Điểm báo ngày 09/12/2024
I. Vấn đề về chính sách thuế
1. Báo Tiền phong (8/12) có tin “Bộ Tài chính nói gì về lo ngại đánh thuế bất động sản thứ 2?”; Baochinhphu.vn (9/12) có tin “Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2: Bộ Tài chính nói gì?”; VnExpress (7/12) có tin “Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế người nhiều nhà, đất”; Dân trí (6/12) có tin “Bộ Tài chính đang nghiên cứu đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất”; Lao động Thủ đô (8/12) có tin “Chọn thời điểm phù hợp đánh thuế sở hữu nhiều bất động sản” cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được một số ý kiến của dư luận về việc đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất ở thời điểm này chưa phù hợp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời điểm và cách thức đánh thuế để tránh gây sốc, dẫn đến việc bán tháo ồ ạt trên thị trường.
Trước lo ngại này, Bộ Tài chính cho biết, hiện tại Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong quá trình xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ); sử dụng bất động sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp). Tuy nhiên, hiện tại, ở Việt Nam chưa có khoản thu đối với nhà trong quá trình sử dụng và chuyển nhượng bất động sản thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT.
Để thể chế hóa các chủ trương, định hướng được nêu tại Nghị quyết của Đảng liên quan đến quản lý, sử dụng đất thì cần có giải pháp phù hợp, đồng bộ với điều kiện và bối cảnh, trong đó có việc nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với điều kiện trong nước, thông lệ quốc tế cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản.
2. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (6/1) có bài “Đề xuất đánh thuế mua bán bất động sản theo thời gian sở hữu: Còn nhiều tranh cãi” cho biết: Bộ Tài chính đang nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất đánh thuế mua bán bất động sản theo thời gian sở hữu dù có những mặt tích cực nhưng việc thực hiện sẽ gặp nhiều thách thức. Theo Savills Việt Nam, để thực hiện đánh thuế bất động sản cần rất nhiều các giải pháp kỹ thuật như: tính toán chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kĩ thuật, công cụ tính thuế, đặc biệt là minh bạch và số hóa toàn bộ dữ liệu bất động sản dân cư. Những yếu tố này tạo ra rào cản lớn, đòi hỏi nguồn tài chính lớn, sự quyết liệt từ các cơ quan chức năng và công tác phối hợp lâu dài.
Ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng, nhiều người mua nhà không phải để ở mà với mục đích cho thuê nên không thể gọi là đầu cơ. Vì vậy, việc đánh thuế đối với bất động sản thứ 2 hay theo thời gian nắm giữ đều không phải là giải pháp tốt cho thị trường hiện nay. Khi áp dụng thuế cần tính thuế thu được có bù đắp được chi phí hay không. Nếu muốn ngăn chặn đầu cơ phải thêm nhiều công vụ và chi phí khác nữa để đảm bảo công bằng cho người dân, dẫn đến chi phí cho việc đánh thuế cao hơn thu thuế.
3. Báo Đại đoàn kết (9/12) có bài “Thay đổi biểu thuế thu nhập cá nhân: Người lao động chờ đợi” cho biết: Luật Thuế TNCN hiện hành đã không còn phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính đang dự thảo Luật mới thay thế đã được nhiều chuyên gia hưởng ứng, đồng tình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Luật cần xây dựng một mức giới hạn được trừ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thực tiễn. Ví dụ như mức học phí, viện phí được trừ có thể bằng mức học phí trường công, viện công hoặc không vượt quá số lần theo mức học phí, viện phí công để bình đẳng giữa các bên. Ngoài ra, thuế suất của các bậc nên giảm xuống, cụ thể bậc 1 chỉ khoảng 1 – 2%, bậc cao nhất cũng chỉ ở mức 20%.
II. Vấn đề về quản lý thuế
4. Báo Thanh niên (9/12) có bài “Nợ thuế bao nhiêu tạm hoãn xuất cảnh là hợp lý?”; Công an nhân dân (9/12) có bài “Cần tính toán kỹ, phân loại doanh nghiệp khi áp mức nợ thuế cấm xuất cảnh”; Vietnamnet (9/12) có tin “Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh, ngưỡng cao hay thấp?”; Người lao động (7/12) có tin “Bộ Tài chính đề xuất nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên bị hoãn xuất cảnh”; Công an nhân dân (9/12) có tin “cần tính toán kỹ, phân loại doanh nghiệp khi áp mức nợ thuế cấm xuất cảnh” cho biết: Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với các ngưỡng nợ khác nhau. Cụ thể, đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên. Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của NNT là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nợ thuế quá hạn từ 100 triệu đồng trở lên. Cả hai nhóm đối tượng trên cũng sẽ bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh khi không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Theo Luật sư Phạm Thành Long, Nhà sáng lập Công ty Luật Gia Phạm, xét thực trạng ở Việt Nam hiện nay thì ngưỡng nợ thuế 10 triệu, 100 triệu đồng và thời hạn 120 ngày như đề xuất có thể coi là hợp lý. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác thì ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh như vậy còn quá nhỏ; số người có nguy cơ bị ngăn xuất cảnh sẽ rất lớn.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc quy định hạn mức cụ thể sẽ giúp việc thực thi thu hồi nợ thuế chuẩn xác hơn, tránh việc áp dụng cào bằng biện pháp cấm xuất cảnh cho nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ, gây khó khăn cho người nộp thuế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng để xác định ngưỡng nợ thuế.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cũng cho rằng, ngành thuế nên nghiên cứu và đưa vào quy định nhiều ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cần tăng thời gian nợ thuế lên 6 tháng. Bên cạnh đó, cần áp dụng các quy định một cách bình đẳng. Người nộp thuế nợ thuế thì cưỡng chế, còn cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì cũng nên có quy định rõ ràng về trách nhiệm.
5. Báo Tuổi trẻ (8/12) có tin “Mới hết tháng 11, số thu thuế thu nhập cá nhân vượt cả năm hơn 10.000 tỉ”; Pháp luật Việt Nam (9/12) có tin “Thu nợ thuế tăng hơn 33% so với cùng kỳ”; Quân đội Nhân dân (9/12) có tin “Góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế”; VnExpress (8/12) có tin “Tiền thuế thu nhập cá nhân 11 tháng vượt kế hoạch cả năm 10.000 tỷ đồng”; Hà Nội mới (8/12) có tin “Phân loại nợ thuế để có biện pháp thu hiệu quả”; VTV.vn (8/12) có tin “Thuế thu nhập cá nhân 11 tháng vượt dự toán cả năm hơn 10.000 tỷ đồng”; Pháp luật Việt Nam (6/12) có tin “Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử vượt mốc 100.000 tỉ đồng” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11/2024, có 17/20 khoản thu, sắc thuế đạt trên 94% so với dự toán, trong đó một số khoản thu lớn như: thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 103%; phí - lệ phí ước đạt 108,6%; thu từ hoạt động xổ số ước đạt 108,2%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 171%.
Đặc biệt, số thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 106,9% dự toán. Thực tế, trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, so với dự toán là 159.124 tỉ đồng, số thu thuế thu nhập cá nhân 11 tháng qua đạt trên 170.000 tỉ đồng, ước vượt hơn 10.000 tỉ đồng.
Trong 11 tháng năm 2024, cơ quan thuế thu hồi được 61.227 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 30/11, tổng nợ thuế giảm 2,5% so với thời điểm cuối tháng 10/2024. Kết quả này có được thông qua nhiều biện pháp quản lý nợ thuế của cơ quan chức năng, trong đó, riêng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế hoặc người đại diện tổ chức nợ thuế, cơ quan thuế thu được 4.289 tỷ đồng tiền thuế nợ của 6.648 người nộp thuế; trong đó có 2.523 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền là 236 tỷ đồng.
6. Báo Sài Gòn giải phóng (9/12) có tin “Mua hóa đơn của “doanh nghiệp ma” sẽ bị xử lý”; Bnews (6/12) có tin “Doanh nghiệp lúng túng khi đụng phải hóa đơn của “công ty ma”” cho biết: Ngày 6/12, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Cục Thuế thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố, nhằm cập nhật chính sách thuế mới và giải đáp vướng mắc của người nộp thuế liên quan đến các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, hóa đơn điện tử. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cho biết đang gặp một số khó khăn khi bị xác định sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn hoặc các “công ty ma”.
Trả lời các doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong xử lý hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, nếu chứng minh được đó là lỗi của bên bán, thì bên mua chỉ bị phạt vì khai sai. Còn nếu bên bán đã được cơ quan chức năng kết luận là bên mua bán hóa đơn, thì chắc chắn bên mua sẽ bị xử lý về hành vi trốn thuế, bởi vì các DN này lập ra chỉ để mua bán hóa đơn. Trường hợp trốn thuế với số tiền lớn, mua bán hóa đơn đủ số lượng cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
7. Báo Công an nhân dân (7/12) có tin “Nhiều cửa hàng xăng dầu vi phạm phát hành hóa đơn theo từng lần bán hàng”; Vietnamnet (6/12) có tin “Cơ quan thuế phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu 'ăn gian' hóa đơn điện tử”; Giao thông (6/12) có tin “Nhiều cửa hàng xăng dầu vi phạm về hóa đơn điện tử, 10 cục trưởng cục thuế bị phê bình” cho biết: Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các Cục trưởng Cục Thuế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đảm bảo mỗi tuần phải đạt ít nhất 50% số cửa hàng trên địa bàn được kiểm tra, giám sát.
Tổng cục Thuế cho biết, qua kiểm tra, các cửa hàng xăng dầu sử dụng máy POS/máy tính bảng đều chưa chấp hành đúng quy định về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Đoàn kiểm tra thực hiện kết xuất dữ liệu từng log bán hàng tại cột đo và so sánh với dữ liệu HĐĐT đã phát hành và truyền về cơ quan Thuế, kết quả đều phát sinh chênh lệch, không tương ứng với số lượt, số lượng hàng hóa đã bán. Cá biệt, có cửa hàng tại thời điểm kiểm tra, không phát hành bất kỳ HĐĐT nào so với các log bán hàng đã ghi nhận tại cột đo.
Tổng cục Thuế cũng phê bình 10 cục trưởng của cục thuế các địa phương có tỷ lệ cửa hàng xăng dầu sử dụng máy POS/máy tính bảng cao, nhưng đến hết tháng 9/2024 vẫn chưa tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phát hành HĐĐT từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
8. Báo Sài Gòn giải phóng (9/12) có tin “TPHCM đề xuất 3 trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất”; Thanh niên (7/12) có tin “TP.HCM đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất thêm 3 trường hợp”; Dangcongsan.vn (7/12) có tin “TP Hồ Chí Minh đề xuất 3 trường hợp được xuất miễn, giảm tiền thuê đất” cho biết: UBND TP.HCM vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính bổ sung thêm 3 trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà chưa được quy định tại khoản 1 điều 157 luật Đất đai năm 2024.
Cụ thể, đầu tiên là trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất bị thiệt hại về vật chất do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp thứ 2 là sử dụng đất làm trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước đây, Thủ tướng ban hành Quyết định 522/2006 về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất dùng làm trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trường hợp thứ 3 là được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng với mục đích tổ chức lao động, sản xuất phục vụ chữa trị cai nghiện ma túy của các cơ sở cai nghiện ma túy.
III. Vấn đề về chứng khoán
9. Báo Tiền phong (6/12) có tin “Bộ Tài chính sẽ dùng AI phát hiện, chống thao túng thị trường chứng khoán”; Hà Nội mới (6/12) có tin “Nghiên cứu ứng dụng AI để phát hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán” cho biết: Trước đề nghị “cơ quan quản lý cần ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện những giao dịch bất thường, làm minh bạch thị trường”, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Giám sát nhằm phát hiện hành vi vi phạm trên TTCK đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo tính minh bạch và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.
Bên cạnh xử phạt hành chính, áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đối với những cá nhân có hành vi thao túng TTCK, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi thao túng TTCK, đáp ứng yêu cầu giám sát, kiểm tra giao dịch trên TTCK.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào giám sát giao dịch cũng đang được nghiên cứu và triển khai. AI có khả năng phát hiện các hành vi bất thường như thao túng giá, giao dịch nội gián, hay các hành vi giao dịch khác đối với dữ liệu giao dịch lớn.
Bên cạnh đó, AI cũng giúp dự báo xu hướng thị trường và tối ưu hóa việc quản lý dữ liệu nhà đầu tư. Điều này không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự minh bạch mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong giám sát thị trường chứng khoán.
IV. Vấn đề về hải quan
10. Báo Dân trí (8/12) có tin “Ông Nguyễn Văn Thọ làm Trưởng Ban chỉ đạo sắp xếp bộ máy Tổng cục Hải quan”; Thanh niên (8/12) có tin “Tổng cục Hải quan lập Ban chỉ đạo sắp xếp bộ máy” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo xây dựng báo cáo, đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của tổng cục và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc tổng cục trong việc xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức triển khai thực hiện.
11. Báo Nhân dân (7/12) có tin “Kiểm tra, giám sát chặt hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử” cho biết: Trong thời gian Nghị định của Chính phủ về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử chưa được ban hành, Tổng cục Hải quan cần tiếp tục chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.
Theo phản ánh, hiện nay rất nhiều trường hợp có dấu hiệu chia tách hàng hóa thành nhiều gói kiện nhỏ hoặc khai sai trị giá để phù hợp với trị giá được miễn thuế hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành. Các lực lượng chức năng của toàn ngành hải quan cần lưu ý vấn đề này để tăng cường công tác kiểm tra xác định trị giá hải quan, tập trung thu thập thông tin, phân tích, xác định trường hợp có hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về nguồn gốc xuất xứ và sở hữu trí tuệ…
V. Vấn đề về bảo hiểm
12. Báo Tuổi trẻ (9/12) có bài “Lại nói về chuyện ép mua bảo hiểm” phản ánh việc nhiều người dân vẫn bị ép mua bảo hiểm với nhiều chiêu tinh vi hơn như: viện lý do để không giải ngân, nài nỉ, nhờ hỗ trợ hay cho người thân đứng tên để lách luật. Không những vậy, có ngân hàng còn yêu cầu người vay phải đóng phí bảo hiểm hai năm liên tiếp chứ không dừng lại ở năm đầu tiên.
Hữu Nghĩa
Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính
Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
18 thg 6 2025 - 09:38:00Triển khai điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19
13 thg 6 2025 - 08:04:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
09 thg 6 2025 - 10:17:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
28 thg 3 2025 - 07:39:00Bồi dưỡng Kế toán trưởng hành chính sự nghiệp năm 2025
17 thg 3 2025 - 07:46:00Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá tài sản nhà nước
17 thg 3 2025 - 07:39:00Thay đổi địa chỉ Phường 1 (mới), phường Mỹ Ngãi (mới) do sắp xếp đơn vị hành chính
06 thg 1 2025 - 08:39:00