Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 18/01/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 18/01/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

Báo Đầu tư (18/1) có bài “Trái phiếu doanh nghiệp: Bom nợ hiển hiện. Bài 1: Cỗ máy “3 không” hút tiền khủng cho doanh nghiệp”; Công an nhân dân (18/1) có bài “Trái phiếu doanh nghiệp hút hơn 400 nghìn tỷ đồng: Hãy cẩn trọng!” đề cập đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Báo Đầu tư cho biết: Năm 2020, cơn sốt trái phiếu doanh nghiệp đã lan từ nhà băng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư,… đến từng gia đình. Nhà nhà, người người đổ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp để hưởng lãi suất cao. Theo báo cáo của HNX, luỹ kế 11 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị phát hành đạt 392.527 tỷ đồng, tăng gần 65% so với cả năm 2019. Nói cách khác, bằng cách phát hành trái phiếu ra thị trường, doanh nghiệp đã hút về lượng vốn vay gần 400.000 tỷ đồng (phát hành riêng lẻ chiếm 88%).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 16% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường. Song nhiều chuyên gia cho rằng, con số thực tế cao hơn rất nhiều, bởi lượng trái phiếu trao tay trên thị trường thứ cấp rất lớn.

Theo bài báo, cơn sốt đầu tư trái phiếu cùng sự dễ dãi của cơ quan quản lý khiến thị trường thời gian qua ngập tràn trái phiếu doanh nghiệp “3 không”: không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo; không bảo lãnh thanh toán. Năm 2019, Bộ Tài chính cho biết có ít nhất 17 doanh nghiệp phát hành trái phiếu vượt 50-100 lần vốn chủ sở hữu. Năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp kém tên tuổi, làm ăn thua lỗ vẫn có thể huy động hàng trăm tỷ đồng từ người dân thông qua trái phiếu doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh thị trường trầm lắng như 2020, doanh nghiệp bất động sản ồ ạt huy động vốn qua phát hành trái phiếu là khó hiểu, không loại trừ khả năng phát hành trái phiếu để đảo nợ ngân hàng hoặc trả nợ cho trái phiếu cũ.

Cảnh báo nguy cơ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có thể bị vỡ trận như đang diễn ra tại Trung Quốc, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Bộ Tài chính cần thường xuyên rà soát sức khoẻ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để phát hiện doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn vỡ nợ hàng loạt. Bởi nếu vỡ nợ xảy ra, dù chỉ ở một doanh nghiệp, uy tín của trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị tổn hại và thanh khoản thị trường sẽ mất rất nhanh.

Còn báo Công an nhân dân thì cho rằng, Quý IV/2020, lượng trái phiếu đã có vẻ bớt nóng sau khi Bộ Tài chính liên tục đưa ra khuyến cáo và nhất là khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đã thắt chặt các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, lượng phát hành tháng 12 lại cao gấp 4,2 lần tháng trước. Nhiều chuyên gia nhận định, tháng 1, đặc biệt là sau Tết âm lịch, nguồn tiền nhàn rỗi có nhiều hơn, khả năng dòng tiền lại chảy vào trái phiếu doanh nghiệp. Điều đáng nói là sức hút của trái phiếu doanh nghiệp không đến từ chất lượng kinh doanh mà đến từ lãi suất được doanh nghiệp đưa ra.

Một vấn đề khác đang gây nhiều nghi ngại là khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường là các nhà băng, với lượng trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng nắm giữ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Theo các chuyên gia tài chính, việc ngân hàng đa dạng hoá danh mục trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó không phải xấu nhưng việc ngân hàng tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh việc hạn chế sức nóng của thị trường này với nhà đầu tư riêng lẻ, cần siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng để bảo vệ nhà đầu tư, ngân hàng, doanh nghiệp.

Vấn đề này, đề nghị Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ đồng thời chủ động nghiên cứu đưa ra những thông tin khuyến cáo kịp thời đối với nhà đầu tư.

2

Bản tin Thời sự 19h00 – VTV1 (16/1) phát phóng sự “Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả” cho biết: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã mang lại nhiều trái ngọt. Đến nay đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 6 đơn vị hành chính cấp huyện, trên 500 đơn vị hành chính cấp xã đã giảm so với trước. Cùng với đó là hơn nửa triệu người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách đã được tinh giản, góp phần giảm chi dành cho phát triển.

Ghi nhận tại Bộ Tài chính: Giữa năm ngoái, chi Cục Thuế huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên đã sáp nhập thành một, lấy tên gọi là Chi cục thuế khu vực Đồng Hỷ - Võ Nhai. Sau sáp nhập đã giảm từ 2 chi Cục trưởng xuống còn 1. Đội thuế cũng giảm từ 11 xuống còn 5. Sau sáp nhập, dù có thay đổi về bộ máy con người, nhưng mọi hoạt động vẫn đảm bảo.

Thuế chỉ là một lĩnh vực tiêu biểu ngành Tài chính thực hiện tinh giảm. Chỉ riêng trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cắt giảm 276 đầu mối. Đơn cử như: Tổng cục Thuế giảm được 85 chi cục thuế, 185 tổ/đội thuế; Kho bạc Nhà nước giảm, sáp nhập 06 Kho bạc Nhà nước cấp huyện với  Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

  Tính từ tháng 6/2017 đến nay, Bộ đã rà soát, sắp xếp bộ máy, cắt giảm được trên 4.300 đầu mối hành chính và giảm 8,7% chỉ tiêu biên chế công chức hành chính cùng 09 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp cơ bản diễn ra thuận lợi vì cách làm hiệu quả, sáng tạo. 

  Ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tổ chức triển khai chương trình hành động, thực hiện các nghị quyết Hội nghị trung ương 6, Nghị quyết 56 của Quốc hội qua kết quả kiểm tra công vụ thì các địa phương làm rất khẩn trương, các bộ ngành cũng tích cực sắp xếp tinh giảm theo tinh thần giảm đầu mối và kết hợp tinh giảm biên chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền”.

     Tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Tài chính giúp giảm chi thường xuyên hàng năm lên tới cả trăm tỷ. Nhưng điều được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao hơn cả chính là giảm các tầng nấc trung gian, thanh lọc bộ máy, gắn cải cách bộ máy với cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành Tài chính.

II. Vấn đề về thuế

3. Báo Tiền phong (18/1) có bài “Thu thuế thương mại điện tử: sẽ chuyển sang điều tra, khởi tố nếu trốn nộp” cho biết: Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% tổng số kênh chịu sự quản lý từ các công ty mạng của Youtube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, việc thu và truy thu thuế TNCN đối với những nguồn thu nhập đến từ hoạt động thương mại điện tử, trong đó có YouTube không phải bây giờ mới triển khai mà đã được ngành thuế triển khai nhiều năm nay, số thu ngày càng tăng qua các năm, nhiều nhất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trước đây, các cá nhân nhận được thu nhập từ những hoạt động trên các nền tảng này sẽ tự kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, từ 5/12/2020, Nghị định 126 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực đã thêm quy định mới về trách nhiệm của công ty đối tác trong nước của Google, Facebook... có mặt tại Việt Nam thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thay thuế cho cá nhân trong nước. Riêng trường hợp các cá nhân trong nước nhận tiền trực tiếp từ Google, Facebook... thì cá nhân tự khai và nộp thuế.

Theo bà Lan, các đơn vị như Google, Facebook... thường sẽ trả tiền qua các công ty đối tác tại Việt Nam và cơ quan thuế sẽ làm việc với các công ty này thay vì làm trực tiếp với từng cá nhân như trước đây, do đó, kỳ vọng giải pháp này sẽ tăng hiệu quả thu trong thời gian tới.

Do Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12/2020 nên kỳ khai thuế tháng sẽ diễn ra vào ngày 20/1/2021, còn nếu của cả năm 2020 thì phải tới kỳ 30/1/2021 mới quyết toán thuế và có thống kê cụ thể. Đến thời điểm này, cơ quan thuế cũng chưa nắm được các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook... có bao nhiêu đối tác tại Việt Nam.

Bình luận về trường hợp những người kinh doanh từ Youtube có thu nhập “khủng” tại Việt Nam từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng/năm theo ước tính của trang SocialBlade (chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới), bà Lan cho rằng: Chắc chắn các cục thuế lớn như Hà Nội, TPHCM sẽ rà soát và đảm bảo thu thuế đầy đủ.

Phía Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, các trường hợp cố tình không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế sẽ bị thanh, kiểm tra và xử phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định. Thậm chí, ngành thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố. Ngành thuế cũng khẳng định sẽ rà soát, điểm danh không để sót người có doanh thu lớn từ youtube lẩn tránh, cố tình trốn nộp thuế.

4. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (14/1) có bài “Thu thuế kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số: Vấn đề pháp lý hay vấn đề công nghệ?”  cho biết: Bài viết tập trung vào vấn đề nộp thuế của các tổ chức không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số và thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp (các đối tượng này sẽ được gọi là ‘nhà thầu nước ngoài công nghệ’ để phân biệt với ‘nhà thầu nước ngoài’ là các nhà thầu nước ngoài nộp thuế theo phương pháp trực tiếp nói chung).

Luật Quản lý thuế 2019 đã chuyển trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam cho các nhà thầu nước ngoài công nghệ. Vấn đề đặt ra là kể cả khi có quy định chi tiết về cách thức đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế, làm thế nào để các cơ quan thuế có thể kiểm chứng số thu nhập do nhà thầu nước ngoài công nghệ kê khai, trong khi chưa có cơ chế xác minh doanh thu thực tế của các nhà thầu nước ngoài công nghệ.

Muốn bảo đảm thu đủ và đúng số thuế phải nộp, trước tiên Chính phủ Việt Nam phải có cơ chế kiểm chứng doanh thu của các nhà thầu nước ngoài công nghệ, phòng trường hợp nhà thầu nước ngoài công nghệ không kê khai đầy đủ doanh thu thì Chính phủ Việt Nam có cơ sở để xử lý. Nhiều quốc gia khác đã ban hành các quy định về việc thu thuế doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình này nhưng vấn đề then chốt được đặt ra vẫn là tính khả thi của pháp luật. Việc xác định thu nhập của các công ty có mô hình kinh doanh toàn cầu dựa trên nền tảng kỹ thuật số tại một quốc gia riêng rẽ là rất khó khăn trong thực tế.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, việc thu thuế nhà thầu đối với nhà thầu nước ngoài công nghệ tại Việt Nam, dù có áp dụng cơ chế mới theo Luật Quản lý thuế 2019, cũng sẽ rất khó khăn trong thực tế và tùy thuộc vào sự trung thực trong việc kê khai doanh thu của các nhà thầu nước ngoài công nghệ. Pháp luật có quy định nhưng tính khả thi của quy định thì phải trông chờ cho đến khi Nghị định 126 được triển khai trên thực tế mới có thể xác định. Trong khi đó, việc trông chờ vào một giải pháp toàn cầu cho vấn đề này hiện còn khá xa vời.

5. Báo Đầu tư (18/1) có tin “Công ty mẹ phải thu lợi nhuận sau thuế tại công ty” cho biết: Theo hướng dẫn về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ để quản lý, sử dụng các loại tài sản của doanh nghiệp. Đối với công ty con là công ty TNHH MTV do công ty mẹ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hàng năm, công ty mẹ có trách nhiệm phê duyệt báo cáo tài chính và quyết định việc phân phối, sử dụng lợi nhuận sau thuế, thu lợi nhuận sau thuế tại các công ty con theo quy chế tài chính đã được ban hành.

6. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (14/1) có bài “Đã thương thì thương cho trót” cho biết: Cuối tháng 12/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 112/20202/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19. Trong đó, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch được giảm một nửa.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, du lịch là ngành bị đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp và nặng nề nhất. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch vẫn chưa đáp ứng đầy đủ hoặc không kịp thời. Chẳng hạn việc giảm 50% phí cấp giấy phép lữ hành nội địa, quốc tế và phí thẩm định thẻ hướng dẫn viên du lịch nêu trên không đem đến tác dụng hỗ trợ là bao nhiêu vì các loại phí này thấp nhất chỉ 200.000 đồng, cao nhất là 3 triệu đồng. Những ưu đãi chung khác về thuế mà doanh nghiệp du lịch cũng có thể được hưởng như chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho công ty có doanh thu năm 2020 tối đa 200 tỉ đồng cũng không giúp ích được là bao vì nhiều công ty gần như không bán được hàng nên ít phát sinh thuế.

Vậy điều mà doanh nghiệp ngành lữ hành, khách sạn cần trong bối cảnh khó khăn này là gì? Đó là cần được vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp để trả lương nhân viên, sửa chữa cải tạo cơ sở vật chất để chuẩn bị cho việc đón khách sau này.

7. Diễn đàn doanh nghiệp (15/1) có bài “Tập trung kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro cao” cho biết: Để chống thất thu ngân sách năm 2021, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, xây dựng và triển khai nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tập trung vào những doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực rủi ro cao.

8. Pháp luật Việt Nam (18/1) có tin “Cục Thuế Hà Nội: Lưu ý khi quyết toán thuế TNCN, thu nhập DN” cho biết: Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành thì các cá nhân, tổ chức, DN, NNT phải thực hiện quyết toán thuế TNDN, TNCN theo quy định. Cục Thuế TP vừa tổng hợp một số lưu ý tới DN, NNT một số nội dung khi thực hiện quyết toán thuế TNCN, TNDN năm 2020. Theo đó khi quyết toán thuế TNCN đối với tổ chức, DN, NNT trả thu nhập, thời hạn nhận cơ quan thuế nhận hồ sơ là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (ngày 31/3/2021); Đối với cá nhân trực tiếp QTT với cơ quan thuế, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Đối với cá nhân có số thuế đề nghị hoàn thì có thể nộp bất kỳ thời điểm nào mà không bị cử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi chậm nộp hồ sơ.

9. zingnews.vn (16/1) có bài “Một cá nhân kinh doanh online ở Hà Nội nộp thuế 23 tỷ đồng” cho biết: Theo lãnh đạo Tổng Cục thuế, năm 2020 ước thu thuế được từ hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân (Facebook, YouTube, Google…) là khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Căn cứ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế và cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế, tổng số thu năm 2019 và năm 2020 đối với các cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử (Google, Facebook, YouTube), Cục Thuế TP. Hà Nội thu được 148 tỷ đồng.  "Cá biệt có ba cá nhân nộp thuế trên 7 tỷ đồng (cao nhất 23 tỷ đồng) với doanh thu tương ứng với số thuế đã nộp là hơn 100 tỷ đồng. Các cá nhân thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế tại các Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, khu vực nơi cá nhân thường trú, tạm trú", lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay.

Đối với các thông tin của người nộp thuế, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, không được tiết lộ.

10. Báo Sài Gòn giải phóng (16/1) có tin “Năm 2020: Thu thuế doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhẹ”; Thanh niên (16/1) có tin “Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân tăng 23%” cho biết: Chiều 15/1, Cục Thuế TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng tổng thu trên địa bàn TPHCM đạt hơn 266.000 tỷ đồng, đạt 91,6% dự toán năm, giảm 4,7% so với năm trước. Trong số thu nội địa (trừ dầu), thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm nhẹ, đạt 155.266 tỷ đồng, đạt 85,6% dự toán, giảm 1,4%; số thu từ khu vực kinh tế nhà nước đạt 24.100 tỷ đồng, giảm 5,8%; thu từ doanh nghiệp FDI đạt 63.350 tỷ đồng, giảm 2,7%; thu từ doanh nghiệp tư nhân đạt 67.770 tỷ đồng, tăng 1,5%.

Trong năm 2020 đã giải quyết 22.125 hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tăng 23% so với cùng kỳ, với số thuế hoàn là 149 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong năm 2020, số thu thuế TNCN trên địa bàn thành phố đạt 40.602 tỉ đồng, bằng 88,07% dự toán và tăng hơn 1.862 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

- Cũng liên quan đến hội nghị, Báo Thanh niên (16/1) có tin “Xây dựng mô hình Chi cục Thuế TP.Thủ Đức” cho biết: Tại Hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Cục Thuế TPHCM triển khai ngay các đề án sáp nhập và thành lập Chi cục Thuế TP.Thủ Đức theo đúng tiến độ quy định tại Quyết định 4764 và Quyết định 5081 của UBND TPHCM, làm tốt công tác cán bộ, ổn định tư tưởng công chức để bộ máy Chi cục Thuế TP.Thủ Đức đi vào hoạt động thông suốt, không gây ách tắc, phiền hà cho người dân.

III. Vấn đề về công sản

11. Báo Đầu tư (18/1) với chuyên đề VinaFood 2 cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, lập dự án khống vay nghìn tỷ”, bài 3: Thu hồi đất công, nhiều tổ chức, cá nhân… “ngồi trên lửa” phản ánh: Được Nhà nước giao hơn 6.200 m2 đất vàng tại trung tâm Tp.HCM, Tổng công ty Lương thực miền Nam (VinaFood 2, thuộc Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thông) đã hợp tác lòng vòng với công ty tư nhân để “hô biến” đất công thành đất tư. Thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình để làm rõ phản ánh của báo chí về sai phạm tại VinaFood 2, mới đây, Thanh tra Chính phủ kết luận, VinaFood 2 đã cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, lập dự án khống để vay hơn 6.300 tỷ đồng.

Với kết quả thanh tra xác minh sai phạm, Thanh tra Chính phủ đưa ra nhiều kiến nghị xử lý nghiêm minh. Trong đó, đề nghị hủy Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa VinaFood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn, thu hồi hơn 6.200 m2 đất công, khiến nhiều tổ chức và cá nhân liên quan như đang… ngồi trên lửa.

12. Thời báo ngân hàng (18/1) có bài “Tài sản ‘công’ vẫn chờ pháp lý mới” cho biết: Dự thảo nghị định bổ sung, thay thế Nghị định 167/2017 (về việc sắp xếp lại và xử lý tài sản công) đã hết thời hạn lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, do chồng chéo nhiều văn bản pháp luật liên quan, văn bản này vẫn chưa được ban hành để xử lý dứt điểm những vướng mắc tại hàng nghìn dự án.

Ghi nhận từ cộng đồng DN cho thấy, điểm mới nổi bật trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 167/2017 là Bộ Tài chính đã sửa đổi một số nội dung trước đây được quy định ở Điều 28. Theo đó, cho phép các bộ, ngành, địa phương được chủ động hơn trong việc đề xuất và trình Chính phủ các phương án xử lý, sắp xếp lại đối với từng tài sản công trong các dự án cụ thể.

Tuy nhiên, cũng theo các DN bất động sản, mặc dù đã tạo ra “lối thoát” đối với việc xử lý các tài sản công nằm trong các dự án hạ tầng, nhưng dự thảo nghị định mới vẫn chưa bao quát được tất cả những trường hợp cần cởi mở về mặt pháp lý đầu tư. Chẳng hạn, mặc dù Điều 28 Nghị định 167 đã được sửa đổi, bổ sung ngay ở Điều 1 dự thảo nghị định mới, nhưng việc bàn giao các quỹ đất công cho chính quyền địa phương vẫn chỉ được áp dụng cho các dự án nhà ở xã hội. Điều này có nghĩa là các quỹ đất khác như quỹ đất dành cho giao thông, dành cho các công trình y tế, giáo dục, thậm chí những quỹ đất chung trong phạm vi các dự án chung thuộc diện cải tạo, xây dựng lại (theo Nghị định 101/2015), như: Hành lang, cầu thang, diện tích ngoài ranh đế nhà chung cư… đều sẽ gặp lúng túng khi xử lý.

Bên cạnh đó, việc dự thảo nghị định mới vẫn quy định khá chặt chẽ đối với việc bán các tài sản trên đất khi quỹ đất có các cấu phần liên quan đến đất công cũng sẽ khiến chủ đầu tư các dự án gặp khó khăn và người mua nhà, đất bị chậm trễ trong các khâu hoàn thiện pháp lý sở hữu tài sản khi đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.

IV. Vấn đề về KBNN

13. Bản tin Thời sự 19h00 - VTV1 (16/1) phát phóng sự “Hiện đại hóa quản lý quỹ ngân sách nhà nước” cho biết: Một năm trước, Chính phủ ban hành Nghị định 11 trong đó đặt mục tiêu hết năm 2020 thì triển khai DVCTT mức độ 4 tại tất cả các đơn vị có sử dụng NSNN và có giao dịch với các đơn vị KBNN trên toàn quốc. Thực hiện Nghị định này, hệ thống KBNN đã có bước tiến lớn về hiện đại hóa, về ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý quỹ NSNN. Nhờ đó mà đến thời điểm này, cán bộ kế toán của các đơn vị sử dụng NSNN chỉ việc ngồi tại cơ quan thực hiện giao dịch trên cổng DVCTT và tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia.

Đến nay, hệ thống KBNN đã tích hợp 7 TTHC lên Cổng DVC Quốc gia, vượt 47,8% kế hoạch Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách; với 98% giao dịch chi đi qua giao dịch DVCTT.

V. Vấn đề khác

14. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song buôn lậu xăng dầu trên tuyến biển của Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Theo nhận định của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng xăng dầu trên biển có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm. Lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu tại các nước trong khu vực và thế giới, một số đối tượng, ngư dân hành nghề đánh cá trên biển đã biến các tàu, hầm chứa cá, nước đá… thành các khoang chứa xăng dầu với số lượng lớn nhằm trục lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã mở đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển trước, trong và sau Tết Nguyên đán, từ ngày 1/12/2020 đến 17/1/2021 đã kiểm tra, bắt giữ 16 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng xăng dầu và các hàng hóa khác trên biển.  Trước đó, trong năm 2020, Cảnh sát biển đã bắt, xử lý 58 vụ với 76 phương tiện, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và ước tính giá trị tang vật tịch thu hơn 300 tỷ đồng, trong đó thu gần 7 triệu lít dầu DO, gần 1,9 triệu lít xăng.

15. Pháp luật (16/1) có tin “Công ty chứng khoán không được đầu tư bất động sản” cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, trong đó nêu rõ về hạn chế vay nợ, hạn chế cho vay và hạn chế đầu tư… của công ty chứng khoán. Theo đó, tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá 5 lần. Công ty chứng khoán không được đầu tư vào bất động sản trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở… Tuy nhiên, tài sản cố định theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định và bất động sản không được vượt quá 50% giá trị tổng tài sản của công ty.

16. Báo Sài Gòn giải phóng (17/1) có tin “Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng đạt 6%-6,5%” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 195/NQ-CP về việc triẻn khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 mà Chính phủ đã đề ra, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đật 6%-6,5%.

 

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00