Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 11/12/2024

Chuyển đổi số Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 11/12/2024

I. Vấn đề tinh giản bộ máy

1. Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP HCM; Truyềnh hình Thông tấn; Baochinhphu.vn (11/12) có tin “'Người đi theo việc', sau sắp xếp, bộ máy phải gọn nhẹ hơn, chi tiêu ít hơn, hoạt động hiệu quả hơn trước”; VnEconomy (10/12) có tin “Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì họp về sắp xếp một số cơ quan nhà nước”; Pháp luật Việt Nam (11/12) có tin “Chuyển giao bộ máy nhân sự quản lý theo nguyên tắc “người theo việc”; Tuổi trẻ (11/12) có tin “Chuyển quyền đại diện chủ sở hữu 19 tập đoàn về bộ, ngành: Đảm bảo “người theo việc””; Tạp chí Tuyên giáo (10/12) có tin “Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp về sắp xếp tổ chức bộ máy của 2 Ủy ban và Ngân hàng Nhà nước” cho biết: Ngày 10/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì các cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng lưu ý, nguyên tắc chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty về Bộ quản lý ngành là người phải theo việc, người nào việc đó. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển mạnh theo quy định của pháp luật; đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả trước, trong, sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Về sắp xếp Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, các ý kiến thống nhất với phương án chuyển một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ủy ban này về Bộ Tài chính và phần còn lại về Ngân hàng Nhà nước theo tinh thần người đi theo việc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ chuyển về đâu, biên chế về đó. Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thì tiếp nhận nhân sự. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước triển khai phương án chuyển giao nhân sự, đề xuất chuyển giao trụ sở, tài sản.

Về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bộ máy làm việc phải giữ ổn định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán tên gọi phù hợp với một Quỹ nhà nước ngoài ngân sách tầm quốc gia, đặt tại Bộ Tài chính nhưng hoạt động độc lập theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính liên tục, liên hoàn, phục vụ tốt nhất cho người dân mọi lúc, mọi nơi.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Đại đoàn kết (11/12) có bài “Áp thuế khí thải để chống ô nhiễm không khí” cho biết: Một số ý kiến cho rằng, nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại Việt Nam là phương tiện giao thông, nên cần áp dụng giải pháp đã được nhiều nước thực hiện để hạn chế ô nhiễm không khí. Đó là cần nghiên cứu việc áp dụng sắc thuế khí thải, thuế ô nhiễm tại Việt Nam để bảo vệ sức khỏe của người dân.

III. Vấn đề về quản lý thuế, hải quan

3. Sáng 10/12, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) thuế và hải quan năm 2024. Nhiều báo đưa tin, bài về nội dung này, như: Tiền phong (11/12) có bài “Số hóa thủ tục hành chính về thuế, hải quan: Hết nhũng nhiễu?”; Pháp luật Việt Nam (11/12) có tin “Bị kẹt cả nghìn tỷ đồng vì phải kê khai thuế 2 lần”; Thời báo ngân hàng (11/12) có bài “Hoàn thuế, thông quan: Doanh nghiệp kêu vướng”; Công an nhân dân (11/12) có bài “Thuế GTGT làm “nóng” hội nghị đối thoại với doanh nghiệp”; Lao động (10/12) có tin “Tháo gỡ rào cản thuế và hải quan giúp doanh nghiệp phục hồi”; Pháp luật TPHCM (10/12) có tin “Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc xuất hóa đơn”; Vietnamplus (10/12) có bài “Đối thoại "nóng" gỡ vướng mắc thuế và hải quan cho doanh nghiệp”; Thanh tra (10/12) có tin “Đối thoại chính sách và thủ tục hành chính Thuế, hải quan năm 2024”; Công lý (10/12) có tin “Giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp”; Dangcongsan.vn (10/12) có tin “Gỡ vướng về chính sách thuế và hải quan cho doanh nghiệp” và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, trong 3 năm 2021-2023 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế với quy mô khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Những chính sách này được ban hành kịp thời, công khai, minh bạch, giảm tối đa thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh và đóng góp tích cực vào nền kinh tế.

Việc triển khai mạnh mẽ hệ thống khai thuế điện tử, với 99,93% doanh nghiệp thực hiện khai thuế trực tuyến và 98,57% sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Hệ thống hoàn thuế GTGT cũng đạt tỉ lệ 97% qua phương thức điện tử, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực hải quan, hơn 99% thủ tục được thực hiện qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó mà còn tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số. Đây là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi và bứt phá. Việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số các thủ tục thuế và hải quan cũng là bước cải tiến lớn giúp các doanh nghiệp được giải phóng nhiều công sức, thời gian, chi phí.

Tại Hội nghị, nhiều câu hỏi của doanh nghiệp xoay quanh vấn đề thuế GTGT và những khó khăn, vướng mắc về thủ tục thuế, hải quan được đưa ra chất vấn. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã trả lời đối với từng câu hỏi cụ thể, đồng thời cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

4. Báo Hà Nội mới (11/12) có tin “Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử”; Lao động (10/12) có tin “Thủ tướng chỉ đạo thanh tra việc sử dụng hóa đơn điện tử”; VnEconomy.vn (10/12) có tin “Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”; Vietnamplus (10/12) có tin “Thủ tướng ban hành Công điện yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử”; Đangcongsan.vn (10/12) có tin “Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử”; Thanh tra (10/12) có tin “Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử”; Dân trí (10/12) có tin “Thủ tướng yêu cầu kiểm tra cây xăng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán” cho biết: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 129/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất hóa đơn điện tử.

Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan, nhất là với Bộ Công an để quản lý thuế hiệu quả, đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại điện tử, xăng dầu, kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời…

Thủ tướng cũng yêu cầu, khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 1/2025 ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, trong đó có các giải pháp về hóa đơn điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử.

5. Báo Sài Gòn Giải phóng (11/12) có bài “Mua bán hóa đơn trái phép: Làm khổ doanh nghiệp, hệ lụy nền kinh tế” cho biết: Chưa bao giờ tội phạm về hóa đơn bị cơ quan chức năng phát hiện nhiều như thời gian qua. Trong đó, có những vụ việc mà giá trị mua bán trái phép hóa đơn lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nếu không có giải pháp căn cơ, tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài cùng với nhiều hệ lụy lớn cho nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, hành vi mua bán hóa đơn diễn biến rất nhanh và phức tạp. Nhiều doanh nghiệp được thành lập bằng cách lấy cắp thông tin căn cước công dân, hoặc mua lại doanh nghiệp ngừng hoạt động. Vừa thành lập và đăng ký sử dụng hóa đơn xong, vài ngày sau đã phát hành vài trăm ngàn hóa đơn. Từ hóa đơn bất hợp pháp, các đối tượng trục lợi ngân sách khi giảm số tiền thuế phải nộp, tăng số tiền hoàn thuế…

Khi cơ quan chức năng phát hiện, tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp bỏ trốn, đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Nếu chứng minh được lỗi của bên bán hóa đơn, thì bên mua chỉ bị xử lý hành chính về hành vi khai sai. Còn nếu không chứng minh được, bên mua có thể bị xử lý về hành vi trốn thuế.

Từ thực tế này, Cục Thuế TPHCM đề nghị các sở ngành, trong đó có Sở KH-ĐT, Công an TPHCM cùng phối hợp xây dựng dữ liệu dùng chung, kiểm soát chặt chẽ ngay từ ban đầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đảm bảo thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thoáng, thì việc kiểm soát nên chú trọng ở khâu hậu kiểm.

6. Báo Tuổi trẻ (11/12) có bài “Nợ 800 tỉ đồng tiền thuê đất: Xót xa cho Thảo cầm viên Sài Gòn” và bài “Quyết định truy thu thuế Thảo cầm viên Sài Gòn từ đâu?”; Pháp luật TPHCM (10/12) có tin “Thảo Cầm Viên bị cưỡng chế vì nợ thuế gần 800 tỉ đồng: Cục Thuế TP.HCM nói gì?” cho biết: Thông tin Thảo cầm viên Sài Gòn có nguy cơ ngừng hoạt động vì nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuê đất khiến nhiều người dân lo lắng. Nghịch lý là ở chỗ Thảo cầm viên là doanh nghiệp chủ yếu phục vụ công cộng, không vì mục đích lợi nhuận nhưng lại đang phải khổ sở với khoản tiền thuê đất kinh doanh dịch vụ.

Theo bà Vũ Thị Hương Giang, giám đốc Thảo cầm viên, những năm qua, công ty đã tạm nộp gần 30 tỉ đồng tiền thuê đất tính trên diện tích đất công cộng có mục đích kinh doanh theo đơn giá mà Chi cục thuế quận 1 đưa ra. Đơn vị kiến nghị UBND TP HCM xem xét giải quyết chỉ phải nộp thuế với diện tích thực tế mà đơn vị sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ. Với mục tiêu hoạt động và doanh thu của Thảo cầm viên, việc họ phải nộp tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích công cộng là thiệt thòi cho doanh nghiệp. Trong tình huống nợ thuế lớn, lâu và có nguy cơ có thể bị cưỡng chế thuế, Thảo cầm viên phải đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động, Trong khi đó, đơn vị đang nuôi, chăm sóc, bảo tồn hơn 4000 cây con….

Bài báo cũng dẫn ý kiến một số chuyên gia, người dân TP HCM, cán bộ làm công tác quản lý đất đai của TP.HCM xung quanh việc thu tiền thuê đất của Thảo cầm viên. Trong đó, có ý kiến cho rằng, Thảo cầm viên là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, là đơn vị tự chủ tài chính một phần, việc thu tiền thuê đất của Thảo cầm viên chẳng khác nào NSNN “lấy túi tiền bên phải bỏ sang túi bên trái”, đều là tiền ngân sách. Cần có chế độ sử dụng đất đặc biệt cho những đơn vị này. Nhà nước thu đúng, thu đủ nghĩa vụ tài chính với phần hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhưng phần hoạt động công ích phải được miễn hoặc giảm tiền thuê đất.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, cơ quan thuế sẽ căn cứ theo quyết định giao đất cho thuê đất của UBND TP.HCM và hợp đồng thuê đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Thảo cầm viên để thu NSNN. Đến nay, Chi cục Thuế quận 1 không thu được tiền vì Thảo cầm viên không có nguồn để nộp.

IV. Vấn đề về dự trữ nhà nước

7. VTV.vn (8/12) có tin “Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3”; Baochinhphu.vn (8/12) có tin “Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão số 3”; Công lý (11/12) có tin “Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão số 3”; Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (8/12) có tin “Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ qu”cho biết: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 07/12/2024 về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 năm 2024.

Theo đó, Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 619,86 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu đói cho người dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 năm 2024, cụ thể: tỉnh Tuyên Quang 366,705 tấn gạo; tỉnh Cao Bằng 207,6 tấn gạo; tỉnh Bắc Kạn 45,555 tấn gạo.

V. Vấn đề về quản lý nợ

8. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (11/12) có tin “VEC phải trả gần 5.500 tỉ đồng trái phiếu Bộ Tài chính ứng trả thay” cho biết: Chiều 10/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu VEC phải tất toán khoản nợ gần 5.500 tỉ đồng trái phiếu Bộ Tài chính ứng trả thay.

Theo báo cáo của VEC, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đã trả được 2.567,81 tỉ đồng trong tổng số 5.334,36 tỉ đồng tiền gốc trái phiếu mà Bộ Tài chính đã ứng trước cho 2 dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai. Số tiền còn nợ là 2.766,55 tỉ đồng, chưa kể gần 5.500 tỉ đồng lãi phát sinh, TTXVN đưa tin.

VEC đã nhiều lần làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để báo cáo nhưng đến nay cơ quan này vẫn yêu cầu VEC trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký. Theo đó, tổng số tiền VEC phải trả cho bộ trong giai đoạn 2024 - 2030 là 9.488 tỉ đồng. Đơn vị này phải thu xếp 9.400 tỉ đồng để hoàn thiện dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Nếu không được khoanh và lùi thời hạn trả nợ, dòng tiền của Tổng công ty sẽ bị âm, đe dọa đến khả năng trả nợ ODA và các dự án đầu tư khác như là dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành.

Để giải quyết tình trạng khó khăn về tài chính và đảm bảo tiến độ các dự án, VEC kiến nghị tăng vốn điều lệ. Việc này không chỉ giúp VEC có thêm nguồn lực để hoàn thành các dự án hiện tại mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trước tình hình quỹ tích lũy trả nợ còn hạn hẹp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ việc gia hạn khoản nợ 5.499 tỉ đồng là không thể thực hiện. Việc này vượt quá khả năng của Chính phủ và đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Để xác định lại một cách chính xác tiền gốc và lãi, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định lại đề xuất trả nợ của VEC.

VI. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp

9. Báo Đầu tư (11/12) có bài “Hút vốn ngoại vào trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Với việc bổ sung quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại chảy vào thị trường TPDN.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow