Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/4/2024

Điểm báo ngày 10/4/2024

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Báo Lao động (10/4) có tin “Mức giảm trừ gia cảnh bất cập, lạc hậu khi vật giá tăng cao” cho biết: Gần 4 năm qua, mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên ở mức 11 triệu đồng và giảm trừ 4,4 triệu đồng với mỗi người phụ thuộc. Điều này khiến người dân gặp khó trong thời buổi vật giá leo thang. Đa phần người dân đều bày tỏ mong muốn nâng mức giảm trừ gia cảnh và giảm trừ phụ thuộc để phù hợp hơn với đời sống ngày nay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ phụ thuộc là quá thấp so với khả năng trang trải chi tiêu của người dân. Bên cạnh đó, kết cấu của thuế TNCN hiện nay có nhiều lạc hậu, nhiều mức khác nhau từ 5- 5% gây khó khăn trong việc tính toán, kiểm tra, giám sát việc nộp thuế TNCN.

Để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh được phù hợp và giảm bớt những gánh nặng cho người dân, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất không những phải sửa, mà còn phải cải cách lại toàn bộ về luật. Thay đổi ngay từ cách tính toán như dựa trên mức sống bình quân, cũng như khả năng nâng cao trình độ, các yếu tố có liên quan đến thu nhập và lạm phát để ra được chính sách thuế mới phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay. Đồng thời, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh lên từ 18 - 20 triệu đồng và mức khoảng 9 - 10 triệu đồng cho một người phụ thuộc.

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Báo Công an nhân dân (10/4) có bài “Thực hiện gần 7 nghìn cuộc thanh, kiểm tra thuế”; Thanh tra (9/4) có tin “Ngành Thuế: Thực hiện 6.849 cuộc thanh tra, kiểm tra”; Thời báo Ngân hàng (9/4) có bài “Mỗi ngày trên cả nước có gần 229 cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế”; Nhân dân (9/4) có tin “Ngành Thuế thu ngân sách Quý I năm 2024 ước đạt 490.196 tỷ đồng”; Lao động (9/4) có tin “Quý I.2024, thu ngân sách ngành thuế tăng mạnh”; VTV.vn (9/4) có tin “Thu thuế hơn 490.000 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm”; Nhân dân (10/4) có tin “Ngành Thuế thu ngân sách Quý I năm 2024 ước đạt 490.196 tỷ đồng”; Quân đội nhân dân (10/4) có tin “Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 490.196 tỷ đồng”; Tin tức (10/4) có tin “Nhiều khoản thu đạt khá, đã hoàn thuế gần 32.000 tỷ đồng”; Đấu thầu (9/4) có tin “Quý I, thu ngân sách nhà nước ngành thuế vượt gần 17%” cho biết: Tổng thu NSNN luỹ kế 3 tháng đầu năm 2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 490.196 tỷ, bằng 116,9% so với dự toán quý I/2024, bằng 33% so với dự toán năm 2024, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 474.460 tỷ đồng, bằng 116,4% so với dự toán quý I/2024, bằng 32,9% dự toán năm 2024, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã thực hiện 6.849 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 10,3% kế hoạch năm 2024, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 64.079 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Về số thu nợ thuế tính đến cuối quý 1/2024 ước đạt 26.868 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ năm 2023.

3. Diễn đàn doanh nghiệp (10/4) có bài “Ngăn chặn gian lận từ hoàn thuế” cho biết: Để ngăn chặn gian lận hoàn thuế, cùng với việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT theo đúng quy định, ngành Thuế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế nhằm kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật. Tính đến ngày 4/4, cơ quan thuế đã ban hành 4.472 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 31.892 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để giải quyết ngay những “điểm nóng” về công tác hoàn thuế GTGT, qua đó nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý hoàn thuế GTGT, góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với các hồ sơ không đủ điều kiện hoàn cần có thông báo cụ thể để doanh nghiệp được biết tránh bị hiểu lầm.

4. Báo Pháp luật Việt Nam (9/4) có tin “4 cá nhân, 7 tập thể thuộc Tổng cục Thuế được Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng bằng khen” cho biết: Để ghi nhận thành tích đột xuất và xuất sắc trong công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, ngày 08/4/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 803/QĐ-BTC tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho 04 cá nhân và 07 tập thể thuộc Tổng cục Thuế.

5. VnEconomy (9/4) có tin “Năm chiêu thức giả danh cán bộ thuế lừa đảo người nộp thuế” cho biết: Trong thời gian qua, ngành thuế nói chung và Cục Thuế Hà Nội nói riêng đã liên tục cảnh báo tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế nhưng vẫn có trường hợp mắc "bẫy" các đối tượng này, đặc biệt trong giai đoạn tháng cao điểm quyết toán thuế.

Trước tình trạng trên, Cục Thuế TP. Hà Nội khẳng định không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành thuế nào thu thuế hộ. Đồng thời cảnh báo đến người nộp thuế khi nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ tránh bị kẻ gian lợi dụng.

Cục Thuế TP. Hà Nội khuyến cáo và đề nghị người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn.

III. Vấn đề về hải quan

6. Báo Nhân dân (9/4) có bài “Hải quan Việt Nam tăng cường hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN”; Công Thương (9/4) có bài “Hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN tạo thuận lợi thương mại”; Dangcongsan.vn (9/4) có bài “Hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN”; Vietnamnet (9/4) có tin “Hải quan triển khai sáng kiến ACTS cùng các nước ASEAN theo đúng tiến độ chung” cho biết: Hợp tác hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung trong khu vực.

Chính vì vậy, ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn. Có thể kể đến những văn kiện mang tính cột mốc như Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN, Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về Thực hiện Biểu thuế Hài hòa hóa của ASEAN (AHTN), Nghị định thư về Hệ thống quá cảnh hải quan (ACTS)…Trong những năm qua, Hải quan Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo cơ chế luân phiên, Hải quan Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) lần thứ 33 trong năm 2024.

IV. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Người lao động (10/4) có tin “Truy tố cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết”; Công an nhân dân (10/4) có tin “Những ai bị truy tố trong vụ Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán và lừa đảo?”; Quân đội nhân dân (10/4) có tin “Ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 50 bị can”; Thanh niên (9/4) có tin “Cựu vụ trưởng 'biết sai nhưng vẫn làm' vì sợ ông Trịnh Văn Quyết” ; VnExpress (9/4) có tin “Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị truy tố”; Vietnamplus (9/4) có tin “Truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 50 bị can khác”; Hà Nội mới (9/4) có tin “Truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 50 bị can khác”; Lao động (9/4) có tin “Nhóm cựu lãnh đạo HoSE bị truy tố vì giúp sức cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết”; Tiền phong (9/4) có tin “Kiến nghị xử lý nhiều lãnh đạo HOSE, Uỷ ban chứng khoán liên quan vụ án Trịnh Văn Quyết” và nhiều báo khác cho biết: Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 51 bị can trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Trong số đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bị can Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) cùng hai em gái về các tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng hai tội trên, Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 41 bị can là nhân viên của FLC, các đơn vị thẩm định giá, kiểm toán...

Riêng 3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng UBCKNN, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị truy tố tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, gồm: Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc UBCKNN; Dương Văn Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung - Trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Có 4 cựu lãnh đạo HOSE cùng bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: ông Trần Đắc Sinh - cựu Chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà - cựu Tổng giám đốc, cựu Ủy viên HĐQT, thành viên độc lập hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ - nguyên Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết; Lê Thị Tuyết Hằng - Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết.

8. Báo Tuổi trẻ (10/4) có bài “Gỡ nút thắt cho vốn ngoại vào chứng khoán” cho biết: Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch không ký quỹ 100% tiền. Thay vào đó, công ty chứng khoán đánh giá năng lực khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận…Đây là một trong những điểm mới tại dự thảo thông tư sửa đổi một số thông tư liên quan đến TTCK vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến nhằm tháo gỡ một số nút thắt quan trọng để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của tổ chức xếp hạng.

Ông Phan Quốc Huỳnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng chính sách này sẽ gỡ nút thắt lớn nhất trong việc nâng hạng TTCK. Đây là giải pháp phù hợp thông lệ quốc tế, xử lý các nút thắt một cách quyết liệt. Tuy nhiên, vấn đề còn lại nằm ở quy trình mỗi công ty chứng khoán ra sao.

Cũng tại dự thảo, Bộ Tài chính đặt mục tiêu từ năm 2025, các doanh nghiệp niêm yết cơ bản phải công bố thông tin song ngữ Việt - Anh. PGS.TS Trần Việt Dũng – Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho rằng, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh vẫn chỉ mang tính khuyến khích. Đã đến lúc việc công bố bằng tiếng Anh cần được phân lộ trình thích hợp theo từng nhóm đối tượng.

Ngoài ra, cần ban hành biểu mẫu thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, công khai trên cổng thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán nhằm giúp chuẩn hóa thông tin niêm yết, giảm chi phí dịch thuật cho doanh nghiệp.

V. Vấn đề về quản lý giá

9. Báo Tiền phong (10/4) có bài “Giảm giá sách giáo khoa: Cần tính toán hợp lý” cho biết: Trước thềm năm học mới 2024-2025, các nhà xuất bản (NXB) đã công bố chính sách điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa (SGK) so với các năm học trước. Tuy nhiên, có đơn vị chỉ giảm cho tổ chức, cá nhân mua sách tặng thư viện dùng chung, không giảm cho tất cả phụ huynh, học sinh mua sách.

Về giá bán SGK, theo TS.Nguyễn Tùng Lâm, Bộ Tài chính phải là đơn vị “trọng tài”, có tính toán các chi phí để đưa ra mức giá hợp lý. Nếu rà soát chặt chẽ các khâu, tính đúng công thức, độ biến động sẽ ra giá giảm tối thiểu cần thiết là bao nhiêu. Vấn đề nằm ở chi phí chiết khấu cao sẽ cõng theo giá sách bán ra cao, do đó nếu rút gọn được các khâu phát hành chi phí chiết khấu sẽ giảm rất nhiều.

VI. Vấn đề về tài chính ngân hàng

10. Báo Tiền phong (10/4) có bài “Sẽ xử lý bất cập kinh doanh xổ số” cho biết: Dù liên tục tăng trưởng nhưng kinh doanh xổ số còn nhiều bất cập. Điển hình như: Bức tranh kinh doanh xổ số của các công ty có kết quả trái ngược nhau. Có nơi doanh thu nghìn tỷ, nơi lợi nhuận chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Trước những diễn biến lạ này, Bộ Tài chính cho biết sẽ giám sát chặt, xử lý bất cập kinh doanh xổ số.

Tại phiên họp tháng 3/2024 của UBTVQH, ĐBQH Lê Thanh Hoàn Đoàn Thanh Hóa) đề nghị Bộ Tài chính cần có giải pháp giảm chi phí phát hành xổ số để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Là bộ chuyên ngành quản lý hoạt động kinh doanh xổ số, Bộ Tài chính đã nhìn thẳng vào bức tranh tồn tại, hạn chế của thị trường xổ số này. Theo đó, những tồn tại hạn chế chủ yếu do thị hiếu của người tiêu dùng, tập quán vùng miền và xổ số điện toán mới đưa vào hoạt động thị phần còn nhỏ. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường quản lý giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xổ số; thường xuyên kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh xổ số và giám sát từ xa thông qua cơ chế báo cáo.

11. Báo Lao động (10/4) có bài “Phát hiện nhiều vi phạm trong kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng” cho biết: Gần đây, lãnh đạo nhiều tỉnh thành như Lạng Sơn, Cao Bằng cùng lúc ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường quản lý, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino trên địa bàn. Chỉ đạo của các địa phương nói trên nhằm thực hiện văn bản của Bộ Tài chính sau khi Bộ phát hiện nhiều hạn chế, vi phạm trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino tại nhiều địa phương.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết triển khai thực hiện Nghị định số 121/2021/NĐ-CP, trong năm 2023 đã chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương kiểm tra định kỳ tại một số doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài và casino.

Kết quả kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino được kiểm tra còn một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động như: các quy chế, thể lệ chưa đầy đủ các nội dung theo quy định, chưa cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật; vi phạm quy định về tỉ lệ máy trò chơi điện tử có thưởng nhiều người chơi được phép kinh doanh…

VII. Vấn đề về tài chính doanh nghiệp

12. Báo Công an nhân dân (10/4) có tin “77 doanh nghiệp được phê duyệt đề án tái cơ cấu” cho biết: Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 3/2024, đã có 77 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

VIII. Vấn đề về quản lý công sản

13. Baochinhphu.vn (9/4) có tin “Bộ Tài chính ban hành kế hoạch tổng kiểm kê tài sản công” cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 798/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Theo kế hoạch, bộ, cơ quan trung ương, địa phương sẽ thành lập ban chỉ đạo kiểm kê để chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện kiểm kê tài sản; xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm kê của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý thực hiện bảo đảm theo đúng tiến độ.

Bộ Tài chính sẽ triển khai khảo sát, xác định các chỉ tiêu kiểm kê, xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn các chỉ tiêu kiểm kê, biểu mẫu, cách thức tổng hợp kết quả kiểm kê. Việc thực hiện kiểm kê thử nghiệm trên cơ sở các chỉ tiêu kiểm kê đã xác định và dự thảo văn bản hướng dẫn (dự kiến thử nghiệm tại 3 địa phương và 2 bộ). Thời gian thực hiện trong tháng 4-5/2024.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00