Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 15/11/2024

Điểm báo ngày 15/11/2024

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Các báo: Thanh niên, Tin tức, Đấu thầu, Đại biểu nhân dân, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Tuổi trẻ và pháp luật, VOV, Người đưa tin, Đại đoàn kết (14, 15/11) có bài “Sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về “thuế suất đối với phân bón”, Thanh tra (14/11) có bài“Ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với hộ kinh doanh có thể không quy định trong luật” và nhiều báo khác đưa tin cho biết:  Sáng 14/11, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Nhiều ý kiến trong UBTVQH thống nhất với việc lấy ý kiến ĐBQH về chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%. Đồng thời, thống nhất ngưỡng doanh thu từ 200 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải chịu thuế GTGT.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần lấy ý kiến ĐBQH về các nội dung như quy định không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, sản phẩm cung cấp trên nền tảng số không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu.

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT (khoản 25 Điều 5), Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh cho biết dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý đã quy định mức ngưỡng 200 triệu đồng/năm. Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế để bảo đảm kịp thời điều hành phù hợp với thực tiễn và bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi.

Báo cáo giải trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế để bảo đảm kịp thời điều hành phù hợp với thực tiễn và bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay về vấn đề quy định mức ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế thống nhất sẽ giao cho Chính phủ quy định.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Đại đoàn kết (14/11) có bài “Thuế TTĐB với đồ uống có đường: Bao nhiều là phù hợp?” cho biết: Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Theo các chuyên gia, cần đưa lộ trình tăng thuế suất TTĐB đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm đồ uống có đường tăng thêm 20%, có như vậy mới hạn chế việc sử dụng đồ uống có đường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu Việt Nam đưa ra lộ trình tăng thuế suất TTĐB đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm đồ uống có đường tăng thêm 20% (theo giá thực đã tính đến lạm phát) sẽ đem lại lợi ích kép, hạn chế việc sử dụng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, giúp nhà nước tăng ngân sách.

Báo cáo “Các công cụ tài chính nhằm giảm tiêu dùng đồ uống có đường tại Việt Nam” do WHO công bố gần đây cho thấy, hiện tượng giảm việc làm trong ngành đồ uống thường đến từ việc đầu tư dây chuyền công nghiệp hóa hiện đại. Trên thực tế việc làm trong ngành đồ uống không nhiều vì mức độ công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất rất cao.

Đáng chú ý, việc áp thuế với mặt hàng này sẽ giảm sức mua các nhóm sản phẩm đồ uống có đường thuộc diện chịu thuế. Tuy nhiên, ngành đồ uống còn cung ứng ra thị trường nhiều loại đồ uống khác mà không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Chính vì vậy, chưa có bằng chứng nào việc áp thuế TTĐB sẽ làm giảm sức mua của các loại đồ uống và làm giảm doanh thu của ngành công nghiệp đồ uống, nhất là khi sức mua các loại đồ uống lành mạnh (như nước lọc) sẽ tăng khi đồ uống có đường bị áp thuế. Điều này sẽ tạo ra các việc làm thay thế.

“Việc áp thuế rất phù hợp với xu hướng quốc tế. Các nước đã nhận thức vấn đề này sớm hơn và họ đã bắt đầu áp thuế để quản lý sự gia tăng sử dụng của đồ uống có đường. Hiện nay đã có hơn 100 quốc gia áp thuế TTĐB” - ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho hay.

3. Báo Tuổi trẻ (15/11) có bài “Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển. Kỳ 3: Cần miễn, giảm thuế cho báo chí” cho biết ý kiến của PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực UBVHGD của Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu giảm thuế TNDN xuống 10% với hoạt động báo chí nhằm tạo sự công bằng, hỗ trợ cơ quan báo chí, nhất là khi nguồn thu của các cơ quan này bị sụt giảm do chịu sự cạnh tranh của mạng xã hội, các nền tảng khác. Việc giảm thuế không làm NSNN bớt đi bao nhiêu. Trong khi, nếu giữ mức 15% sẽ làm báo chí chồng thêm khó khăn. Cũng theo ông Nghĩa, nếu giảm thuế TNDN cho báo in xuống mức thấp hơn 10% (ví dụ 5%) thì sẽ càng trọn vẹn. Cùng với chính sách thuế, cần tập trung tháo gỡ, khơi thông nguồn lực đặt hàng báo chí.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, báo chí là công cụ đắc lực cho tuyên truyền chính sách pháp luật nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn, nhiều tờ báo giấy thu không đủ bù chi, càng phát hành càng lỗ. Một số chuyên gia cũng cho rằng, cần mở rộng chính sách ưu đãi thuế không chỉ áp dụng với hoạt động báo chí mà cả với những hoạt động khác như quảng cáo, thu tài trợ phục vụ cho báo chí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM), báo chí có vai trò rất quan trọng, thực hiện tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Cần có nhiều chính sách ưu đãi với họ, và tại kỳ họp lần này, ông Ngân sẽ phát biểu vấn đề này trước Quốc hội, không phải là giảm 15% hay 10% mà là miễn thuế TNDN cho họ.

4. Báo Pháp luật Việt Nam (15/11) có bài “Trị tận gốc hành vi chuyển giá trốn thuế” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024. Một trong các nhiệm vụ được nêu rõ phải quyết liệt thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là “thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh ăn uống… bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu”.

5. Các báo: VTV.vn (15/11) có tin “Khởi tố giám đốc doanh nghiệp mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, thu lợi hàng trăm triệu đồng”; Công lý (14/11) có tin “Giám đốc và nhân viên bán hóa đơn khống, thu lời bất chính”; Công an nhân dân (14/11) có tin “Giám đốc cùng nữ nhân viên bán hóa đơn đỏ tiền tỷ “phi thực tế””; Znews (14/11) có tin “Giám đốc cùng nữ nhân viên bán hóa đơn đỏ tiền tỷ 'phi thực tế'” và một số báo khác cho biết: Ngày 14/11, Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi trú hai đối tượng về hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.

Kết quả điều tra bước đầu xác định: Từ tháng 5/2023 đến tháng 11/2023,  Bùi Quang Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Anh Minh và Lê Thị Hà (sinh năm 1982, trú tại xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã thực hiện hành vi in, phát hành, bán cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ thực tế với tổng giá trị ghi trên hóa đơn nhiều tỷ đồng.

6. Các báo: Tin tức (14/11) có bài “Khởi tố vụ án mua bán trái phép hóa đơn tổng trị giá 40 tỷ đồng”; Người đưa tin (14/11) có tin “Khởi tố vụ án mua bán trái phép hóa đơn tổng trị giá hàng chục tỷ đồng” cho biết: Ngày 14/11, Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Thị Thùy Dương (sinh năm 1985, trú tại phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Theo hồ sơ vụ án, trong năm 2021 và năm 2022, Công ty TNHH DVDL LE HIEU (có trụ sở tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) và Công ty TNHH Thanh Anh Khoa (trụ sở tại phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) không có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gì nhưng đã xuất trên 700 hóa đơn giá trị gia tăng, trong đó gồm hóa đơn giá trị gia tăng điện tử và hóa đơn giá trị gia tăng giấy với tổng giá trị thanh toán trên 40 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

III. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Đầu tư (15/11) có bài “Nên nới điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng” cho biết: Mặc dù dự thảo mới nhất của Luật Chứng khoán (sửa đổi) không siết chặt thêm điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng, song các chuyên gia cho rằng nên mở thêm điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng nhằm khuyến khích phát hành loại sản phẩm hàng hóa này, từ đó bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản trên thị trường TPDN riêng lẻ.

Theo các chuyên gia, UBCKNN cần chủ động rà soát quy trình, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt hồ sơ trái phiếu phát hành ra công chúng. Riêng với các yêu cầu về minh bạch thông tin, cơ quan điều hành không thể nhượng bộ, mà phải yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.

Trong hai kênh phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng, Bộ Tài chính không đặt mục tiêu cụ thể thu hẹp hay mở rộng thị trường nào, song rõ ràng một khi thị trường TPDN riêng lẻ gặp khó, nếu thị trường trái phiếu phát hành ra công chúng cũng dóng băng, thì thị trường vốn sẽ tắc nghẽn, gây đứt gãy dòng vốn của doanh nghiệp.

8. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (15/11) có bài “Chặn tăng vốn ảo khi IPO” cho biết: Tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Chính phủ đề xuất bổ sung trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán vốn điều lệ đã góp trong 10 năm tính đến thời điểm đăng ký IPO.

Theo các ĐBQH, việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là nội dung quan trọng để xác định tổng vốn thực góp, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng. Điều này sẽ tránh được các trường hợp hệ lụy cho thị trường như Faros thuộc tập đoàn FLC. Đề xuất này cũng được một số ĐBQH đồng tình với thời gian kiểm toán vốn góp nên rút ngắn lại, có thể 5 năm để đảm bảo tiết kiệm hơn chi phí cho doanh nghiệp. Hoặc cần xem xét cân nhắc không quy định việc phải bổ sung báo cáo đã kiểm toán về góp vốn điều lệ vào hồ sơ chào bán chứng khoán bởi lo ngại việc này sẽ phát sinh thời gian, chi phí, tâm lý e ngại cho doanh nghiệp hoặc bỏ sót hàng tốt trên thị trường chứng khoán.

9. Báo Người lao động (15/11) có tin “Chứng khoán lại gặp khó” cho biết: Sau một phiên phục hồi nhẹ, TTCK trong nước lại gặp áp lực bán mạnh vào cuối phiên 14/11 khiến các chỉ số lẫn cổ phiếu đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. VN-Index ghi nhận mức giảm tới 14,15 điểm (-1,14%) và chốt tại 1.231,89 điểm, thấp nhất trong 3 tháng qua. Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng trong suốt 10 phiên qua. Giá trị bán ròng trên sàn phiên này tới hơn 940 tỉ đồng, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trên các diễn đàn, hội nhóm đầu tư, nhà đầu tư bày tỏ sự thất vọng và bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao VN-Index có thể thủng vùng hỗ trợ mạnh 1.240 điểm một cách dễ dàng. Trước đó, các công ty chứng khoán, tổ chức tài chính đều cho rằng chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ những thông tin tích cực từ vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, thông tư tháo gỡ cho giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức và lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam. Một số người đặt nghi vấn áp lực bán tháo cuối phiên là do các công ty bán giải chấp cổ phiếu trong tài khoản của nhà đầu tư để trừ nợ. Một số công ty chứng khoán cũng bày tỏ sự khó hiểu đối với diễn biến của TTCK. Bởi lẽ, dù không có quá nhiều thông tin tiêu cực nhưng VN-Index vẫn liên tục đi xuống.

IV. Vấn đề về nợ công

10. Thời báo ngân hàng (15/11) có bài “Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Cần đảm bảo tính khả thi và hiệu quả” cho biết: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo tóm tắt Tờ trình và thẩm tra phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tờ trình của Chính phủ khẳng định 3 tiêu chí về mức dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài của Quốc gia trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, hai tiêu chí quan trọng là bội chi NSNN bình quân và chi trả nợ trực tiếp dự kiến sẽ tăng ở mức khá cao. Nhiều ý kiến cho rằng, NSNN trong thời gian qua và những năm tới vẫn là bội chi, nguồn vốn đầu tư công chủ yếu từ vay nợ. Do vậy, cần cân đối tổng thể, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Về tổng mức đầu tư dự án, các đại biểu nhận định, so với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSTW, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá 114% tổng vốn đầu tư công trung hạn NSTW giai đoạn 2025 và tương đương 59% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.

V. Vấn đề về bảo hiểm

11. Báo Đầu tư chứng khoán (15/11) có tin “Tư vấn bảo hiểm sai bị phạt, chuyên gia muốn tăng chế tài” cho biết: Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, theo đó sẽ bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nếu sai phạm trong tư vấn bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính.

Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, hiện tại, mức xử phạt trong vi phạm hoạt động bảo hiểm là mức thấp. Các DNBH hàng năm thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu thì mức phạt 100-200 triệu đồng chỉ như “muối bỏ biển”. Nếu mức phạt tối đa không thể vượt quá 200 triệu đồng đối với DN hay 100 triệu đồng đối với cá nhân thì mức phạt cần tính theo từng trường hợp. Đồng thời, cần có thêm quy định cả cá nhân môi giới bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử phạt cùng DNBH.

Một vấn đề nữa là chưa có quy định phạt ngân hàng nếu triển khai sai hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). NHNN đã thanh tra các ngân hàng trong đó có hoạt động bán bảo hiểm. Cần công khai rộng rãi kết quả thanh tra cũng như các ngân hàng bị xử phạt do bán sai, bán ẩu bảo hiểm.

Cần làm tròn vai của nhà quản lý giám sát thị trường bảo hiểm. Khi xử phạt hành chính hay áp dụng các hình thức xử phạt khác như thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm…, Bộ Tài chính, Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cần công khai thông tin này rộng rãi, góp phần lấy lại niềm tin từ người tham gia bảo hiểm, tăng tính minh bạch của thị trường.

12. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (15/11) có tin“Bất cập điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” cho biết: Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN, mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối rõ ràng, tuy nhiên, quá trình thực thi điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm đã cho thấy những tồn tại, hạn chế cần được hoàn thiện.

Thực tiễn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm hiện nay có những hạn chế, bất cập nhất định. Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng gia nhập, pháp luật chưa kiểm soát về sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua thường không được đàm phán lại. Dựa trên cơ sở này, các DNBH thường bổ sung, mở rộng thêm nhiều diện rủi ro khác để loại trừ nhằm thu hẹp phạm vi bảo hiểm. Dù tạo ra loại sản phẩm phù hợp hơn với điều kiện của đối tượng bảo hiểm nhưng điều này vẫn gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm. Người mua muốn được bảo hiểm thêm rủi ro loại trừ thì họ cần được sự chấp nhận của DNBH và phải trả thêm phí để chuyển đổi rủi ro loại trừ thành rủi ro được bảo hiểm….

Để giải quyết những tồn tại trên, theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp về mặt chủ quan, khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi bằng cách hiểu rõ hợp đồng, thương lượng hợp lý và tuân thủ chặt chẽ quy trình bảo hiểm để tránh gặp khó khăn khi sự cố xảy ra. Về mặt pháp lý, cần tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 theo hướng dẫn: Bổ sung quy định về giới hạn các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào hợp đồng.

VI. Vấn đề khác

13. Báo Tiền phong (14/11) có bài “Sắp xếp bộ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực” cho biết: Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow