Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/12/2024

Điểm báo ngày 10/12/2024

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Báo Người lao động (10/12) có bài “Đến lúc đánh thuế người có nhiều nhà, đất?” cho biết: Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản (BĐS) trong thời gian qua để có sự bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Đáng chú ý, lần này Bộ Tài chính đã tính đến phương án đánh thuế đối với những trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, đánh thuế đối với người sở hữu nhiều nhà đất là một trong những công cụ giúp ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ và thổi giá BĐS. Tuy nhiên, để hiện thực hóa sắc thuế này, cần phải tính toán kỹ lưỡng và áp dụng linh hoạt. Bởi lẽ, khi áp thuế đối với người có nhiều nhà đất, giá nhà có thể tăng lên, hạn chế sự phát triển của thị trường BĐS.

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Báo Giao Thông (10/12) có tin “Đề xuất nợ thuế 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh, đã hợp lý chưa?”; Đại đoàn kết (10/12) có tin “Cá nhân nợ thuế 10 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh”; VTCnews (9/12) có tin “Đề xuất nợ thuế 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh: Hợp lý nhưng chưa đủ”; Bnews (9/12) có tin “Đề xuất tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế quá hạn từ 10 triệu đồng trở lên” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo dự thảo, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày, từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Còn đối với chủ doanh nghiệp sẽ từ 100 triệu đồng trở lên.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất mới "gỡ khó" cho một số trường hợp nợ thuế chỉ vài triệu cũng bị hoãn xuất cảnh. Thế nhưng điều ông đang chưa hiểu là đề xuất này trên cơ sở nào. Bởi lẽ, nếu không có căn cứ, cơ sở để xây dựng đề xuất thì khi thực thi sẽ dễ vướng, dẫn đến việc sửa đổi lại không giải quyết được vấn đề thực tại.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu mức quá thấp và trong thời hạn quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội. Do đó, mỗi con số đưa ra cần có cơ sở logic, có sự liên kết với các quy định pháp luật khác để đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện. Ông Đức đề xuất sử dụng mức khởi điểm nộp thuế TNCN hoặc mức lương tối thiểu làm cơ sở để xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh.

3. Báo Quân đội nhân dân (7/12) có bài “Cảnh báo rủi ro sử dụng hóa đơn điện tử” cho biết: Nhằm phát hiện vi phạm về hóa đơn điện tử (HĐĐT), ngành thuế đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó có việc sử dụng CNTT để phân tích dữ liệu, cảnh báo rủi ro thông qua ứng dụng cảnh báo xuất HĐĐT.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ngành thuế triển khai ứng dụng cảnh báo xuất HĐĐT đã chứng minh tính hiệu quả trong áp dụng vào thực tiễn nhằm quản lý, phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc sử dụng HĐĐT. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể dựa vào để rà soát lại các giao dịch mua, bán hàng hóa và việc sử dụng HĐĐT tại đơn vị của mình. Vì vậy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần nắm rõ và tuân thủ các quy định liên quan để tránh rơi vào tình trạng bị cảnh báo từ cơ quan thuế, dẫn tới mất thời gian giải trình và công sức khắc phục.

4. Báo Quân đội nhân dân (7/12) có tin “Tiếp nhận và xử lý ước đạt 11 tỷ hóa đơn điện tử” cho biết: Lũy kế đến cuối tháng 11/2024, số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 11 tỷ hóa đơn, trong đó 2,68 tỷ HĐĐT có mã, hơn 7,22 tỷ HĐĐT không mã, hơn 2,04 triệu HĐĐT theo lần phát sinh và hơn 1,2 tỷ HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; có 90.321 DN, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công.

5. Báo Người lao động (10/12) có tin “Hôm nay, xét xử vụ án mua bán hóa đơn khống quy mô lớn” cho biết: Hôm nay, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ án mua bán hóa đơn khống quy mô lớn nhất từng được ghi nhận tại địa phương. Vụ án liên quan đến đường dây sử dụng 165 công ty “ma” để xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, với tổng giá trị lên tới gần 14.000 tỉ đồng. Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định đường dây này đã thu lợi bất chính hơn 100 tỉ đồng.

Trong vụ án này, 55 bị cáo bị truy tố với nhiều tội danh gồm: “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN”; “Đưa hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Trốn thuế”. Đặc biệt, một số bị cáo từng là công chức ngành thuế gồm: Lê Thành Nhân (cựu công chức Đội Quản lý thuế liên phường Chi cục Thuế quận 12 - huyện Hóc Môn); Trần Quốc Duy (cựu công chức Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè); Vương Quốc Hùng (cựu Đội phó kiểm tra nội bộ Chi cục Thuế TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Các bị cáo này hầu tòa vì tội “Nhận hối lộ”.

III. Vấn đề về chứng khoán

6. Báo Thanh niên (10/12) có bài “Lừa đảo đầu tư chứng khoán vẫn nở rộ” cho biết: Thời gian gần đây, những cuộc gọi mời đầu tư chứng khoán nở rộ. Không chỉ gọi điện, thông qua Zalo hay Telegram, nhiều người được mời tham gia vào những nhóm riêng để tư vấn đầu tư tài chính.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh chia sẻ, các chiêu trò lừa đảo tài chính lại bùng lên với hình thức tinh vi hơn dù bản chất thì vẫn thế. Kẻ lừa đảo hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục phần trăm không phải 1 năm mà là 1 tháng, thậm chí trong 1 tuần. Nội dung phổ biến của những cá nhân chào mời tham gia đầu tư vào các sàn là cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi cá nhân đóng tiền.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, hàng loạt chiêu trò lừa đảo vẫn luôn diễn ra hằng ngày và bản chất không có gì khác với nhiều năm trước. Nhưng những nạn nhân bị sập bẫy lừa chủ yếu là do không kiểm soát được lòng tham.

IV. Vấn đề về đầu tư công

7. Báo Pháp luật Việt Nam (10/12) có tin “Bộ Tài chính công khai giải ngân vốn đầu tư công”; Baochinhphu.vn (10/12) có tin “Bộ Tài chính công khai giải ngân vốn đầu tư công các dự án quan trọng quốc gia” cho biết: Bộ Tài chính mới đây đã ban hành văn bản công khai giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/11/2024 đối với công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; các dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý; các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn NSNN năm 2024 bố trí cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý là 161.539 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng kế hoạch vốn NSNN Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (680.075 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến hết ngày 30/11/2024 các dự án đã giải ngân là 82.336 tỷ đồng, đạt 50,96% kế hoạch năm, thấp hơn ước tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (60,43%), trong đó: vốn trong nước giải ngân 67.268 tỷ đồng, đạt 55,1% kế hoạch; vốn nước ngoài giải ngân 1.959,7 tỷ đồng, đạt 26,1% kế hoạch.

Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải giải ngân 69.228 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch. Các dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý giải ngân 13.108 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch.

Các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển tại 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 (Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 08/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ) giải ngân 2.622,76 tỷ đồng, đạt 65,57% kế hoạch vốn NSTW được giao (4.000 tỷ đồng).

Thời hạn giải ngân nguồn vốn dự phòng NSTW năm 2023 đến hết ngày 31/12/2024, chỉ còn gần 01 tháng, tuy nhiên vẫn còn 02 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 50%, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân đến ngày 31/12/2024 theo quy định tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg.

V. Vấn đề trái phiếu Chính phủ

8. Báo Tuổi trẻ (10/12) có bài “Xoay vốn rẻ cho nhà ở xã hội” cho biết: Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến các bộ ngành trước khi trình Chính phủ ban hành. Mục tiêu nhằm đảm bảo vốn thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Dự án này nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia, họ cho rằng việc phát hành trái phiếu làm nhà ở xã hội lúc này là khả thi vì dư địa về nợ công còn nên Chính phủ có thể phát hành trái phiếu huy động vốn để làm nhà ở xã hội, lo chỗ ở cho người dân.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow