Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 24/03/2025

Điểm báo ngày 24/03/2025

ĐIỂM BÁO NGÀNH

I. Vấn đề về thuế

1. Tuổi trẻ online (22/3) có bài “Biệt thự bỏ hoang nhan nhản, chuyên gia đề xuất đánh thuế” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Xây dựng và một số công ty nghiên cứu thị trường bất động sản thì giá nhà chung cư ở Hà Nội đã tăng gấp đôi sau vài năm. Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, căn hộ chung cư giá dưới 50 triệu đồng một mét vuông ở ngoài đường vành đai 3 của Hà Nội cũng đã "tuyệt chủng". Điều bất hợp lý đó là nguồn cung nhà ở, đặc biệt dự án chung cư khoảng một năm trở lại đây mở bán rất ít, nhưng nhiều khu biệt thự, nhà liền kề ven đô lại bỏ hoang phế.

Trước thực trạng này, theo chuyên gia, bên cạnh tạo nguồn cung từ nhà ở xã hội, gỡ vướng pháp lý cho dự án cần phải nghiên cứu, xây dựng một sắc thuế bất động sản. Nhanh chóng xây dựng lộ trình để đánh thuế, điều tiết thị trường nhà đất phát triển lành mạnh. Ban đầu nên hướng đến đánh thuế biệt thự, nhà đất không đưa vào sử dụng, để hoang phế. Đánh thuế chuyển nhượng trong thời gian 2 năm đầu, sử dụng vượt hạn mức... nhằm ngăn chặn tình trạng "lướt sóng", đầu cơ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế) cho rằng cần đánh thuế những người "lướt sóng" bất động sản, giàu lên quá nhanh từ nhà đất.

GS Đặng Hùng Võ (chuyên gia quản lý tài nguyên) cho rằng ở nhiều quốc gia đã thử nghiệm áp thuế chuyển nhượng cao ở các đô thị lớn, thời gian sở hữu ngắn và thuế đối với giá trị tăng thêm của bất động sản hằng năm.

Trước đó, đầu tháng 1-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản. Trong hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất đánh thuế đối với người nắm giữ bất động sản càng ngắn thì mức thuế càng cao nhằm ngăn chặn đầu cơ.

2. Báo Tiền Phong (22/3) có bài“Ngăn chặn tác hại thuốc lá bằng chính sách thuế” cho biết: Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 103.000 ca tử vong liên quan tới việc sử dụng thuốc lá. Việc cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được xem là một giải pháp quan trọng, giúp ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng do thuốc lá gây ra.

WHO khuyến nghị Việt Nam cần bổ sung thuế tuyệt đối và tăng thuế theo lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập, hướng tới mức thuế tối ưu chiếm 75% giá bán lẻ.

Tuy nhiên, các công ty thuốc lá hiện nay vẫn tìm cách trì hoãn việc tăng thuế với lý do việc này có thể làm tăng buôn lậu thuốc lá nhưng theo thống kê, số vụ tiêu thụ thuốc lá lậu ở Việt Nam ước tính giảm từ 20,7% năm 2012 xuống còn 13,7% vào năm 2017, được xác định là nhờ các nỗ lực tăng cường thực thi chống buôn lậu mạnh hơn.

3. Báo Tuổi trẻ (24/3) có bài “Cơ quan thuế yêu cầu đại lý ô tô giải trình” cho biết: Sau khi báo Tuổi trẻ có bài về “Thế giới ngầm bán xe sang Toyota: Muốn có xe phải lót tay 800 triệu đồng”, cơ quan thuế đã vào cuộc trước thông tin số tiền chênh lớn mà Tuổi trẻ ghi nhận tại một số đại lý Toyota ở quận Bình Thạnh, Tân Bình… Theo đó, trong trường hợp bên bán xe Land Cruiser 300 tự ý nhận tiền lót tay, không xuất hóa đơn thì có hai khoản thuế chính bị thất thu gồm: Thuế GTGT (10%) và thuế TNDN (20%), như vậy nếu tính trên số lượng bán xe chênh thì đây là số tiền rất lớn.

Hiện nay, cơ quan thuế đang yêu cầu doanh nghiệp trả lời bằng văn bản, sau đó sẽ làm rõ nhiều vấn đề và không loại trừ khả năng sẽ mở rộng việc thanh kiểm tra ra các đại lý ô tô khác.

4. Chinhphu.vn (24/3) có bài “Cục Thuế hỗ trợ trực tuyến doanh nghiệp, cá nhân quyết toán thuế năm 2024” cho biết: Để hỗ trợ cho người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế TNDN, thu TNCN, đồng thời giải đáp kịp thời các vướng mắc thường gặp của người nộp thuế, Cục Thuế cổ chức hội nghị hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế TNDN, TNCN năm 2024.

Để tham gia buổi hỗ trợ trực tuyến, người nộp thuế truy cập chuyên mục Giao lưu trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế tại địa chỉ https://gdt.gov.vn/wps/portal/home/gltt và gửi câu hỏi trong thời gian buổi sáng từ 08h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h30 đến 16h30 vào ngày 24-25/03/2025 để tham gia về hướng dẫn, giải đáp vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế về thuế TNDN, TNCN.

Đối với hỗ trợ trên trang fanpage, người nộp thuế truy cập vào trang fanpage của Cục Thuế: https://www.facebook.com/nganhthuevietnam để theo dõi trực tiếp.

II. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Tiền phong (24/3) có tin “Chứng khoán xuất hiện dấu hiệu mới”; Hà Nội mới (22/3) có bài “Thị trường chứng khoán điều chỉnh trong ngắn hạn” cho biết: Tuần qua, VN-Index tiếp tục ghi nhận diễn biến thận trong khi đóng cửa với sắc đỏ cùng khối lượng giao dịch cũng suy giảm so với tuần trước. Tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng khi đa phần các nhóm ngành biến động với biên độ thấp. Ông Vũ Duy Khánh – Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán Smart Invest cho rằng, sau 8 tuần VN-Index tăng liên tiếp, tuần qua đã xuất hiện tín hiệu điều chỉnh với mức giảm nhẹ 0,15% đóng vửa tại 1.321,88 điểm. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường có thể đang bước vào giai đoạn tích lũy hoặc nghỉ ngơi sau chuỗi tăng trưởng dài. Việc thanh khoản giảm thường phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, có thể do áp lực chốt lời gia tăng hoặc sự thiếu vắng động lực mới để đẩy chỉ số lên cao hơn.

6. Báo Thanh niên (24/3) có bài “Cần phạt nặng người cho mượn tài khoản làm giá cổ phiếu” cho biết: Gần đây, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã công bố nhiều quyết định xử phạt đối với các cá nhân về hành vi thao túng TTCK. Nhìn lại các vụ án thao túng giá chứng khoán trước đây đã bị phát hiện và xử lý, tất cả những cá nhân, tổ chức đều sử dụng từ vài chục đến vài trăm tài khoản khác nhau để mua bán liên tục cùng một cổ phiếu, tạo cung cầu giả tạo và đẩy giá.

Theo Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM, dù với các kịch bản thao túng giá khác nhau nhưng trong thời gian thực hiện giao dịch trên sàn, các cá nhân đều phải sử dụng nhiều tài khoản. Khi có nhiều tài khoản cùng thời gian đặt mua hay bán cổ phiếu thì sẽ làm gia tăng lượng giao dịch, tăng thanh khoản để tạo sự chú ý cho các nhà đầu tư. Đồng thời, các tài khoản khác nhau mới có thể vừa mua vừa bán cùng một phiên giao dịch, kiểu "mua tay trái bán tay phải" để tăng thanh khoản và đẩy giá lên hay đạp giảm xuống tùy mục tiêu theo từng kịch bản.

Đáng nói, dù hệ quả lớn nhưng theo quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán thì hành vi cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng TTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động giao dịch từ 6 - 12 tháng. Đồng thời, theo Nghị định 155/2020 hướng dẫn luật chứng khoán thì các cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán sẽ bị cấm giao dịch từ 2 - 3 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán từ 2 - 3 năm.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, cho rằng cần bổ sung hình thức xử phạt hành chính đối với việc cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến làm giá cổ phiếu. Mức xử phạt cụ thể bao nhiêu tiền có thể tính theo tỷ lệ đối với cá nhân mượn tài khoản là chủ mưu thao túng cổ phiếu trong cùng một vụ. Riêng đối với xử lý hình sự sẽ tùy thuộc mức độ vi phạm ở hình thức đồng phạm hoặc người có liên quan.

7. Báo Pháp luật Việt Nam (24/3) có bài “Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán: Bài 1 - Kênh huy động vốn nhiều tỷ USD” cho biết: Để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng 8%, dự kiến sẽ có khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được “bơm” ra trong năm 2025. Ngân hàng Nhà nước từng cho biết, cần thêm kênh để huy động dòng tiền, ngoài ngân hàng và các tổ chức tín dụng, trong bối cảnh này, việc TTCK được nâng hạng trong năm nay sẽ được xem là một kênh bổ sung dòng tiền hữu ích cho nền kinh tế.

TS Trần Văn Bình - chuyên gia tài chính cho biết, việc nâng hạng TTCK mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Nếu TTCK được nâng hạng, dòng tiền thanh khoản của thị trường có thể tăng gấp đôi, từ đó bổ sung vào nền kinh tế, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, tiến trình nâng hạng TTCK của Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2016. Ủy ban vẫn đang tiếp tục triển khai các nội dung công việc cụ thể hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam.

Mới đây, tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell cho biết sẽ công bố kết quả đánh giá phân loại thị trường các quốc gia vào ngày 9/4/2025. Trong nội dung đi kèm thông báo này, FTSE Russell thông tin, Việt Nam được đánh giá có khả năng nâng hạng từ vị thế thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2.

III. Vấn đề về quản lý giá

8. Báo Pháp luật Việt Nam (24/3) có bài “Từ vụ Tập đoàn Phúc Sơn, đề xuất giám sát chặt chẽ, công khai hoạt động định giá” cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cơ quan CSĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa - Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Cty Phúc Sơn), các đơn vị và địa phương liên quan. Ngoài đề nghị truy tố 41 bị can về các tội nêu trên, Cơ quan CSĐT còn kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan.

Theo kết quả điều tra vụ án, nhiều năm qua, Hội đồng định giá tài sản các cấp sử dụng kết quả định giá tài sản của các DN thẩm định giá làm căn cứ để quyết định, yêu cầu các DN làm chủ đầu tư dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình hoạt động, một số cá nhân liên quan tại các DN thẩm định giá như giám đốc DN, thẩm định viên… đã có hành vi tiêu cực, chịu sự tác động của các đối tượng để làm sai lệch hoạt động đúng đắn của công tác định giá tài sản theo hướng giảm số tiền phải nộp cho nhà nước.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai hoạt động định giá tài sản của các DN tư vấn được Hội đồng định giá tài sản (địa phương cấp bộ) sử dụng làm căn cứ để định giá tài sản, thu tiền cho Nhà nước, tránh bị các đối tượng lợi dụng để can thiệp, tác động làm sai lệch kết quả định giá. Mặt khác, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ kết quả hoạt động kiểm toán của các Cty kiểm toán xác nhận báo cáo tài chính, doanh thu, chi phí, vốn chủ sở hữu của DN dùng làm năng lực để tài chính để được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, công nhận làm chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công…

IV. Vấn đề về doanh nghiệp nhà nước

9. Các báo: Nhân dân (24/3) có bài “Yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong trong tăng trưởng kinh tế”; Đại đoàn kết (23/3) có bài “Doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong trong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng”; Hà nội mới (24/3) có bài “Thủ tướng yêu cầu DNN tiên phong trong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng”; Quân đội nhân dân (23/3) có bài “ Yêu cầu DNN phải tiên phong trong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng”; Chinhphu.vn (24/3) có bài “Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp của DNNN góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững”; Dân trí (23/3) có bài “Thủ tướng yêu cầu DNNN tăng tốc, bứt phá tăng trưởng” và nhiều báo khác đưa tin:  Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển nhanh và bền vững.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN phải thay đổi, ứng phó nhanh hơn, kịp thời hơn, thích ứng linh hoạt và hiệu quả hơn trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới, trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Năm 2025, DNNN phải chủ động xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đất nước, tập trung tiên phong trong 06 lĩnh vực: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược, nhất là xây dựng thể chế; tăng tốc, bứt phá tăng trưởng, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho tăng trưởng; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội; tạo hàng hóa, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.

Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công khẩn trương xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, nhất là về cơ chế, chính sách với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”; xem xét, xử lý hiệu quả, kịp thời các kiến nghị của DN, thông tin kịp thời kết quả xử lý cho DN và gửi kết quả xử lý đến Bộ Tài chính trước ngày 29/3/2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2025.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phương án tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế -Tài chính của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội khóa XV.

V. Vấn đề về kinh tế tư nhân

10. Các báo: Thanh niên (22/3) có bài “Tháo chốt để kinh tế tư nhân bứt phá: Doanh nghiệp nhỏ không thể lớn vì vốn”, Sài gòn Giải phóng (22/3) có bài “Tháo gỡ vướng mắc cho kinh tế tư nhân”, Đại đoàn kết (24/3) có bài “Tìm động lực phát triển cho kinh tế tư nhân”, Tuổi trẻ (22/3) có bài “Kinh tế tư nhân: Bỏ kiếp “kép phụ” bước lên đối tác”, baochinhphu.vn (24/3) có bài “Tháo gỡ ‘điểm nghẽn’, đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển”, Tạp chí Thương hiệu và Công luận (23/3) có bài “Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc kinh tế tư nhân sẽ có nhiều đột phá và đóng góp cho nền kinh tế” và nhiều báo đưa tin, bài cho biết: Tiếp cận vốn khó, vay được thì lãi suất thậm chí còn cao hơn các công ty lớn... là vấn đề muôn thuở đang bó buộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, để DNNVV có thể tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và các tổ chức tài chính. Việc phát triển các mô hình tài chính thay thế như tín dụng chuỗi cung ứng, thuê tài chính cũng là giải pháp hữu hiệu giúp DN huy động vốn mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng.

Báo Tuổi trẻ phản ánh sau một giai đoạn trầm lắng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang có những tín hiệu tích cực khi các nhà đầu tư tư nhân có những động thái quan tâm đầu tư vào các dự án đường cao tốc, sân bay, metro... và mới nhất là Vingroup muốn làm đường sắt đô thị đi Cần Giờ (TP.HCM). Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp luật, tạo “cuộc chơi” bình đẳng, tin cậy và trân trọng những giá trị của doanh nghiệp tư nhân làm được để tạo động lực huy động nguồn lực tư nhân.

VI. Vấn đề về đầu tư công

11. Các báo:Lao động (22/3) có tin “Đầu tư công là động lực của tăng trưởng, cần thực hiện ở mức cao nhất”, Đại đoàn kết (22/3) có tin “Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Vietnamplus (21/3) có tin “Phó Thủ tướng Mai Văn Chính: Có vốn mà không thực hiện được là có khuyết điểm”, Chinhphu (21/3) có tin “Phó Thủ tướng Mai Văn Chính kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 9 bộ, cơ quan Trung ương”, Quân đội nhân dân (21/3) có tin “Phó Thủ tướng Mai Văn Chính nêu ba bài học về giải ngân vốn đầu tư công”, Pháp luật Việt Nam (21/3) có tin “Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh vốn đầu tư công năm 2025”, cho biết: Sáng 21/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan Trung ương trong 2 tháng năm 2025 thuộc Tổ công tác số 7. Tổ công tác số 7 do Phó Thủ tướng Mai Văn Chính làm Tổ trưởng đã kiểm tra các bộ, cơ quan Trung ương: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

Trình bày báo cáo tổng hợp, Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ giao cho 9 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 7 là 3.992 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/2, có 5/9 bộ, cơ quan đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; tổng số vốn còn lại chưa được phân bổ là 1.919 tỷ đồng (chiếm 48,07%). Bộ Tài chính đã nêu các nguyên nhân và kiến nghị để triển khai đảm bảo tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của 5 bộ, cơ quan Trung ương trong công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 2025 (đã phân bổ hết vốn và cam kết hoàn thành giải ngân trong năm). Còn 4 bộ, cơ quan chưa phân bổ hết vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo, đánh giá rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Phó Thủ tướng yêu cầu quán triệt nghiêm túc, thực hiện đầy đủ chỉ thị của Thủ tướng về đầu tư công; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; trong tổ chức thực hiện phải bảo đảm "5 rõ", "3 có, 2 không". Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị 9 đơn vị được kiểm tra hoàn thiện báo cáo, nêu rõ kết quả phân bổ, giải ngân, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, gửi về Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3 này.

12. Các báo: Đại đoàn kết (22/3) có tin “Nhiều bộ, ngành, địa phương chậm kiểm kê tài sản công”, Vov.vn (21/3) có tin “"Điểm tên” các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chậm trễ trong kiểm kê tài sản công”, Laodongthudo.vn (22/3) có tin “Vẫn còn 20 bộ và địa phương chậm gửi báo cáo kết quả kiểm kê tài sản công”, Nhandan.vn (21/3) có tin “Tổng kiểm kê tài sản công: 26 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chậm tiến độ”, Sài gòn giải phóng (21/3) có tên “Bộ Tài chính tiếp tục “điểm tên” các bộ, ngành và địa phương chậm thống kê tài sản công”, Công an nhân dân (21/3) có tin “Chậm kiểm kê tài sản công, 5 bộ, cơ quan bị “điểm danh”, Tạp chí Người đô thị (21/3) có tin “38 bộ, ngành và địa phương hoàn thành báo cáo kiểm kê tài sản công”, và nhiều báo đưa tin cho biết: Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo tiến độ thực hiện tổng kiểm kê của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.

Tính đến sáng 21/3, có 13 Bộ, cơ quan Trung ương, 18 tổ chức, 7 địa phương đã hoàn thành việc gửi báo cáo. Bên cạnh đơn vị triển khai tốt công tác kiểm kê, vẫn còn nhiều Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc gửi và duyệt báo cáo kết quả kiểm kê trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công chậm so với tiến độ chung của cả nước. Cụ thể, 5 bộ, cơ quan trung ương có tiến độ rất chậm (Tỷ lệ gửi báo cáo đối với TSCĐ đạt dưới 50%) gồm: Văn phòng Chính phủ, Cơ quan Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.

vhp

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow