Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/12/2024

Điểm báo ngày 27/12/2024

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Đầu tư (27/12) có bài “Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu giảm đến khi nào?” cho biết: Chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí việc xem xét giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất của Chính phủ để góp phần bình ổn giá bán xăng, dầu trong nước, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cũng theo ông Mạnh, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng trong việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế này bởi nhiều lý do, trong đó có giảm thu NSNN (dự kiến) khoảng 43.940 tỉ đồng (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) trong khi Quốc hội đã quyết định dự toán NSNN và phân bổ NSTW năm 2025.

Một số ý kiến trong Ủy ban cũng cho rằng, mặc dù việc không tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế BVMT như đã thực hiện trong năm 2022-2024 có thể tạo dư luận không đồng thuận trong nhân dân, doanh nghiệp song việc giảm thuế BVMT cũng phải cần tính đến thời điểm kết thúc để đảm bảo phù hợp bản chất và nguyên tắc của thuế này và thực hiện các cam kết của Việt Nam để BVMT.

Thảo luận tại UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Chính phủ cần dự báo chính sách, đánh giá tác động để xác định trong năm 2026 có thể tiếp tục áp dụng mức thuế này không. Nếu năm 2026 có thể áp dụng mức thuế BVMT theo Nghị quyết số 579, Chính phủ cần cân nhắc thực hiện tăng dần thuế BVMT với xăng, dầu, mỡ nhờn ngay từ cuối năm 2025 để người dân, doanh nghiệp dần quen với mức thuế mới.

Sau khi thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về áp dụng mức thuế BVMT với xăng, dầu, mỡ nhờn với sự tán thành của 100% thành viên có mặt.

2. Báo Đầu tư (27/12) có bài “Nhận diện nguồn thu, khu vực, sắc thuế còn dư địa” cho biết: Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế), đến hết ngày 18/12/2024, thu NSNN của ngành thuế đã đạt 1.732 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023. Có được kết quả này là nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, còn nhờ các chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí của Quốc hội, Chính phủ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến thời điểm này, ngành thuế đã thực hiện hỗ trợ 178.200 tỉ đồng, trong đó số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 98.300 tỉ đồng, số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm là 79.900 tỉ đồng. Bên cạnh đó, kết quả đạt được còn nhờ trong nhiều năm qua, ngành thuế đã từng bước xây dựng và tích lũy được nguồn dữ liệu to lớn, là cơ sở quan trọng để thực hiện các mô hình quản lý thuế mới, thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ. Cùng với đó là việc triển khai phân tích cơ sở dữ liệu thống kê thuế để nhận diện các nguồn thu, khu vực, sắc thuế còn dư địa, chống thất thu NSNN….

3. Báo Thời báo ngân hàng (27/12) có bài “Tạo bước đệm tăng trưởng bền vững từ thuế” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2021-2024, ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế, 36 loại phí, tổng số tiền gần 730.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua đề xuất tiếp tục gia hạn việc giảm 2% thuế GTGT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng DN đánh giá cao các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý song còn nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Theo khảo sát từ môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 34% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa dồi dào nhờ nguồn thu NSNN được cải thiện đáng kể trong năm 2024, nên duy trì chính sách hỗ trợ tài khóa trong giai đoạn tới để tiếp tục củng cố nội lực cho DN.  

4. Các báo: Thời báo kinh tế Sài Gòn (27/12) có bài “Đề xuất hoãn xuất cảnh người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng”; Giao thông (27/12) có bài “Bộ Tài chính đề xuất nâng ngưỡng cấm xuất cảnh đối với người là đại diện doanh nghiệp” và một số báo khác cho biết: Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định về dự thảo nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, bộ đề xuất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh với người có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng và với DN có số nợ thuế từ 500 triệu đồng, đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.

Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 380.000 cá nhân kinh doanh nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và DN nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên. Trong đó, khoảng 81.000 cá nhân nợ từ 50 triệu đồng trở lên và 40.000 cá nhân nợ từ 100 triệu đồng trở lên.

Cũng về ngưỡng nợ thuế, báo Tuổi trẻ (27/12) có bài “Sao không làm sạch dữ liệu nợ thuế?” cho biết: Được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả thu hồi nợ đọng thuế và phù hợp thông lệ quốc tế nhưng vừa qua, khi cơ quan thuế ráo riết áp dụng, biện pháp này đã nảy sinh hàng loạt vấn đề. Câu hỏi đặt ra là hiện nay khi các chính sách đều hướng tới đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, vì sao không có chính sách “làm sạch” dữ liệu nợ thuế đối với những khoản nợ nhỏ, chẳng hạn dưới 50.000 đồng như ngành thuế đang miễn với tiền sử dụng đất phí nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Bởi thực tế, có món nợ thuế nhỏ nhưng công thu của cơ quan thuế lớn gấp nhiều lần.

Các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 50 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng trở lên với doanh nghiệp là hợp lý. Nhưng cùng với đó, cần có công cụ để người dân dễ dàng tra cứu việc mình có bị nợ thuế hay không, nợ bao nhiêu, quan trọng hơn nữa là số liệu phải chính xác, rõ ràng.

5. Báo Thanh niên (27/12) có bài “Mua hóa đơn làm vạ lây hoàn thuế” cho biết: Tình trạng những cá nhân, tổ chức thành lập hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp để mua bán hóa đơn vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan thuế tăng xác minh, chậm hoàn thuế khiến nhiều doanh nghiệp bị vạ lây.

Theo Luật sư Trần Xoa, Giám đốc công ty Luật Minh Đăng Quang, việc xác minh hóa đơn nhằm chống thất thu thuế là điều cần làm nhưng việc chống gian lận này cũng khiến khâu xác minh hoàn thuế kéo dài, nhiều DN rơi vào cảnh khó khăn, không được hoàn thuế, đặc biệt có những hóa đơn có mã của cơ quan thuế nhưng vẫn thuộc diện phải xác minh cũng cần xem xét lại. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu có cách tránh rủi ro cho DN khi nhận hóa đơn đầu vào bởi khi DN nhận hóa đơn đó thì DN vẫn còn hoạt động. Sau đó, đối tác không còn hoạt động thì DN làm sao nắm được.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, cần đổi mới tư duy hoàn thuế. Nếu cứ xem hóa đơn là tiền thì không đúng với chế độ kế toán. Hóa đơn chỉ là một trong số những chứng từ thanh toán nên cần xem lại hồ sơ đó có đầy đủ hợp đồng không, có hàng thật không, có chuyển tiền thanh toán không. Việc xác minh hóa đơn từ F1, F2, F3 để quyết định hồ sơ hoàn thuế là không cần thiết. Việc quản lý hóa đơn cần có công nghệ cao để đối chiếu, xác minh nhanh trong quản lý thuế.

6. Báo Tiền phong (27/12) có tin “Ngân hàng Nhà nước thông tin xử lý giá vàng vênh cao” cho biết: Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2021/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý hoạt động kinh doanh vàng phù hợp tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng kiểm tra, thanh tra, giám sát…theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi…gây mất ổn định thị trường vàng.

7. Báo Nhân dân (27/12) có bài“Hà Nội thu ngân sách ấn tượng” cho biết: năm 2024, lần đầu thành phố Hà Nội thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023. Đáng chú ý, số thu nội địa chiếm gần 94% trong cơ cấu thu ngân sách của thành phố.

Cơ quan Thuế Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp về cải cách hành chính, hỗ trợ người nộp thuế cũng như thực hiện các chính sách hoãn, miễn, giảm thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thuế, xử lý nợ đọng thuế, tập trung đôn đốc, cưỡng chế thu nợ thuế đối với các trường hợp chây ỳ, cố tình trốn thuế… Trong đó, nổi bật nhất là việc ra mắt sản phẩm Trợ lý ảo hỗ trợ trả lời những câu hỏi của người nộp thuế một cách tự động, nhanh chóng.…

8. Báo Tuổi trẻ (27/12) có bài “Nhà đất định giá 40 tỉ, bán 6,5 tỉ: Vì sao không khởi tố tội trốn thuế?” cho biết: Viện KSND TP Tuy Hòa (Phú Yên) vừa ra quyết định giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Thanh Hà (phường 5, TP Tuy Hòa() về nội dung tố giác dấu hiệu trốn thuế trong giao dịch đất đai. Trước đó, bà Hà đã khiếu nại cơ quan này về quyết định không khởi tố vụ án hình sự của công an TP Tuy Hòa về tố giác ông Lâm Minh Chánh (chồng cũ) có hành vi trốn thuế khi chuyển nhượng nhà đất 83 và 85 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa. Không đồng ý với nhận định của Viện KSND TP Tuy Hòa, bà Hà tiếp tục gửi đơn đến Viện KSND tỉnh Phú Yên nhưng cơ quan này tiếp tục bác đơn.

Theo bài báo, ngày 5/11/2019, ông Chánh ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất 83 Nguyễn Huệ với số tiền 600 triệu đồng, thấp hơn giá nhà nước quy định. Do đó, Chi cục Thuế TP Tuy Hòa đã áp mức tính giá trị thửa đất theo giá nhà nước quy định và thu thuế 24,9 triệu đồng cho giao dịch này.

Đối với nhà đất 85 Nguyễn Huệ, ông Chánh ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng với giá 6,5 tỉ đồng. Trong khi kết quả định giá để tòa giải quyết chia tài sản chung tại bản án hôn nhân gia đình ngày 28/4/2023 của TAND tỉnh Phú Yên đã xác định giá trị nhà đất này là 40,7 tỉ đồng. Với giao dịch này, Chi cục Thuế không tính giá chuyển nhượng trong hợp đồng mà tính theo giá đất nhà nước quy định là 12,7 tỉ đồng.

II. Vấn đề về doanh nghiệp nhà nước

9. Báo Đại đoàn kết (27/12) có bài “Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại DNNN” cho biết: Thủ tướng vừa ký ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg chỉ đạo tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại DNNN. Để đảm bảo quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất tại các DNNN đúng mục đích, hiệu quả, đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí, tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2024, trong đó quy định cụ thể xử lý chuyển tiếp việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại DN.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hóa DN đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định về đất đai và pháp luật khác có liên quan; trong đó có Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về chuyển DNNN và Công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2024.

III. Vấn đề về chứng khoán

10. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (27/12) có bài“Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024”; Thanh niên (27/12) có bài“Chứng khoán hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế” cho biết: TTCK Việt Nam năm 2024 để lại nhiều dấu ấn với xu hướng chính trong năm là trạng thái đi ngang, chịu áp lực rút ròng mạnh mẽ từ khối ngoại. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 12% so với đầu năm, đồng thời thanh khoản bình quân cũng cải thiện so với năm 2023.

Một loạt những cải cách chính sách quan trọng cũng được ban hành trong năm qua, góp phần minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa TTCK Việt Nam. Những thay đổi này tạo cơ sở vững chắc để TTCK Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều kỳ vọng tích cực. Khả năng nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế hứa hẹn thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên TTCK Việt Nam năm 2025 được dự báo vẫn có nhiều biến động. Nhà đầu tư cần thận trọng theo sát diễn biến toàn cầu và tận dụng những cơ hội từ các biến động bất thường.

11. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (25/12) có bài “Cơ hội hút vốn ngoại trong năm 2025” cho biết: Năm 2024, TTCK Việt Nam đã đạt được bước tiến mới đối với việc cải cách thị trường khi ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC được ban hành và có hiệu lực từ ngày 2/11/2024. Lần đầu tiên, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được phép mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền trước khi đặt lệnh. Đây được coi là những giải pháp cuối cùng để Việt Nam hoàn thiện việc nâng hạng trong năm tới.

Theo nhiều chuyên gia, nhanh nhất đến tháng 9/2025, TTCK Việt Nam có thể sẽ được chính thức nâng hạng. Điều này sẽ hấp dẫn lượng vốn ngoại lớn đổ vào TTCK Việt Nam.

IV. Vấn đề về trái phiếu Chính phủ

12. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (25/12) có bài “Trái phiếu Chính phủ còn dư địa lớn” cho biết: Tính đến hết tháng 10/2024, quy mô dư nợ TPCP đã đạt trên 2,35 triệu tỷ đồng, tương đương 23%GDP, gấp 18 lần so với năm 2009. Đến hết tháng 11/2024, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 323 nghìn tỷ đồng TPCP, hoàn thành 80,8% kế hoạch cả năm. Cùng với đó, thanh khoản của thị trường TPCP cũng được cải thiện đáng kể.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow