Điểm báo ngày 23/01/2025
I. Vấn đề nổi bật
1. Baochinhphu.vn (22/1) có tin “‘Tết sum vầy’, Bộ Tài chính chia sẻ đồng hành cùng công nhân hoàn cảnh khó khăn”; Cổng TTĐT Hưng Yên, Báo Hưng Yên, Truyền hình Hưng Yên (22/1) có tin “Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động tại thành phố Hưng Yên”; Lao động (22/1) có tin “Niềm vui bất ngờ cho công nhân Hưng Yên dịp Tết Ất Tỵ”; Cổng TTĐT Bộ Tài chính (22/1) có tin “Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thăm và tặng quà cho người lao động tại Hưng Yên”; Thời báo Tài chính Việt Nam (22/1) có tin “Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thăm hỏi, động viên và tặng quà Tết cho 200 đoàn viên, người lao động tỉnh Hưng Yên”; Tạp chí Tài chính (22/1) có tin “Bộ trưởng Bộ Tài chính thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động tỉnh Hưng Yên” cho biết: Chiều 22/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã tới thăm và tặng 200 suất quà (trị giá 1,3 triệu đồng/suất) cho đoàn viên, người lao động, đại diện cho công nhân lao động tỉnh Hưng Yên nhân dịp đón tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Phát biểu tại buổi gặp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gửi lời thăm hỏi chân tình đến anh chị em công nhân lao động tỉnh Hưng Yên. Bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực thầm lặng của người lao động trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do thiên tai và biến động kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chúc các đoàn viên được nhận quà luôn mạnh khỏe, nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, để phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị, quê hương ngày càng phát triển.
II. Vấn đề về chứng khoán
2. Báo Lao động (23/1) có bài “Khi margin không còn đồng biến thanh khoản”; Nhà Đầu tư (22/1) có bài “Dư nợ margin quý IV tăng mạnh, vì sao thanh khoản 'mất hút'?” cho biết: Ước tính đầu năm 2025, dư nợ cho vay ký quỹ giao dịch (margin) của các công ty chứng khoán khoảng 240.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử nhưng thống kê 8 phiên giao dịch gần nhất tính đến ngày 22/1 tại sàn HOSE thì không có phiên nào giá trị giao dịch đạt quá 10.000 tỷ đồng.
Điều này chỉ ra rằng, margin không chỉ phục vụ cho mục đích giao dịch hay lướt ngắn hạn mà đang dịch chuyển theo những hướng khác nhau, margin không tạo đột biến về giao dịch trong ngắn hạn dù có gia tăng, thậm chí tăng mạnh vì nhà đầu tư giữ dài hạn. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng nhu cầu vay margin trên thị trường hiện tại không hoàn toàn đến từ nhà đầu tư cá nhân, mà một phần không nhỏ là nghiệp vụ giữa các doanh nghiệp hoặc lãnh đạo doanh nghiệp với công ty chứng khoán.
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhìn nhận việc margin tăng mạnh chủ yếu đến từ “margin deal” của doanh nghiệp và giới chủ doanh nghiệp với các công ty chứng khoán. Nghiệp vụ này giúp các doanh nghiệp có thể huy động vốn ngắn hạn trong bối cảnh khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu. Thủ tục thế chấp tài sản cổ phiếu và vay tại công ty chứng khoán cũng linh hoạt và đơn giản hơn.
III. Vấn đề về NSNN
3. Báo Kinh tế & Đô thị (22/1) có bài “Giảm gánh nặng cho ngân sách” cho biết: Năm 2024, thu ngân sách Nhà nước lần đầu vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Nhiều địa phương “đầu não” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng đạt những số thu kỷ lục trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Số thu ngân sách kỷ lục là tín hiệu mừng với nền kinh tế. Tuy nhiên, “gánh” ngân sách vẫn đầy thách thức trước bài toán thu đúng, thu đủ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới thời kinh tế số, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nhu cầu chi đầu tư vẫn rất lớn...
Theo các chuyên gia, đất nước muốn phát triển, chi đầu tư phát triển phải lớn, nhiều và cao hơn chi thường xuyên. Tuy nhiên, tỷ lệ chi thường xuyên của Việt Nam đang chiếm 70% chi ngân sách, chỉ còn 30% cho đầu tư phát triển, an ninh - quốc phòng. Điều này khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đặt câu hỏi: Vậy làm gì còn tiền chi cho đầu tư phát triển? Theo Bộ trưởng, các nước phát triển có tỷ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm 48 - 50% chi ngân sách. Vì thế, câu chuyện tinh giản bộ máy mà Việt Nam đang triển khai quyết liệt hiện nay là cần thiết.
IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp
4. Báo Lao động (23/1) có bài “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chuyển mình” cho biết: Thị trường TPDN đang ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực đáng chú ý với sự phục hồi mạnh về giá trị phát hành, trong đó chủ yếu từ khối ngân hàng. Đáng chú ý, nhóm các doanh nghiệp bất động sản hồi phục với tốc độ chậm nhưng có nhiều triển vọng tích cực trong năm 2025.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng sự hỗ trợ từ chính sách, cùng triển vọng từ các quy định pháp lý mới hứa hẹn sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự hồi phục của thị trường. Theo các chuyên gia, các nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản được đánh giá cao. Việc hoàn thiện các chính sách về pháp luật và các cải cách về tín dụng sẽ là động lực quan trọng để thị trường phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Hữu Nghĩa
Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính
Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
18 thg 6 2025 - 09:38:00Triển khai điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19
13 thg 6 2025 - 08:04:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
09 thg 6 2025 - 10:17:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
28 thg 3 2025 - 07:39:00Bồi dưỡng Kế toán trưởng hành chính sự nghiệp năm 2025
17 thg 3 2025 - 07:46:00Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá tài sản nhà nước
17 thg 3 2025 - 07:39:00Thay đổi địa chỉ Phường 1 (mới), phường Mỹ Ngãi (mới) do sắp xếp đơn vị hành chính
06 thg 1 2025 - 08:39:00