Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/01/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 12/01/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Báo Tuổi trẻ (12/1) có bài “Việt Nam sắp mất tuyến liên vận quốc tế?” cho biết: DN lo chi phí tăng, kiểm tra vô lý khiến tuyến đường vận chuyển hàng hoá quốc tế đi qua Việt Nam có nguy cơ mất trắng lợi thế. Điều này dẫn đến nỗi lo của nhiều DN Việt là hàng quốc tế chuyển sang tuyến đường Trung Quốc -  Lào để đưa hàng vào Đông Nam Á, bỏ qua Việt Nam.

Bài báo cho biết, một trong những lý do khiến tuyến đường liên vận quốc tế từ Trung Quốc đi qua Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh là chi phí logistics cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác phải đóng.

Bên cạnh đó, nhiều DN đặc biệt lo ngại tình trạng kiểm tra hàng hoá. Đặc thù hoạt động quá cảnh là hàng hoá đi từ người bán sau đó được thu gom và đưa về các kho lớn để vận chuyển qua nhiều nước để vận chuyển qua nhiều nước tới khách hàng. Do đó, vận chuyển phải đảm bảo container được nguyên đai, nguyên kiện. Nhưng thực tế có tình trạng hải quan không kiểm tra lô hàng ngay tại cửa khẩu, tại khâu vận chuyển của nước bạn.

Một DN có trụ sở tại Lạng Sơn dẫn chứng thêm khi hàng quá cảnh được đưa vào cửa khẩu Hữu Nghị, DN sẽ khai tờ khai vận chuyển độc lập. Hải quan cửa khẩu sẽ cung cấp số kẹp chì. Ra khỏi cửa khẩu, DN Việt sẽ nhận xe hàng đã được niêm phong kẹp chì. Tuy vậy, hải quan vẫn yêu cầu phải khai mã HS, số lượng, giá cả, chứng nhận xuất xứ hàng hoá… Việc ghi các thông tin này là không thể vì đây là hàng quá cảnh, không phải hàng hoá nhập khẩu. Việc yêu cầu khai cả mã HS là không đúng tinh thần vận chuyển hàng quá cảnh. Đáng chú ý, tình trạng kiểm tra hàng hoá khi container đã được niêm phong gây bức xúc. Theo phản ánh của DN, có trường hợp hải quan tháo tung container, rạch từng kiện hàng nhỏ để kiểm tra, thời gian kéo dài, mỗi ngày chỉ được 2-4 container, dẫn tới có thời điểm hàng trăm container nằm chờ kiểm tra, kéo dài cả tháng, tốn chi phí cho DN.

Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: “Với những phản ánh của DN, chúng tôi báo cáo Bộ Tài chính. Thực tế có tình trạng các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng hàng quá cảnh để buôn lậu rất phức tạp, khó kiểm soát. Tổng cục Hải quan và Cục Chống buôn lậu đã có kế hoạch đấu tranh với những đối tượng này, hoàn toàn có cơ sở  pháp lý. Trong cả kế hoạch đấu tranh, thời điểm quyết liệt nhất vào tháng 7, kiểm tra cho thấy tỷ lệ sai, vi phạm đến 75%, chủ yếu là hàng giả. Trong trường hợp quá cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam và đi sang Campuchia, hàng giả chủ yếu tiêu dùng nội địa, vi phạm sở hữu trí tuệ. Chúng tôi có văn bản gửi Hiệp hội Vận tải ASEAN, khẳng định việc kiểm tra là đúng quy định”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm dù lo ngại của cơ quan nhà nước là có về nguy cơ hàng lậu nhưng có nhiều cách thức.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhanh chóng giải quyết các vướng mắc theo hướng giảm chi phí logistics, tăng nguồn thu cho nhà nước, đặc biệt có chủ trương rõ với việc thu hút, đẩy mạnh nguồn hàng quá cảnh của Campuchia và các nước qua Việt Nam.

Vấn đề này, qua trao đổi với Văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã nắm được nội dung bài báo nêu và đang chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung bài báo phản ánh, sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ trong thời gian sớm nhất.

II. Vấn đề về chứng khoán

2. Báo Tuổi trẻ (12/1) có bài “Hệ thống giao dịch chứng khoán “chập chờn”: Cần câu trả lời thỏa đáng” cho biết: Ngay khi vừa khởi động phiên giao dịch ngày 11/1, hàng loạt nhà đầu tư thông báo gặp trục trặc khi đặt lệnh mua bán cổ phiếu trên sàn của HOSE. Dù sau đó có ổn định hơn nhưng đến phiên chiều khi thanh khoản tăng cao, tình trạng “nghẽn” lại tiếp tục.

Nhiều nhà đầu tư cho biết đã thành thói quen nên chỉ tập trung giao dịch trước 14h. Nhiều ý kiến cho rằng cần cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời thỏa đáng và có giải pháp nhanh. Lãnh đạo một cty chứng khoán cho biết hệ thống yếu kém sẽ khiến nhà đầu tư lo lắng, thiệt hại, chặn dòng tiền của không ít nhà đầu tư. Không khỏi bức xúc, anh Đ.B (nhà đầu tư) chia sẻ: “Thị trường cứ đơ thế này dễ đột quỵ do tức”.

Được biết, hơn 5 năm trước việc nâng hạng thị trường chứng khoán VN từ cận biên lên mới nổi đã được đặt ra, đồng nghĩa với việc hệ thống giao dịch phải được ổn định, thông suốt. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua không ít lần hệ thống HOSE gặp sự cố, như năm 2018 sàn này phải tạm ngừng giao dịch 2 ngày.

Trả lời báo chí, đại diện sàn HOSE cho biết đã triển khai việc nâng cấp hệ thống giao dịch, nhưng do Covid-19 nên việc này bị trậm trễ. Dù vậy, thị trường mở màn tuần đầu tiên của năm mới 2021 trở thành tuần đầu tiên của năm tăng mạnh nhất từ năm 2010 đến nay. Chốt phiên giao dịch ngày 11/1, VN-Index tăng 17,2 điểm lên 1.184,89 điểm.

III. Vấn đề về hải quan

3. Bản tin Thời sự 19h00VTV1 (11/1) phát phóng sự về công tác chống buôn lậu trong lĩnh vực hải quan cho biết: Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt kiểm tra, kiểm soát để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là những hoạt động mà ngành hải quan đang đẩy mạnh triển khai nhằm hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng điều này để buôn lậu, gian lận thương mại với những thủ đoạn tinh vi và phức tạp.

Năm 2020, riêng Hải quan Hải Phòng đã phát hiện bắt giữ và xử lý 4.300 vụ với giá trị lên tới cả ngàn tỉ đồng. Ông Nguyễn Sỹ Tráng – Phó cục trưởng Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết: “Cục Hải quan Hải Phòng đã phối hợp với các Hải quan địa phương để kiểm soát chặt chẽ hàng hóa làm thủ tục ở các địa phương khác, phát hiện nhiều trường hợp xuất khẩu vi phạm pháp luật hải quan”.

Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “ Hải quan Hải Phòng đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, tạo được niềm tin và sự ổn định trong phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn, cũng như tại các địa phương khu vực phía Bắc… khi có hàng hóa xuất nhập khẩu đều rất yên tâm khi giao dịch”.

Để giảm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, một mặt ngành Hải quan tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, để phát hiện, răn đe, mặt khác cũng cần sớm bổ sung, hoàn thiện các khung khổ pháp lý, kịp thời bịt các lỗ hổng chính sách. Qua đó tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN và tránh gây thất thu ngân sách.

4. Báo Đại đoàn kết (12/1) có bài “Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án buôn lậu quặng bauxite: Còn nhiều băn khoăn” cho biết: Báo Đại Đoàn Kết đã từng phản ánh về việc Cục Điều tra Chống buôn lậu (ĐTCBL), Tổng cục Hải quan tạm giữ hơn 42.000 tấn quặng Bauxit của Công ty CP Vận tải thương mại Bảo Nguyên trong khi đang làm thủ tục xuất khẩu. Tiếp tục tìm sự việc, cho thấy còn nhiều quan điểm “vênh nhau” cần được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu đáo.

Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, ngày 17/10/2019, Công ty Bảo Nguyên mở tờ khai hải quan số 302816355500/B11 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả với nội dung khai báo là 42.000 tấn tinh quặng Bauxit có hàm lượng AL203 >=50% để xuất khẩu.

Trong khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp lấy mẫu quặng của Công ty Bảo Nguyên đi phân tích thì ngày 22/10/2019, Cục ĐTCBL (Tổng cục Hải quan) có điện fax số 16/ĐTCBL-HĐ1 gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả với nội dung nghi vấn lô hàng ghi sai số lượng, chủng loại lô hàng nêu trên nên tiến hành kiểm tra thực tế, lấy mẫu và trưng cầu giám định toàn bộ lô hàng.

Sau khi hết thời hạn gia hạn tạm giữ 3 lần, nhiều tháng trôi qua, Cục ĐTCBL vẫn không kết luận được sai phạm cụ thể để xử lý dứt điểm. Bất ngờ, đến tháng 12/2020, Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án “Buôn lậu” đối với lô quặng Bauxit của Công ty Bảo Nguyên.

Tổng cục Hải quan cho rằng, lô hàng trên đã hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định. Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan và kết quả giám định của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản thì thực tế hàng hóa là “quặng Bauxit dạng thô” không được phép xuất khẩu, theo Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ, không phải là tinh quặng Bauxit như Công ty đã khai hải quan.

Theo quy định thì quặng thô có thuế suất thuế xuất khẩu là 30% còn tinh quặng có thuế suất thuế xuất khẩu 20%. Như vậy, doanh nghiệp có hành vi khai sai về mã số hàng hóa, hàng hóa thực xuất là quặng bauxite thô, có mã HS 2606.00.00.10 thuế suất thuế xuất khẩu 30%.

Sau khi Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án buôn lậu, đại diện Công ty Bảo Nguyên cho rằng họ không sai phạm. Tất cả hàng hóa của doanh nghiệp có đầy đủ thủ tục pháp lý, thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước. Doanh nghiệp này cũng cho rằng, Cục ĐTCBL lấy 35 mẫu tại 35 tàu chở quặng gửi đến Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản để giám định mẫu. Kết quả giám định có 6 mẫu hàm lượng Al2O3 dưới 48%, 29 mẫu lớn hơn 48%. Nếu tính phương pháp trung bình cộng cho tất cả các mẫu giám định thì hàm lượng Al2O3 đạt 50,07%. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà cuối các kết quả giám định đều có kết luận giống nhau là mẫu thuộc quặng Bauxit thô.

IV. Vấn đề về quản lý giá

5. Các báo: Nông nghiệp Việt Nam (11/1); Vnepress (11/1); Thể thao văn hóa (11/1); Giao thông (11/1); Thanh tra (11/1); Đầu tư (11/1);  Nhân dân (12/1); Thanh niên (12/1); Người Lao động (12/1); Quân đội nhân dân (12/1) đưa tin giá xăng dầu tăng mạnh theo điều chỉnh mới ngày 11/1, cho biết: Theo điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất ngày 11/1/2021, giá xăng dầu trong nước đều đồng loạt tăng mạnh.

Theo đó, các mặt hàng xăng dầu đều được điều chỉnh tăng. Cụ thể: Xăng E5RON92: tăng 430 đồng/lít, không cao hơn 15.948 đồng/lít; Xăng RON95-III: tăng 451 đồng/lít, không cao hơn 16.930 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 271 đồng/lít, không cao hơn 12.647 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 370 đồng/lít, không cao hơn 11.558 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: giữ nguyên giá đối với mặt hàng dầu mazut và ở mức không cao hơn 12.272 đồng/kg.

Tại kỳ điều chỉnh này, Liên bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đối với các loại xăng dầu, cụ thể: không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, ngoại trừ mặt hàng xăng RON95 trích lập ở mức 100 đồng/lít. Chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu ở mức: E5RON92 ở mức 1.100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa chi ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 181 đồng/kg.

V. Vấn đề về tài chính ngân hàng

6. Báo Tuổi trẻ (12/1) có tin “Bất động sản hút hơn 101.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp” đưa tin: Trong báo cáo tình hình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 81/2020 của Chính phủ đã ngay lập tức tác động tới thị trường, giúp hạn chế DN phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng quá lớn, chia nhỏ các đợt phát hành để bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 9/2020 có 195 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ ở thị trường trong nước, có một DN phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực tế 9 tháng đạt hơn 307.200 tỷ đồng, trong đó chỉ 54% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có tài sản đảm bảo. Chỉ trong 9 tháng năm 2020, các DN bất động sản đã phát hành trên 101.600 tỷ đồng, tăng hơn 68% so với khối lượng phát hành năm 2019.

Lãi suất bình quân của trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đạt 8,92%/năm, trong đó lãi suất của doanh nghiệp phát hành cao nhất 13%/năm, DN phát hành thấp nhất 5%/năm.

VI. Vấn đề về đầu tư công

7. Báo Công an nhân dân (12/01) đưa tin “Sử dụng 100% vốn ngân sách đối với 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam”; Quân đội nhân dân (11/01) có bài “Chuyển đổi sang đầu tư công đối với 2 dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông”; Vietnamplus (11/01) có bài “Chuyển đổi sang đầu tư công đối với 2 dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông”; Lao động (11/01) có bài “Chuyển 2 dự án PPP thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang đầu tư công”… cho biết: Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 52, chiều 11/1, với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là dự án) gồm 11 dự án thành phần (6 dự án đầu tư công và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)) với mức vốn Nhà nước được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án là 78.461 tỷ đồng.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, kết quả đấu thầu có 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư (đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu).

Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án thành phần sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế-xã hội.

Do đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu, trên cơ sở cân đối từ nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án.

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần nói trên và báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 chứ không phải chờ Quốc hội thông qua.

VII. Vấn đề khác

8. Báo Tuổi trẻ (12/1) có bài “Năm 2021, lo rủi ro từ đầu cơ” cho biết: Trong bối cảnh lãi suất giảm, dòng tiền đang đổ nhanh vào chứng khoán. Nhiều ý kiến lạc quan về năm 2021 nhưng cũng cảnh báo nhiều rủi ro từ những dấu hiệu tăng nóng ở một số mảng hiện nay. Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên – năm 2021 tổ chức ngày 11/1. 

Bài báo cho biết, năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,5%, nhưng các tổ chức thế giới còn lạc quan hơn, dự báo VN tăng trưởng 6,7%, một số ngân hàng quốc tế dự báo từ 6,8-7%. Theo các chuyên gia, kỳ vọng này nằm trên yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô vẫn duy trì dù VN chịu tác động bất ổn toàn cầu, đây là lần đầu tiên sau 30 năm VN vẫn giữ được điều này.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00