Điểm báo ngày 13/01/2021
I. Vấn đề nổi bật
Stt |
Nội dung |
Kiến nghị, đề xuất |
1 |
Báo Thời báo ngân hàng (13/1) có bài “Thuế GTGT với L/C: Vấn đề tưởng nhỏ mà lớn” cho biết: Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến muốn áp dụng thu thuế GTGT trên giao dịch tín dụng thư (L/C). Ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các ngân hàng cho rằng điều này không hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu nếu được áp dụng. Cụ thể, theo dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính có điểm a, khoản 9, Điều 4 đã bỏ phần thư tín dụng chứng từ (L/C) khỏi danh mục không phải chịu thuế GTGT. Theo nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng thì L/C là một Phương tiện thanh toán nhưng mang bản chất sản phẩm tín dụng/bảo lãnh thì không phải chịu thuế GTGT. Do đó, nhóm công tác ngân hàng kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo để Bộ Tài chính cùng với NHNN giải quyết bấn đề này theo hướng hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong môi trường pháp luật và quy định hợp lý, minh bạch. |
Về vấn đề này, đề nghị Tổng cục Thuế có tuyên truyền, giải thích chính sách trên các phương tiện truyền thông. |
2 |
Báo Thanh niên (13/1) có bài “Chứng khoán tăng mạnh” đưa tin: Kinh tế thế giới và Việt Nam đã trải qua 1 năm khủng hoảng do đại dịch Covid-19, nhưng trái ngược với dự báo trước đó, chứng khoán vẫn tăng vọt. Ngày 12/1, VN-Index đóng cửa tăng 7,39 điểm, tương ứng tăng 0,62% lên 1.192,28 điểm. Chỉ sau gần 10 phiên giao dịch năm mới, chỉ số này đã cộng thêm 88,41 điểm, tương ứng tăng 8% so với cuối năm 2020. Đây cũng là chuỗi ngày tăng liên điểm liên tục của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS Lê Đạt Chí, cần có sự kiểm soát dòng tiền ra thị trường vì nếu không có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bong bóng phình lênh khi giá nhiều tài sản tăng liên tục. Khi bong bóng vỡ lại gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. TS Cấn Văn Lực cũng lưu ý, tại Việt Nam hiện nay, tính kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế thực có vẻ lỏng lẻo (thậm chí ngược chiều), khi kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng thấp nhưng chỉ số chứng khoán tăng cao. Điều này tiềm ẩn rủi ro và thiếu bền vững. |
Về vấn đề này, đề nghị UBCKNN có báo cáo Bộ về đợt tăng điểm mạnh thời gian qua, đồng thời phân tích lý do, có giải pháp kiến nghị phù hợp. |
II. Vấn đề về thuế
3. Báo Pháp luật Việt Nam (13/1) có tin “Phấn đấu tăng 30-40 bậc chỉ số nộp thuế” cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 02/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Liên quan đến lĩnh vực thuế, mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra là kết thúc năm 2021 phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và BHXH đảm bảo năm 2021 hoàn thành nhiệm vụ tăng từ 30-40 bậc so với năm 2019.
4. Báo Đầu tư (13/1) có bài “Chắc chắn quản lý được thuế đối với thương mại điện tử” phỏng vấn ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xoay quanh nội dung quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử.
Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho ngân hàng để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Qua các biện pháp quản lý thuế hiện nay, cơ quan thuế đã nắm được các nguồn thông tin thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ qua thương mại điện tử từ nước ngoài qua hệ thống ngân hàng, nên luật hóa việc ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay chắc chắn sẽ quản lý thuế được với hoạt động thương mại điện tử.
Với hoạt động thanh toán từ nhà mạng nước ngoài như Youtube, Google… cho chá nhân trong nước, Tổng cục Thuế đã có thông tin tương đối đầy đủ và hoàn toàn quản lý được.
5. Báo Thanh tra (12/1) có bài “Năm 2021 tập trung thanh tra, kiểm tra lĩnh vực chuyển nhượng vốn” cho biết: Tổng cục Thuế cho biết, năm 2021 sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế như: Chuyển giá, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn... Trên cơ sở kết luận thanh tra, kiểm tra tại từng doanh nghiệp, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn sẽ tiến hành tổng hợp, ghi lại những hành vi vi phạm chủ yếu của doanh nghiệp lớn thường gặp, nguyên nhân dẫn đến vi phạm.
“Đối với những hành vi người nộp thuế cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ phổ biến kinh nghiệm trong toàn cán bộ cán bộ công chức để lưu ý khi triển khai thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp” - ông Nguyễn Bằng Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Bằng Thắng, với những hành vi vi phạm hành chính về thuế, do chính sách thuế chưa rõ ràng vì có nhiều cách hiểu khác nhau, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn sẽ tổng hợp lại, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
III. Vấn đề về hải quan
6. Báo Pháp luật Việt Nam (13/1) có tin “Thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2021: Tổng cục Hải quan phê duyệt lịch công bố thông tin” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa phê duyệt Lịch công bố Thông tin thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cả năm2021.
Việc thực hiện công bố thông tin thống kê theo Lịch Công bố thông tin thống kê đảm bảo tính công khai, minh bạch, chính xác về thời điểm, cách thức công bố thông tin thống kê; đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân đối với các thông tin tổng hợp…
IV. Vấn đề về chứng khoán
7. Báo Đầu tư (13/1) có bài “Tìm nguồn tiền mới qua phát hành cổ phiếu” cho biết: Đang xuất hiện một làn sóng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hay phát hành riêng lẻ cho cổ đông/nhà đầu tư mới. Cuối tuần qua, có tới 2 doanh nghiệp niêm yết là Công ty CP Tập đoàn An Phát và Công ty CP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai cùng tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường với nội dung lớn được trình là hoạt động phát hành cổ phiếu. Giá trị huy động dự kiến của mỗi doanh nghiệp lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và đều là nguồn tiền mới từ cổ đông, thay vì sử dụng chính nguồn vốn chủ sở hữu, chia tách cổ phiếu.
Một con số đáng mừng đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra trong buổi khai trương phiên giao dịch đầu năm. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2020 đã vọt lên tương đượng 84% GDP. Tuy nhiên xu hướng tăng này chỉ phản ánh việc có ngày càng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp quy mô vốn lớn lên sàn và sự lớn mạnh của thị trường thứ cấp khi các cổ phiếu đang được trả giá cao. Còn xét về chức năng của thị trường chứng khoán, hoạt động huy động vốn lại khá trầm và chỉ mới ấm lên vài tháng cuối năm 2020.
V. Vấn đề về quản lý công sản
8. Báo Đầu tư (13/1) có bài “Vinafood 2 cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, lập dự án khống vay ngàn tỉ. Bài 1: Làm trái mọi chỉ đạo, thất thoát gần 2.000 tỉ đồng” cho biết: Báo cáo kết luận thanh tra số 2099/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, Vinafood 2 đã cố ý làm trái tất cả chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình sắp xếp lại nhà đất rồi bán đứt khu đất vàng công sản hơn 6.200 m2 tại 4 cơ sở ở TPHCM cho tư nhân với giá rẻ.
Theo TTCP, ngày 7/11/2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng với nội dung “Đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính yêu cầu Vinafood 2 lập phương án tổng thể việc di dời các hộ gia đình đáng sống tại các cơ sở nhà đất này, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định”. Nhưng Vinafood 2 không lập phương án tổng thể việc di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng mà lại lập phương án với nội dung khác.
Được nhà nước giao hơn 6.200 m2 “đất vàng” tại trung tâp TPHCM, Vinafood 2 thuộc Bộ NN&PTNN đã hợp tác lòng vòng với công ty tư nhân để “hô biến” đất công thành đất tư. Thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình để làm rõ phản ánh của báo chí về sai phạm tại Vinafood 2, mới đây TTCP kết luận, Vinafood 2 đã cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, lập dự án khống để vay hơn 6.300 tỉ đồng.
VI. Vấn đề về đầu tư công
9. Báo Công Thương (14/1) có bài “Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Làm rõ khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019” cho biết: Trình bày tại phiên họp của UBTVQH chiều 11/1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 định nghĩa vốn đầu tư công gồm “vốn NSNN; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Trên cơ sở Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Quản lý nợ công năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được ban hành và có hiệu lực từ ngày 25/5/2020. Tuy nhiên, nội dung quy định tại Luật cũng như các Nghị định nêu trên chưa xác định rõ thẩm quyền, quy trình, thủ tục đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho DNNN vay lại 100%.
Bộ Tài chính cho rằng, cần có quy trình quản lý nguồn vốn này chặt chẽ, tương tự như nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, Bộ Tài chính thống nhất áp dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công và Nghị định số 56/2020/NĐ-CP.
Theo tờ trình của Chính phủ, các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho vay lại 100% phần lớn là các dự án đầu tư lớn và do DNNN làm chủ dự án. Xét về bản chất, nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi do Chính phủ đứng ra ký Hiệp định vay với phía nhà tài trợ nước ngoài và là nợ của Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017.
Từ những ý kiến nêu trên, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét ban hành nghị quyết giải thích khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 có bao gồm vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho DN vay lại 100% để sớm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019. Theo các cơ quan thẩm tra, vướng mắc là do hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư với các dự án sử dụng “vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho DN vay lại 100%” chưa cụ thể. Vì thế, không cần thiết phải ban hành Nghị quyết giải thích lại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công.
Quan điểm này được đa số các thành viên UBTVQH đồng tình và thống nhất kết luận, khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 đã rõ, không cần giải thích thêm. Chính phủ cần rà soát các quy định của Luật Quản lý nợ công và các Luật liên quan để thực hiện việc quản lý các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho DN vay lại 100%.
10. Báo Người lao động (13/1) có bài “Nguy cơ đóng cửa hầm Hải Vân 2: Chủ đầu tư ra yêu sách?” cho biết: Sau gần 4 năm thi công, ngày 11/1, công trình hầm đường bộ Hải Vân 2 chính thức đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, ngay tại buổi lễ khánh thành tổ chức ở Đà Nẵng, đại diện chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) tuyên bố sẽ đóng cửa công trình này. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đưa ra những vướng mắc đó là phần vốn ngân sách nhà nước cam kết đóng góp vẫn còn 1.180 tỉ đồng chưa được giải ngân. Ngoài ra, việc hoàn thuế GTGT gặp khó khăn vì cơ chế, phương án thực hiện chưa thống nhất, gây thiệt hại cho nhà đầu tư 200 tỉ đồng.
Theo dự kiến, chủ đầu tư tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2 đến hết ngày 21/2. Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 tạm dừng vận hành, chờ cơ quan nhà nước có chức năng giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư.
Trong thời gian tạm đóng cửa, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra các kiến nghị: Bổ sung 1.180 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án từ nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định thời gian giải ngân cụ thể để làm cơ sở điều chỉnh phương án tài chính; tiếp tục thực hiện việc thu phí tại trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận tại Văn bản số 70/TTg-KTN ngày 12-1-2016 của Thủ tướng.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính giải quyết cho doanh nghiệp dự án được hoàn thuế GTGT sau ngày đưa dự án vào thu phí đối với các hóa đơn đầu vào của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, hoặc bổ sung kinh phí bù đắp 200 tỉ đồng như ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.
VII. Vấn đề về DNNN
11. Báo Tiền Phong (13/1) có bài “Đường sắt tái cơ cấu, mò hướng đi” cho biết: Trong 20 năm qua, khi Việt Nam bước vào kinh tế thị trường, ngành đường sắt mất dần vị thế, nên liên tục tái cơ cấu, sắp xếp lại mò tìm hướng phát triển. Tuy nhiên, đường sắt vẫn khó khăn, thị phần ngày một giảm và trong cảnh phải chuẩn bị tái cơ cấu lần nữa nếu không muốn tiếp tục rơi vào khủng hoảng.
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, đề án tái cơ cấu VNR đã được trình các bộ, ngành cách đây 41 tháng, nhưng vẫn phải chờ Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Do đó, ngành đường sắt đã xin Chính phủ cho thực hiện 1 số nội dung cấp bách tái cơ cấu ngay trong năm 2021. Trọng tâm là sắp xếp lại đơn vị vận tải (hợp nhất 2 Cty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn - PV), thu gọn đơn vị phụ thuộc. Từ đó giảm chi phí để giảm giá thành, khai thác hiệu quả nhất nguồn lực và tài sản hiện có.
VIII. Vấn đề khác
12. Báo điện tử Đảng cộng sản (12/1) có bài “Ngành Tài chính nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính” cho biết: Triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ, trong năm qua, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, giúp người dân và doanh nghiệp, tổ chức thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Hữu Nghĩa
Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính
Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
18 thg 6 2025 - 09:38:00Triển khai điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19
13 thg 6 2025 - 08:04:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
09 thg 6 2025 - 10:17:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
28 thg 3 2025 - 07:39:00Bồi dưỡng Kế toán trưởng hành chính sự nghiệp năm 2025
17 thg 3 2025 - 07:46:00Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá tài sản nhà nước
17 thg 3 2025 - 07:39:00Thay đổi địa chỉ Phường 1 (mới), phường Mỹ Ngãi (mới) do sắp xếp đơn vị hành chính
06 thg 1 2025 - 08:39:00