nhiên, trước khi để thị trường quyết định, kinh doanh xăng dầu cần hội đủ yếu tố thị trường, tạo cơ chế cạnh tranh thì thị trường mới vận hành tốt.

Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, điểm khác cơ bản nhất ở dự thảo là trong công thức tính, giá xăng dầu nhập khẩu, chi phí vận chuyển là giá thế giới, được cập nhật mới nhất, thay vì cách tính từ các chi phí thực tế do Nhà nước tính toán trên cơ sở báo cáo của DN như trước.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định hầu như chưa đề cập đến DN bán lẻ.  Nếu Bộ Công Thương không quy định rõ cơ chế tính giá, phân đủ chi phí về các khâu thì DN đầu mối lớn sẽ tạo “luật chơi” riêng, dễ dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung khi thị trường có biến động lớn.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa đều cho rằng, nếu trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định giá và công bố giá bán, cần phải đi kèm với cơ chế kiểm soát chặt chẽ bởi nếu không sẽ dễ xảy ra tình trạng độc quyền, giữ giá cao mà không giảm, hoặc chỉ giảm nhẹ. Điều này sẽ gây bất lợi cho người tiêu dùng và cũng không tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

6. Dân trí (5/4) có tin “Giá xăng RON 95 giảm 10 đồng/lít”,Sao giá xăng chỉ giảm 10 đồng/lít?”; Tiền phong (4/4) có tin “Giá xăng RON 95 giảm nhẹ, dầu đồng loạt tăng”; Tuổi trẻ (4/4) có bài “Giá xăng RON95 giảm... 10 đồng, dầu có xu hướng tăng lại”; Chinhphu.vn (4/4) có tin “Giá xăng RON95 giảm nhẹ, giá dầu tăng trở lại”; Đảng Cộng sản Việt Nam (4/4) có tin “Giá xăng RON 95 giảm nhẹ”; Quân đội nhân dân (4/4) có tin “Từ chiều nay (4-4), giá xăng E5 tăng, xăng RON95 giảm”; Hà Nội mới (5/4) có tin “Giá xăng RON95-III giảm nhẹ, các mặt hàng còn lại đều tăng” và nhiều báo khác cho biết: Chiều 4/4, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h.

Cụ thể, xăng E5RON92 có giá 23.916 đồng/lít, sau khi tăng 291 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành; xăng RON95-3 ở mức 24.801 đồng/lít, sau khi giảm 15 đồng/lít. Hầu hết các mặt hàng dầu lại có xu hướng tăng giá trở lại. Dầu diesel 0.05S lên mức 20.980 đồng/lít, tăng thêm 290 đồng/lít; dầu hỏa có giá mới 21.010 đồng/lít, sau khi tăng 140 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng thêm 150 đồng, lên mức 17.290 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Cơ quan quản lý không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả loại xăng dầu còn lại.

Theo báo Dân trí: Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95. Ngoài ra, phương án trên bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

IV. Vấn đề về trái phiếu

7. Báo Đầu tư (5/4) có bài “Khó đảo nợ trái phiếu, doanh nghiệp phát hành đẩy bất lợi cho trái chủ” cho biết: Không chỉ thông báo trả chậm gốc và lãi trái phiếu, hàng loạt doanh nghiệp phát hành còn thay đổi điều khoản, điều kiện trái phiếu theo hướng bất lợi cho người sở hữu.

Trong 3 tháng đầu năm nay, phát hành TPDN giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi áp lực huy động vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn tăng lên. Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu, trừ đi số lượng trái phiếu mua lại trước hạn quý I/2024, trong 3 quý còn lại, lượng TPDN đáo hạn lên tới 211.000 tỷ đồng. Áp lực đáo hạn trái phiếu đang đè nặng buộc nhiều doanh nghiệp phát hành phải giãn, hoãn nợ, thay đổi nhiều điều khoản nợ trái phiếu. Dù vậy, theo nhận định của một số chuyên gia, năm nay, lượng trái phiếu chậm trả sẽ giảm bớt so với năm ngoái, nhờ nỗ lực mua lại trước hạn diễn ra dồn dập mấy năm nay.

Có chuyên gia nhận định, phát hành TPDN ảm đạm trong quý I/2024 dù môi trường lãi suất thấp là do thiếu cơ chế huy động sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức, trong khi cơ sở nhà đầu tư cá nhân bị thu hẹp do tác động của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

V. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Đầu tư (5/4) có bài “Số phận tài sản số ở Việt Nam: Lành ít, dữ nhiều” cho biết: Thị trường giao dịch tài sản ảo ở Việt Nam khá sôi động song tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo đang không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng. Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là nhiệm vụ khó khăn. Việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản ảo, tiền ảo cần phải đánh giá kỹ khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số, công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan cũng đòi hỏi hạ tầng CNTT tiên tiến, trình độ cao. Do đó, trong giai đoạn này, các Bộ, ngành đang tăng cường cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, hầu hết các Chính phủ trên thế giới cũng đang lúng túng trong vấn đề quản lý tài sản ảo. Các Chính phủ đang tìm cách ứng xử phù hợp vì nếu không sẽ tác động trực tiếp vào chủ quyền, quan trọng nhất là chủ quyền quốc gia về tiền tệ.

9. Thời báo Ngân hàng (5/4) có bài “Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” cho biết: Trong báo cáo gần nhất (kỳ tháng 3/2024), bảng phân hạng thị trường (FTSE Russell) cho biết, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì trong danh sách theo dõi nâng hạng lên TTCK mới nổi loại hai. Như vậy, đã gần 6 năm kể từ khi lần đầu tiên được đưa vào danh sách này (tháng 9/2018), Việt Nam sẽ tiếp tục phải chờ tiếp đến kỳ “review” tháng 9/2024.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00