Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 11/03/2025

Điểm báo ngày 11/03/2025

ĐIỂM BÁO NGÀNH

I. Vấn đề về thuế

1. Các báo: Nhân Dân (11/3) có bài “Tạo đà phát triển cho mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên”; Thời báo ngân hàng (11/3) có bài “Nhiều ý kiến đề nghị bỏ thuế TTĐB với xăng dầu, điều hòa”; Quân đội nhân dân (11/3) có bài “Đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa”; Vietnamnet (10/3) có bài “Đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, điều hòa”; Tin tức (10/3) có bài “Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và điều hòa”; Dân trí (10/3) có bài “Đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa”; Pháp luật Việt Nam (11/3) có bài “Nhiều nhiệm vụ mới liên quan đến sửa đổi Hiến pháp năm 2013” và nhiều báo khác cho biết: Chiều 10/3, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo 2 luật: Thuế TTĐB (sửa đổi), Thuế TNDN (sửa đổi).

Phiên thảo luận về dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) thu hút nhiều ý kiến từ các đại biểu của UBTVQH. Việc giữ hay bỏ thuế đối với xăng dầu, điều hòa nhiệt độ và nước giải khát có đường vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi một số đại biểu cho rằng cần duy trì để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều ý kiến khác lại khẳng định việc này có thể gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong những năm qua nhu cầu về các thiết bị lạnh, điều hòa không khí ở nước ta tăng cao. Mặc dù một số điều hòa không khí đã thay đổi công nghệ để giảm tác hại đến môi trường, tiết kiệm điện, nhưng vẫn sử dụng dung môi chất lạnh khác nhau, trong đó nhiều chất tác hại đến môi trường, tầng ozone và tiềm ẩn khả năng gây nóng lên toàn cầu. Hàn Quốc, Ấn Độ, Na Uy đánh thuế TTĐB với HFC dùng trong điều hòa. Để tiết kiệm năng lượng, nhiều nước tại Châu Âu quy định hạn chế sử dụng điều hòa. Do vậy, cơ quan soạn thảo cho rằng cần tiếp tục thu thuế TTĐB với điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống để nâng cao nhận thức hạn chế tiêu dùng và tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.

Với xăng, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, có nhiều nhiên liệu hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng năng lượng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB với mặt hàng xăng. Tại Việt Nam, việc thu thuế TTĐB với xăng được áp dụng từ năm 1995, đến nay trên 20 năm, rất ổn định. Để khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng xăng sinh học và đã thu ổn định nên không nên đặt vấn đề đưa xăng khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, việc sửa đổi, ban hành cần bảo đảm chặt chẽ, thuyết phục, hướng tới mục tiêu quản lý và thúc đẩy phát triển; cần thống nhất các phương án giải trình, tiếp thu khi trình ra Quốc hội có tính thuyết phục. Đối với ba vấn đề lớn về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, các cơ quan soạn thảo cần tiếp tục trao đổi, tham vấn kỹ các bộ, ngành liên quan, hiệp hội doanh nghiệp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có phương án phù hợp...

UBTVQH cũng thảo luận, cho ý kiến về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về nội dung sửa đổi cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được bù trừ lãi từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (gồm cả chuyển nhượng dự án) với phần lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác.

2. Báo Đại đoàn kết (11/3) có bài “Kiến nghị không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số loại xe ô tô” cho biết: Góp ý về Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB hiện hành với xe pick-up chở hàng cabin kép nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì nguồn thu NSNN.

Theo phân tích định lượng, việc tăng thuế suất TTĐB với dòng xe này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, gồm: giảm thu NSNN (ước tính khoảng 7.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2030), sụt giảm đáng kể lượng tiêu thụ xe (giảm 36%), gây khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư phương tiện mới sẽ gia tăng, hạn chế khả năng tiếp cận của doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu thực tế. Chính sách này cũng sẽ giảm hiệu quả của các mục tiêu về cân bằng chính sách thuế giữa các dòng xe, bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông.

3. Báo Tuổi trẻ (11/3) có tin “Thuế thu nhập doanh nghiệp với báo chí: Nên áp một mức 10%”; Lao Động, Quân đội nhân dân, Lao động thủ đô, Thanh niên, Người lao động (10, 11/3) có tin “Nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với báo chí xuống 10%”; Sài Gòn giải phóng (10/3) “Đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí chưa được giải trình thấu đáo”; Vietnamnet, Giao Thông (10/3) có tin “Thống nhất đề xuất áp thuế 10% với cơ quan báo chí”; Bảo vệ pháp luật (10/3) có tin “Không nên áp dụng mức thuế khác nhau đối với các loại hình báo chí”; Pháp luật TPHCM (11/3) có tin “'Có 5% thôi mà các đồng chí cứ băn khoăn mãi'” và nhiều báo khác đưa tin cho biết: Chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đáng chú ý, tại dự luật mới nhất quy định áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in như quy định hiện hành. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm 5% so với hiện nay, về mức 15% (hiện thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 20%, trừ trường hợp được hưởng ưu đãi hoặc chịu thuế cao theo quy định).

Vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị nên áp dụng mức thuế bằng nhau cho tất cả loại hình cơ quan báo chí là 10%. Bản thân ông cũng đã đề nghị vấn đề này nhiều lần. Khi tiếp thu, giải trình dự án luật tại kỳ họp 8, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) đã 2 lần nói sẽ tiếp thu. Tuy nhiên đến nay xem dự thảo luật lại "không tiếp thu gì".

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiêm túc tiếp thu, không xử lý được phải giải trình cho rõ, bởi đại biểu Quốc hội phát biểu và ông Vinh cũng nói nhiều lần tại họp Thường vụ Quốc hội.

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, về nội dung liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp của báo in và báo khác, trước đây Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã hứa tại Quốc hội. Đồng thời cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát như ý kiến ông Vinh. Lần này các báo cũng đang thực hiện rà soát sắp xếp, cũng rất khó khăn. Bộ Tài chính cũng đồng tình nếu đưa một mức 10% thì phù hợp. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ủy ban Kinh tế và Tài chính để tiếp thu ý kiến này.

4. Báo Sài gòn Giải phóng (11/3) có tin “Tiếp tục gia hạn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp”; Vietnamnet (10/3) có tin “Nghiên cứu giảm thuế VAT áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026”; Hà Nội mới (10/3) tin “Cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, Báo điện tử Dân trí (10/3) có bài “Thủ tướng: Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp”, Báo Xây dựng điện tử (10/3) có bài “Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”; Tiền phong (10/3) có tin “Thủ tướng: Bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết”; Tin tức (10/3) có tin “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh”; Dân trí (10/3) có tin “Thủ tướng: Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp”; Dân Việt (10/3) có tin “Thủ tướng "lệnh" bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết và chi phí kinh doanh” cho biết: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 22/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục gia hạn, giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất trong năm 2025 và nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trình Chính phủ trước ngày 15/3; nghiên cứu, đề xuất về việc mở rộng đối tượng giảm thuế, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ); bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử, bảo đảm thông suốt, liền mạch, hiệu quả.

5. Báo Thanh niên (11/3) có bài “Cấp bách là sửa thuế thu nhập cá nhân” cho biết: Điều gây bức xúc nhiều nhất liên quan đến luật thuế TNCN là mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu kéo dài mấy năm nay chưa được điều chỉnh kịp thời. Thậm chí, theo kế hoạch thì phải khoảng 2 năm nữa những bất cập này mới được giải quyết, ngưỡng thuế mới mới thật sự được áp dụng. Trong khi giá cả trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu vẫn đang tăng mạnh.

Số liệu của Cục Thống kê công bố cho thấy giá thịt heo, thực phẩm phổ biến nhất trong giỏ nội trợ của mỗi gia đình, đã tăng nóng liên tục mấy tháng qua. So với cuối năm 2024, CPI đã tăng 1,32%, còn so với cùng kỳ năm trước, chỉ số này tăng 2,91%, đồng nghĩa với chi phí sinh hoạt của người dân đã bị đội lên đáng kể. Ở chiều ngược lại, thu nhập của nhiều người lao động bị sụt giảm, không ít trong số đó thậm chí không giữ được việc làm. Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên hơn 67.000, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động đang cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới (khoảng chỉ gần 50.000 đơn vị).

Những con số này cho thấy kinh tế vẫn đang khó khăn trong khi mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm nay lên tới 8%. Để đạt được mục tiêu này thì "cỗ xe tam mã" gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đóng vai trò quan trọng. Mức giảm trừ gia cảnh là một trong những yếu tố tác động đến tâm lý tiêu dùng của người dân. Đơn giản là một ngưỡng thuế hợp lý sẽ khiến người làm công ăn lương có thêm một khoản thu nhập, từ đó họ bớt cắt xén chi tiêu, mua sắm nhiều hơn. Logic đó ai cũng biết, nhưng không hiểu vì sao riêng việc chỉnh sửa ngưỡng giảm trừ gia cảnh vẫn đang theo "quy trình" và như nói trên phải đến năm 2027 mới chính thức đi vào cuộc sống.

6. Vietnamplus (10/3) có tin “EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam”; Kinh tế Sài Gòn (10/3) có tin “EU không áp dụng biện pháp phòng thủ thuế với Việt Nam” cho biết: Bộ Tài chính vừa ký Tuyên bố về Thỏa thuận đa phương giữa các nhà chức trách có thẩm quyền (CbC MCAA) nhằm trao đổi Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbC) với các quốc gia đối tác, thành viên Liên minh châu Âu (EU). Điều đó có nghĩa là EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam.

Việc ký kết CbC MCAA vào đầu năm 2025 là bước đi phù hợp, đảm bảo cho việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu theo lộ trình đã đề ra, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường minh bạch tài chính và hội nhập kinh tế quốc tế

7. Báo Người lao động (11/3) có bài “Bán hàng online hết thời lách thuế” cho biết: Hiện nay các cơ quan chức năng dễ dàng truy soát doanh thu của người bán thông qua các đơn vị vận chuyển hoặc sao kê ngân hàng nên người bán hàng online rất khó lách thuế. Nhiều người bán hàng trên sàn thương mại điện tử cũng khẳng định không thể lách thuế vào thời điểm khi mà đơn vị thu đã truy soát được doanh thu thông qua các kênh trên vì nếu lách sẽ bị phạt truy thu, thậm chí bị xử lý hình sự do trốn thuế.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế và Luật Thương mại điện tử theo hướng siết chặt hơn nghĩa vụ thuế của cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng số.

8. Báo Công an nhân dân (11/3) có tin “Cơ quan thuế nhiều lần bị qua mặt trong chuyển nhượng đất làm trường quốc tế” cho biết: Liên quan đến vụ việc cưỡng chế đối với Trường Mẫu giáo quốc tế và trường Tiểu học quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh để bảo đảm thi hành án khiến 300 học sinh mầm non và tiểu học phải dời khỏi trường ngay giữa học kỳ I, mới đây Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thông tin về nghĩa vụ tài chính đối với khu đất xây dựng trường quốc tế này.

Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, khu đất tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức) được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty CP đầu tư Thủ Thiêm vào tháng 5/2008. Trong đó gồm hơn 11.586 m2 đất công trình công cộng là trường học (7.564m2), thương mại, dịch vụ và phần diện tích này thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Đại diện Cục thuế khẳng định, cơ quan thuế chưa nhận được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty CP đầu tư Thủ Thiêm và Công ty CP mía đường Bình Định (Bisuco). Đồng thời Chi cục Thuế TP Thủ Đức cũng chưa ghi nhận thông tin nào về giao dịch chuyển nhượng giữa 2 công ty trên. Ngoài ra, Cục thuế thành phố cũng chưa nhận được phiếu chuyển thông tin địa chính về đất đai liên quan đến Công ty TNHH quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn, do đó chưa có thông tin thực hiện nghĩa vụ về đất đai của công ty này.

II. Vấn đề về quản lý tài sản số

9. Báo Thanh niên (11/3) có bài “Tạo sân chơi minh bạch cho tiền mã hóa”; Sài gòn Giải phóng (11/3) có các bài “Sớm hình thành khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số”  ‘Sôi động giao dịch tiền kỹ thuật số, bất chấp rủi ro” cho biết: Hơn chục triệu người dùng Việt Nam tham gia đầu tư, mua bán trên nhiều sàn tiền mã hóa thế giới với số tiền tỷ USD nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về tiền mã hóa cũng như thị trường này.

Bà Krist Phạm, chuyên gia truyền thông và marketing blockchain, nhận xét tiền mã hóa là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đi kèm rủi ro lớn, không phù hợp với tất cả mọi người. Để đầu tư hiện quả, cần tìm hiểu về công nghệ blockchain, biết cách phân tích thị trường và quản lý vốn hợp lý. Chỉ những người có kiến thức và chiến lược đầu tư rõ ràng mới có thể đạt lợi nhuận bền vững.

Dù hòa theo xu hướng chung của thế giới, nhưng việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng tại Việt Nam khiến hàng triệu người chơi như đang trong tranh tối tranh sáng. Do đó, việc Việt Nam sắp có hành lang pháp lý rõ ràng được đông đảo người dùng, doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực lẫn các chuyên gia đồng tình.

Ông Trần Xuân Tiến, Tổng thư ký Chi hội Blockchain TP.HCM, cho biết nội dung cả thị trường kỳ vọng vẫn là luật về tài sản số, tài sản mã hóa. Việc định rõ thế nào là tài sản sẽ giúp blockchain có được sự công nhận. Khi được công nhận là tài sản, các giao dịch dân sự sẽ được công nhận.

Bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance – một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - tại Việt Nam, cho rằng nếu cần thiết có thể xem xét một cơ chế sandbox pháp lý để cho phép các dự án sáng tạo được thử nghiệm trong môi trường kiểm soát, đảm bảo tuân thủ trong khi giảm thiểu rủi ro thị trường. Một số quốc gia đã sử dụng cách này để khuyến khích đổi mới có trách nhiệm trong khi vẫn duy trì sự giám sát.

10. Báo Pháp luật Việt Nam (11/3) có bài “TS Trần Minh Sơn: Có doanh nghiệp phải sang Mỹ, sang Singapore để đăng ký đầu tư về tài sản số do Việt Nam chưa có khung pháp lý về loại hình này” dẫn lời TS Trần Minh Sơn, Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế PACC cho rằng: Về việc tạo ra khung pháp lý để quản lý tài sản số, cần có sự tham gia của doanh nghiệp cùng các nhà hoạch định chính sách để xây dựng khung pháp lý về tài sản số. Nếu như Nhà nước công nhận tài sản số, đây sẽ là cơ sở để hình thành các chính sách bảo hộ cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần thống nhất khái niệm về tàn sản số, tài sản mã hóa, đồng tiền điện tử để Nhà nước có cơ sở nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế. Ngoài ra, cần có một cơ quan độc lập để quản lý tài sản số, tiền điện tử.

III. Vấn đề về NSNN

11. Báo Xây dựng (11/3) có tin “Phân bổ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo”; Baochinhphu.vn (10/3) có tin “Phân bổ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát”; Vietnamnet (10/3) có tin “Phân bổ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 xóa nhà tạm, nhà dột nát”; Thời báo Ngân hàng (10/3) có tin “Phân bổ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát”; Thanh tra (10/3) có tin “Phân bổ sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho biết: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 10/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ sử dụng 509,7 tỷ đồng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho 7 địa phương và điều chuyển 1.022,1 tỷ đồng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 không sử dụng hết của 28 địa phương cho 16 địa phương còn thiếu nguồn; phân bổ 999,967 tỷ đồng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của 8 địa phương cho 15 địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

12. Báo Nhân dân (10/3) có tin “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”; Hà Nội Mới (10/3) có tin “Phấn đấu đến ngày 31-10-2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát”; Baochinhphu.vn (10/3) có tin “Thủ tướng: Dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát”; Dân Việt (11/3) có tin “Gần 6.000 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng đề nghị cuối tháng 10 phải hoàn thành”; Tiền phong (10/3) có tin “Thủ tướng: Mỗi ngày phải hỗ trợ xóa bỏ 459 nhà tạm, nhà dột nát”; Thanh niên (10/3) có tin “Mỗi ngày phải xóa bình quân 459 căn nhà tạm, dột nát”; Kinh tế và Đô thị (10/3) có tin “Thủ tướng Chính phủ: hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng”; Dân trí (10/3) có tin “459 căn nhà mới cần hoàn thành mỗi ngày tức mỗi tỉnh xóa được 8 nhà tạm” và nhiều báo khác cho biết: Chiều 10/3, phiên họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Theo Thủ tướng, Đến nay, cả nước đã hỗ trợ 121.638/223.164 căn nhà (đạt hơn 54%), trong đó hơn 65.000 căn đã khánh thành, hơn 56.000 căn được khởi công mới. Như vậy từ nay đến cuối năm phải hoàn thành hơn 101.000 căn trong thời gian rất gấp, bình quân cả nước phải xóa 459 căn mỗi ngày, mỗi địa phương phải xóa 8 căn một ngày. Đây là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, để thực hiện mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương rà soát báo cáo của các địa phương để đề xuất điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 phù hợp nhu cầu thực tế qua rà soát (hoàn thành tháng 3/2025).

Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; phân bổ kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 hỗ trợ chương trình và kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ (hoàn thành trước 15/3/2025). Phối hợp Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương rà soát, đề xuất điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 phù hợp nhu cầu thực tế; tiếp tục vận động các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tích cực tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

                                                                                                                                   vhp

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow