Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 21/01/2025

Điểm báo ngày 21/01/2025

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Dân Việt (21/1) có tin “Cục Thuế Hải Phòng không yêu cầu doanh nghiệp sửa thông tin trên GCN đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục về thuế” phản ánh việc nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng ồ ạt đến Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng) sửa đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dẫn đến tình trạng quá tải hồ sơ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sau thời điểm Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 có hiệu lực (ngày 01/01/2025), các doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc địa điểm kinh doanh trên địa bàn các quận, huyện bị điều chỉnh tên gọi, địa giới hành chính sẽ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhu cầu điều chỉnh thông tin địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp xuất phát từ lo ngại hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, gián đoạn, nhất là các thủ tục kê khai nộp thuế, xuất hóa đơn, kê khai hải quan hoặc các giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua ngân hàng.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 20/1 lãnh đạo UBND.TP Hải Phòng đã có công văn về việc cấp giấy thay đổi thông tin địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do thay đổi địa giới hành chính cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong đó giao Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố chỉ đạo các bộ phận, đơn vị trực thuộc không yêu cầu doanh nghiệp trên địa bàn có tên gọi, địa giới hành chính thay đổi phải hoàn thành thủ tục đăng ký thay đổi địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trước khi thực hiện thủ tục kê khai nộp thuế, xuất hóa đơn, kê khai hải quan và các thủ tục về thuế, hải quan khác.

II. Vấn đề về chứng khoán

2. VnExpress (21/1) có tin “Chứng khoán có thể giảm 15-20% trước khi tăng ổn định” cho biết: Theo thống kê của VnExpress, đa số công ty chứng khoán đều đưa ra kịch bản lạc quan về diễn biến VN-Index năm nay. Trung bình các đơn vị đều dự báo chỉ số này đóng cửa thấp nhất trên 1.300 điểm và cao nhất tiệm cận 1.500 điểm ở kịch bản tích cực.

Tuy nhiên vẫn có nhiều nhóm phân tích có hướng tiếp cận thận trọng hơn. Trong đó, công ty Chứng khoán An Bình cảnh báo mặc dù thị trường tăng điểm, dòng tiền vào chứng khoán vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thị trường tài sản khác với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục, vàng vẫn còn nhiều cơ hội, lãi suất tiết kiệm tăng, sức ép từ tỷ giá dâng lên. Còn công ty Chứng khoán Tiên Phong lưu ý thị trường chứng khoán đang thiếu đi động lực và dòng tiền cần một ngành có triển vọng để giải ngân.

III. Vấn đề về NSNN

3. Báo Kinh tế & Đô thị (20/1) có bài “Hà Nội: Kỷ lục thu ngân sách và bài học nuôi dưỡng nguồn thu” cho biết: Năm 2024, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn Hà Nội thực hiện 479.034 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản thu hồi vốn của nhà tại các tổ chức kinh tế), đạt 125,6% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số thu nội địa. Số thu này góp phần lớn vào thành tích của Hà Nội khi lần đầu tiên cán mốc 500 nghìn tỷ đồng và là một trong những sự kiện tiêu biểu của thủ đô năm 2025.

Đáng chú ý, số thu nội địa chiếm gần 94% trong cơ cấu thu ngân sách của thành phố, bao gồm: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, thuế thu nhập cá nhân… đều tăng trưởng 2 con số so với năm 2023. Có được điều này là nhờ TP Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về thuế của Quốc hội, Chính phủ cho doanh nghiệp, người dân.

Điểm nhấn thứ 2 là việc quản lý tốt về thương mại điện tử. Cục Thuế thành phố đã đẩy mạnh thông tin tới các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để nắm bắt, chủ động thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế đúng quy định.

IV. Vấn đề về quản lý giá

4. VnEconomy.vn (21/1) có bài “Điều hành lạm phát cần bám sát diễn biến từ đầu năm” cho biết: Năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,63% so với 2023, dưới mức mục tiêu Quốc hội đề ra, nối dài chuỗi 10 năm liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4%. Các chuyên gia cho rằng, năm 2025, việc giữ tốc độ tăng CPI khoảng 4,5% để hỗ trợ tăng trưởng 8% - 10% một cách thực chất là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi bộ, ngành quản lý phải chắc tay điều hành ngay từ đầu năm.

Theo đại diện Cục Quản lý giá, trong năm 2025, công tác quản lý giá, điều hành giá sẽ gặp những thách thức, áp lực đến từ thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Trong đó, cần lưu ý về giá nhiên liệu, trong đó, giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, các yếu tố như biến động giá năng lượng toàn cầu, tình hình kinh tế thế giới và các chính sách thương mại có thể ảnh hưởng đến lạm phát thực tế năm nay. Việc theo dõi sát sao và điều chỉnh chính sách kịp thời là cần thiết để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2025. Để đối phó với những thách thức này, ông Long cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, tăng cường dự trữ ngoại hối, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực sản xuất trong nước nhằm giảm thiểu tác động từ các biến động bên ngoài.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

5. Báo Lao động (21/1) có bài “Tái cấu trúc thị trường tái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Thị trường TPDN đang từng bước phục hồi sau giai đoạn đầy thách thức. Các cải cách mạnh mẽ từ khung pháp lý, cùng nỗ lực tái cấu trúc từ các doanh nghiệp đã tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Hoạt động tái cấu trúc thị trường tập trung vào việc nâng cao chất lượng trái phiếu, cải thiện thanh khoản của các tổ chức phát hành và đảm bảo tính minh bạch. Luật Chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, được coi là bước ngoặt quan trọng với các quy định chặt chẽ nhằm kiẻm soát rủi ro và củng cố niềm tin cho thị trường.

Theo TS Cấn Văn Lực, quá trình tái cấu trúc thị trường không chỉ là giải pháp khắc phục khó khăn trước mắt mà còn mang tính chiến lược, định hình lại hệ sinh thái trái phiếu. Việc hoàn thiện thể chế, pháp triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm và thị trường thứ cấp sẽ là những yếu tố quyết định để khung phục niềm tin nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

VI. Vấn đề về bảo hiểm

6. Báo Công an nhân dân (20/1) có tin “Sẽ đơn giản hóa thủ tục bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới”; Sài Gòn tiếp thị (20/1) có tin “Bộ Tài chính chưa muốn bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc” cho biết: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vừa có văn bản phản hồi ý kiến của cử tri tỉnh An Giang về việc đề xuất bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy.

Theo Bộ trưởng, trên thế giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ phương tiện cơ giới như ô tô, mô tô, xe máy, thậm chí cả xe đạp điện đã trở thành quy định bắt buộc tại hầu hết các quốc gia. Tại Việt Nam, hơn 63% số vụ tai nạn giao thông là do xe máy. Vì vậy, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy sẽ giúp giảm rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia giao thông.

Với một khoản phí bảo hiểm từ 55.000-60.000 đồng, người dân đã được bảo vệ tối đa trước những rủi ro tài chính khi tham gia giao thông. Trong trường hợp gây ra tai nạn, công ty bảo hiểm sẽ chi trả tối đa 150 triệu đồng cho thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và 50 triệu đồng cho thiệt hại về tài sản của người thứ ba.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan liên quan sẽ triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giúp người dân nắm vững các quy định của pháp luật và cách thức sử dụng dịch vụ bảo hiểm một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra chặt chẽ các công ty bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời sẽ đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết để người dân được nhận tiền bồi thường nhanh chóng hơn.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow