Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/12/2024

Điểm báo ngày 12/12/2024

I. Vấn đề tinh giản bộ máy

1. Báo Thanh niên (11/12) có tin “Bộ Tài chính sau hợp nhất sẽ giảm 40% đầu mối”; VnExpress (11/12) có tin “Hợp nhất Bộ Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư dự kiến giảm 22 đầu mối”; Lao động (11/12) có tin “Giảm mạnh tổ chức khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ KHĐT”; VnEconomy (11/12) có tin “Dự kiến giảm 22 đầu mối sau khi sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính”; Baochinhphu.vn (11/12) có tin “Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính”; Znews (11/12) có tin “Sắp xếp Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp giảm 22 đầu mối” cho biết: Chiều 11/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước khi sắp xếp là 56 đầu mối (mỗi bộ 28 đầu mối), gồm 47 đầu mối hành chính (6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra), 9 đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau khi sắp xếp lại 2 bộ thành Bộ Kinh tế, Tài chính sẽ có 35 đầu mối. Trong đó, có 34 đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất hai bộ (17 cục, 13 vụ, văn phòng, thanh tra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập) và thêm 1 đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, giảm tổng số 22/56 đầu mối (giảm 39,3%), giảm 11/44 vụ, cục, văn phòng, thanh tra, giảm 5/9 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ (55,56%). Đối với 9 đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của các Bộ, trước mắt giữ nguyên như hiện nay, sau đó sẽ sắp xếp theo chỉ tiêu chung.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá việc sắp xếp của Bộ Tài chính là tương đối hợp lý. Về tên gọi của bộ mới sau khi hợp nhất, cần nghiên cứu cho phù hợp với thông lệ quốc tế và vai trò đảm nhiệm định hướng tham mưu về mặt kinh tế vĩ mô. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đặt ra yêu cầu hết sức quyết liệt, nhanh gọn, nhưng phải đảm bảo hoạt động bình thường của bộ máy, phải hoàn thành trong tháng 12/2024 và đi vào hoạt động ổn định trước 25/2/2025.

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Báo Sài Gòn giải phóng (12/12) có bài “Thảo cầm viên Sài Gòn: Tháo gỡ nợ thuế, không đóng cửa” cho biết: Câu chuyện Thảo cầm viên Sài Gòn có thể ngừng hoạt động liên quan tới nợ tiền thuê đất đang được quan tâm đặc biệt. Sáng 11/12, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định không có chuyện đóng cửa Thảo cầm viên Sài Gòn. UBND TP HCM đã giao Sở TNMT xem xét để rà soát quyết định giao đất và cho thuê đất với Thảo cầm viên Sài Gòn. Phần đất nào dùng để sản xuất kinh doanh thì trả thuế; phần nào phục vụ chung thì tính toán lại cho phù hợp, có thể giao mà không tính tiền thuê đất. Sau khi điều chỉnh quyết định cho thuê đất sẽ chuyển Cục Thuế TP HCM để có căn cứ tính toán lại.

Về phía Thảo cầm viên Sài Gòn, trong thời gian chờ sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền, công ty này kiến nghị UBND TP HCM có ý kiến để cơ quan thuế tạm dừng cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ các tài khoản ngân hàng và tài khoản tại KBNN. Công ty cũng xin tiếp tục tạm đóng tiền thuê đất theo diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, số tiền là 6 tỷ đồng/năm.

Đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho biết, việc ngành thuế ra các quyết định thu, truy thu với Thảo cầm viên Sài Gòn là đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp UBND TP điều chỉnh quyết định giao đất cho thuê đất, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào quyết định của UBND TP để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

3. Báo Thanh niên (12/12) có bài “Vì sao tỷ lệ cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn từng lần giảm mạnh?” cho biết: Sau hơn 8 tháng triển khai xuất hóa đơn điện tử từng lần tại các cửa hàng xăng dầu, tình trạng khách không hỏi, cửa hàng không xuất hóa đơn lại tái diễn. Tình trạng này trên khiến tỷ lệ các cửa hàng xăng dầu chấp hành nghiêm quy định xuất hóa đơn bán lẻ từng lần sụt giảm mạnh.

Cụ thể, hồi đầu tháng 4, Tổng cục Thuế cho biết gần 100% cửa hàng xăng dầu thực hiện xuất hóa đơn bán hàng điện tử từng lần, qua đó tạo điều kiện tăng cường quản trị, chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

Thế nhưng, đến hết tháng 10 vừa qua, chỉ còn 47% cửa hàng thực hiện kết nối tự động. Tổng cục Thuế đã có công văn phê bình nghiêm khắc 10 cục trưởng cục thuế do chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử. Công điện đánh giá thời gian qua, cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử. Sự phát triển của TMĐT đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.

4. Báo Đại đoàn kết (12/12) có tin “Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, tính đến hết 11 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với số thuế bình quân 11 tháng năm 2023.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, Tổng cục Thuế dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính công bố và vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế kinh doanh TMĐT trên nền tảng số vào giữa tháng 12 năm nay để hỗ trợ người nộp thuế dễ dàng thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế.

5. Báo Đại đoàn kết (12/12) có tin “Cảnh báo mạo danh cơ quan Thuế để lừa đảo”; Tin tức (11/12) có tin “Cảnh báo hành vi mạo danh cơ quan Thuế để lừa đảo”; Dangcongsan.vn (11/12) có tin “Cảnh báo mạo danh cơ quan Thuế để lừa đảo” cho biết: Ngày 11/12, Chi cục Thuế TP Hạ Long (Quảng Ninh) đưa ra cảnh báo về tình trạng giả danh công chức Thuế, cơ quan Thuế để thực hiện hành vi lừa đảo đối với người nộp thuế.

Chi cục Thuế TP Hạ Long khẳng định đơn vị không có chủ trương cử công chức Thuế gọi điện thoại để kết nối qua mạng xã hội đề nghị hỗ trợ cài đặt các ứng dụng của ngành trên máy tính, điện thoại di động và các thiết bị có nối mạng khác để được giảm thuế, hoàn thuế, giải quyết các thủ tục hành chính về thuế.

Chi cục Thuế TP Hạ Long khuyến cáo, người nộp thuế tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc mạng xã hội; không cho phép cá nhân nào truy cập trực tiếp vào máy tính, điện thoại để hỗ trợ cài đặt, sử dụng phần mềm của cơ quan Thuế. Đồng thời, người dân phải cảnh giác, không nhấn vào các đường link đính kèm trong tin nhắn điện thoại, zalo, facebook tự nhận là đại diện cơ quan Thuế hướng dẫn làm thủ tục về thuế.

III. Vấn đề về hải quan

6. Báo Hà Nội mới (12/12) có tin “Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 102,6% dự toán”; VTV.vn (11/12) có tin “Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toán”; Pháp luật Việt Nam (11/12) có tin “11 tháng năm 2024, số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt hơn 102% dự toán”; Baochinhphu.vn (11/12) có tin “Ngành Hải quan thu ngân sách hơn 384 nghìn tỷ đồng, hoàn thành dự toán cả năm”; Kinh tế Sài Gòn (11/12) có tin “Thu ngân sách ngành hải quan vượt dự toán 2,6%” cho biết: Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, số thu NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu 11 tháng năm 2024 đạt 384.719 tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 11 đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% (tương ứng giảm 2,83 tỷ USD) so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2024 đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 95,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 thặng dư 24,31 tỷ USD, thấp hơn 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

7. Vietnamplus (12/12) có tin “Hải quan tăng cường chống buôn lậu dịp cuối năm, trị giá hàng vi phạm tăng” cho biết: Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 11 có giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trị giá hàng hóa vi phạm lại tăng mạnh 140%. Đáng chú ý, số vụ vi phạm hành chính tăng, dẫn đến số thu ngân sách Nhà nước từ xử lý vi phạm tăng 242% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Hải quan cho biết sẽ đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

IV. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Tuổi trẻ (11/12) có tin “Đường dây lừa đảo của Mr. Pips Phó Đức Nam 'lớn nhất Việt Nam về ngoại hối chứng khoán'”; Tiền phong (12/12) có bài “Triệt xóa đường dây lừa đảo tài chính 5.200 tỷ đồng: Những chiêu “lùa” gà”; Thanh niên (11/12) có tin “Vụ án Tiktoker Mr.Pips lừa đảo: Truy nã quốc tế Mr.Hunter”; Tin tức (11/12) có tin “Bắt đường dây lừa đảo xuyên quốc gia chiếm đoạt hơn 5.200 tỷ đồng”; Kinh tế & Đô thị (11/12) có tin “Đường dây lừa đảo xuyên quốc gia của Tiktoker Mr Pips bị triệt phá thế nào?”; Dangcongsan.vn (11/12) có tin “Bắt đường dây lừa đảo xuyên quốc gia chiếm đoạt hơn 5.200 tỷ đồng” và nhiều báo cho biết: Ngày 11/12, Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phó Đức Nam (Tiktoker Mr Pips, SN 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội - hiện đang bỏ trốn) và 29 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm”, “Rửa tiền” và “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Đến nay, cơ quan điều tra thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng.

Theo tài liệu điều tra, năm 2018, Nam câu kết với nhóm người nước ngoài để lừa đảo, môi giới nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán quốc tế dựa trên nền tảng các trang web, đường link 24 sàn chứng khoán quốc tế.

Các đối tượng liên kết với người nước ngoài lập các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán giả mạo, có giao diện giống với sàn giao dịch uy tín trên thế giới. Do đây là các sàn giao dịch giả mạo nên các đối tượng có thể can thiệp vào hệ thống và luôn thắng nhà đầu tư. Đối với các mệnh giá nhỏ có thể cho nhà đầu tư thắng và rút được tiền về, sau đó sẽ khuyến khích đầu tư lớn hơn để có lợi nhuận cao dẫn đến việc thua sạch tiền.

Để tạo uy tín, đường dây này còn quảng cáo các công ty “ma” và mời người nước ngoài đến tư vấn đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế tại các văn phòng; tổ chức hội thảo, sự kiện và khóa học đầu tư trên mạng, quảng bá xây dựng hình ảnh cá nhân là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán quốc tế để thu hút nhà đầu tư.

Qua vụ án trên khuyến cáo người dân trong nước muốn đầu tư chứng khoán nên thông qua kênh của các công ty được Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước quản lý. Hiện Nhà nước chưa cấp phép cho tất cả các sàn giao dịch quốc tế về chứng khoán tại Việt Nam, do vậy các giao dịch này là bất hợp pháp. Người dân cần phải tuân theo các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn về tài sản của bản thân.

9. Báo Lao động (12/12) có tin “Bất động sản khởi sắc kỳ vọng kéo thị trường trái phiếu đi lên”; Diễn đàn doanh nghiệp (11/12) có bài “Hướng phát triển thị trường trái phiếu” cho biết: Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi với các quy định sửa đổi, bổ sung có ý nghĩa dài hạn cho sự phát triển của thị trường vốn, bao gồm chứng khoán và trái phiếu. Chính phủ và Bộ, ngành cần sớm ban hành các văn bản dưới Luật để thị trường triển khai nhanh các quy định pháp lý mới theo Luật Chứng khoán sửa đổi.

Để thị trường phát triển trong thời gian tới, các chính sách cần chú trọng hướng đến là: đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư; thị trường cần được chuẩn bị sẵn sàng nâng chất lượng phát hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý sao cho vừa tháo gỡ vướng mắc vừa phát triển minh bạch; tạo niềm tin cho nhà đầu tư thông qua công cụ chính sách, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm gắn với tài sản đảm bảo.

10. Báo Thanh tra (12/12) có bài “Thị trường chứng khoán 2025: Kỳ vọng khởi sắc hay tiếp tục thách thức?” cho biết: Chưa đầy một tháng nữa TTCK sẽ bước sang năm 2025 với kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ triển vọng nâng hạng, các chính sách mới đi vào hiệu lực và dòng tiền ngoại gia tăng. Theo các chuyên gia, TTCK đang đối diện nhiều thách thức trước biến động khó lường của xung đột địa chính trị, tỷ giá, lạm phát và lãi suất toàn cầu. Dù vậy, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp và các yếu tố nội tại tích cực, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn trong tương lai.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow