Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 08/4/2024

Điểm báo ngày 08/4/2024

I. Vấn đề về quản lý thuế

1. VTV.vn (7/4) có tin “Thủ tướng gửi thư khen Bộ Tài chính và ngành thu”; Pháp luật Việt Nam (8/4) có tin “Phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu thành công”; Baochinhphu.vn (5/4) có tin “Thủ tướng khen Bộ Tài chính, cơ quan thuế thực hiện thành công phát hành hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán”; Dangcongsan.vn (6/4) có tin “Thủ tướng khen Bộ Tài chính thực hiện thành công hóa đơn điện tử xăng, dầu”; Sài Gòn giải phóng (6/4) có tin “Thủ tướng khen việc phát hành hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán”; Bnews (7/4) có bài “Hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán: Khi quyền lợi gắn với sự tiêu dùng” cho biết: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa gửi thư khen Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cơ quan thuế các cấp đã cơ bản thực hiện thành công phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Thủ tướng cũng đề nghị thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Báo Đầu tư (8/4) có bài “Doanh nghiệp chế xuất lo giảm sức cạnh tranh và bị thua lỗ” thông tin: Nhiều DN trong khu vực chế xuất và xuất khẩu dịch vụ đang đứng trước nỗi lo giảm sức cạnh tranh khi Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế VAT 0% với dịch vụ xuất khẩu.

Ở góc độ chuyên gia, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Deloite Việt Nam nêu quan điểm, các vướng mắc cần được xem xét thận trọng để điều chỉnh quy định phù hợp tại Dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi), đảm bảo hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của DN.

III. Vấn đề về hải quan

3. Báo Tiền phong (6/4) có bài “Nóng lại chuyện mua bán, hồi hương cổ vật” cho biết: Với Luật Di sản văn hóa sửa đổi dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2024, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Luật cũng cần thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi, không tạo sức ép lên di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế, cần thêm hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

Nhìn lại sự kiện hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo năm 2023 cho thấy, hành trình đưa bảo vật quốc gia trở lại quê hương gặp không ít trắc trở. Một số chuyên gia văn hóa, nhà khoa học lý giải, cơ chế về thuế đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Nhiều đề xuất liên quan đến miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật được đưa ra tại các buổi góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi.

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam bày tỏ: Nhà nước có chủ trương hồi hương cổ vật, nhưng có cổ vật về đến sân bay lại bị hải quan giữ lại vì chưa đóng thuế. Mức thuế lên đến 10% tổng giá trị cổ vật gây khó khăn cho các đơn vị.

IV. Vấn đề về chứng khoán

4. Báo Người lao động (8/4) có bài “Tiền số vào mùa “uptrend”, bẫy lừa rình rập: Rủi ro từ khoảng trắng pháp lý” cho biết: Thiếu hành lang pháp lý điều chỉnh giao dịch tiền điện tử nên nhà đầu tư không được bảo vệ trong tình huống bị lừa đảo, tranh chấp dân sự hoặc thị trường hoảng loạn.

Luật sư Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành hãng luật Investpush, nhìn nhận khoảng trắng pháp lý liên quan tiền số sẽ gây ra nhiều rủi ro, thiệt hại cho các chủ thể. Chẳng hạn, nhà nước bị thất thu thuế từ những giao dịch tiền điện tử giá trị lớn; người tham gia có thể bị vướng vào các vụ tranh chấp, lừa đảo mà không có căn cứ để giải quyết triệt để… Việc chưa có cơ chế quản lý tài sản số và các nhà cung cấp dịch vụ còn dẫn tới rủi ro trong kiểm soát tội phạm rửa tiền. Cần xây dựng quy trình cấp phép, giám sát hoạt động của các sàn giao dịch và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiền số.

Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, thời điểm này có nhiều động lực để các bộ, ngành tăng tốc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cũng như thể hiện quan điểm về tài sản số. Một trong những động lực quan trọng là việc nỗ lực đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám về phòng chống rửa tiền.

Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN, việc thừa nhận hay không thừa nhận, cấm hay xây dựng quy định điều chỉnh tài sản số cũng đều dẫn đến xung đột lợi ích. Do đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực này cần đóng góp ý kiến dưới góc nhìn của mình để góp phần xây dựng khung pháp lý phù hợp nhất.

V. Vấn đề về quản lý giá

5. Báo Thanh niên (8/4) có bài “Vì sao Quỹ bình ổn “bất động” kéo dài?” cho biết: Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu đang kết dư tới 7.000 tỉ đồng nhưng tới kỳ điều chỉnh thì chỉ giảm giá xăng có 10 đồng khiến người tiêu dùng chưng hửng. Bên cạnh đó, còn không có báo cáo về tình hình trích lập và chi sử dụng; lơ là quản lý, không công khai minh bạch là những vấn đề của Quỹ BOG hiện nay.

Bài báo cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có 13 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần giảm giá. Đáng nói, giá xăng có những lần giảm giá "không giống ai", gây ngỡ ngàng cho người tiêu dùng. Chưa kể nhiều lần giá xăng tăng thì quỹ lại nằm im không chi sử dụng quỹ.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bình luận việc cho giảm giá xăng 10 - 20 đồng/lít mỗi lần điều chỉnh đã không gây hiệu ứng tốt cho thị trường mà còn khiến người tiêu dùng bức xúc, cho rằng đó là hình thức điều hành "đối phó", gây tốn chi phí quản lý nhà nước. Chuyên gia này đặt câu hỏi tại sao cơ quan quản lý không mạnh dạn trích sử dụng quỹ giảm mạnh giá xăng một lần để hỗ trợ nền kinh tế. Phải chăng, tình trạng thất thoát của quỹ do doanh nghiệp đầu mối không chuyển về đã gây khó cho việc chi sử dụng?

Việc cơ quan điều hành dường như "bỏ quên" Quỹ BOG xăng dầu tại các kỳ điều hành giá biến động tăng càng khiến dư luận băn khoăn hơn về tính xác thực, minh bạch và hiệu quả của quỹ này. Băn khoăn càng tăng khi mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản nhắc nhở 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nghiêm túc gửi báo cáo về thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu. Theo quy định, 11 đơn vị này phải báo cáo về việc trích lập và chi sử dụng, quản lý Quỹ BOG định kỳ 6 tháng một lần. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2023 đến nay (hơn 9 tháng), Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được báo cáo kiểm toán quỹ của họ.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, ví von quỹ như chiếc răng khôn, một lúc nào đó, sẽ hết thời hạn sử dụng, nên bỏ đi, không nên cố gắng để giữ. Càng giữ, lại không quản lý tốt hoặc buông lỏng quản lý thì hệ lụy là nảy sinh vấn đề về lợi ích nhóm, thiếu minh bạch, mất lòng tin…

6. Báo Đầu tư (8/4) có bài “Trao quyền quyết giá bán xăng dầu về tay doanh nghiệp” thông tin: Để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá xăng dầu là một trong những đề xuất đáng chú ý nhất tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công thương đang xây dựng.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, về bản chất, quy định như vậy vẫn mang hình bóng “bình mới, rượu cũ”, khi doanh nghiệp phải đưa ra mức giá trần. Cách thức này vẫn tạo thói quen bám sát giá trần, không có động lực giảm giá. Do vậy, ông Thỏa cho rằng, cần làm rõ thêm quy định giá trần ở nghị định mới, đặc biệt là những chế tài kiểm soát để tháo gỡ hết nút thắt, dứt khoát áp dụng nguyên tắc giá thị trường đối với kinh doanh xăng dầu.

7. Báo Hà Nội mới (8/4) có bài “Kiềm chế lạm phát để hiện thực mục tiêu tăng trưởng”; Lao động (6/4) có tin “Không quá lo ngại lạm phát trong năm 2024” cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng 2/2024. Tính chung cả quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Theo các chuyên gia, lạm phát đang ở mức độ an toàn, có thể nhận định là thành công ban đầu của nền kinh tế. Tuy vậy, không vì thế mà có thể chủ quan, xem thường, bởi tình hình trước mắt không hoàn toàn thuận lợi và vẫn có thể xuất hiện những áp lực lạm phát không nhỏ trong thời gian còn lại của năm 2024.

VI. Vấn đề về tài chính ngân hàng

8. Báo Kinh tế & Đô thị (8/4) có tin “Chỉ đạo tăng cường kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng”; Người đưa tin (7/4) có tin “Sắp kiểm tra 6 casino, 10 công ty kinh doanh xổ số” cho biết: Bộ Tài chính vừa duyệt Kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài và casino năm 2024. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra 10 công ty kinh doanh xổ số; 11 doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng cho người nước ngoài và 6 công ty kinh doanh casino.

Nội dung kiểm tra gồm việc tuân thủ các điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc điều kiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh; việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động kinh doanh; việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

VII. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

9. Báo Tiền phong (6/4) có bài “Thu chi tiền công đức: Minh bạch để tăng niềm tin” cho biết: Theo Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), đã có hơn 50 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức về Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đang tổng hợp, đưa vào báo cáo chung. Có nhiều địa phương thu tiền công đức lên tới 200 tỷ đồng/năm. Ngay sau khi tổng hợp đầy đủ số liệu trên cả nước, Bộ Tài chính sẽ công bố công khai.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00