Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 20/01/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 20/01/2021

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Đầu tư (20/1) có bài “Chỉ cần công chức thay đổi, doanh nghiệp sẽ đỡ khổ” cho biết: Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), các vấn đề của ngành thuế lại có mặt.

Ban IV từng đánh giá cao về những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong ngành thuế. Nhưng các phát sinh thực tiễn đang khiến mong muốn của doanh nghiệp với ngành thuế nặng hơn. Các doanh nghiệp đã gửi 2 vấn đề chính tới ngành thuế, đề nghị tiếp tục cải cách. Một là tính ổn định và mức độ hỗ trợ doanh nghiệp khi sử dụng Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ vẫn thường xuyên gặp trường hợp lỗi hệ thống khi thực hiện khai hồ sơ thuế và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đặc biệt là trong thời điểm cuối tháng hoặc cuối kỳ quyết toán thuế. Hai là việc thực hiện các thủ tục về thuế giữa các địa phương chưa có sự thống nhất, mỗi tỉnh đề ra những quy định khác nhau, khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc khi thực hiện cùng một thủ tục, làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục do phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.

Không chỉ có cơ quan thuế xuất hiện trong báo cáo của Ban IV. Những tồn tại trong công tác hải quan, kiểm tra chuyên ngành, các vướng mắc, chồng chéo trong các quy định về đầu tư, đất đai, môi trường tiếp tục được gửi đến Thủ tướng.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV dẫn câu chuyện Cục thuế tỉnh Bình Định, cho biết, đây là cục thuế không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong năm 2020. Tuy nhiên, số thu của Cục Thuế Bình Định năm 2020 cao hơn năm 2019, về đích trước 1 tháng. Bà Thủy cho rằng, nhận thức và hành động đã chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Giả thiết là các doanh nghiệp có vướng mắc trên hoạt động tại Bình Định trong năm vừa rồi, thì những lý do chi phí nhiều quá, vay nhiều quá khó có thể xuất hiện. “Khi các công chức thuế nhắc doanh nghiệp thời gian nộp tờ khai thuế để tránh bị phạt hành chính, thì tôi tin, doanh nghiệp sẽ tập trung trung vào sản xuất, kinh doanh, tự giác tuân thủ pháp luật thay vì… lách luật”, bà Thủy nói.

2. Báo Đầu tư (20/1) đưa tin “Doanh nghiệp chi chống Covid-19 được trừ thuế” cho biết: Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ coi khoản doanh nghiệp đóng góp cho hoạt động chống Covid-19 là chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận tài trợ.

3. Báo Công lý (20/1) có bài “Tiếp tục giảm 50-100% với 29 loại phí, lệ phí cho toàn dân” cho biết: Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và có tác động tiêu cực đến nhiều mặt của nền kinh tế, xã hội. Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh mức thu 29 khoản phí, lệ phí với thời hạn giảm kéo dài hết ngày 31/12/2020 với mức giảm từ 50-100%. Tại bài viết, tác giả đã dẫn lại chi tiết 29 khoản phí, lệ phí trên.

4. Báo Thanh tra (19/1) có bài “Lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020” cho biết: Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Bài báo điểm qua một số điểm mới cần lưu ý khi quyết toán thuế người nộp thuế cần biết và thực hiện.

5. Báo Công Thương (21/1) có tin “Thêm 1 tháng thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 được kéo dài thêm 1 tháng so với mọi năm, do đó nhiều người nộp thuế có thể được hoàn thuế, khi tính lại số thuế phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới.

6. Báo Tiền phong (20/1) có tin “Khởi tố Tổng giám đốc trốn hơn 1,2 tỷ tiền thuế” đưa tin: Ngày 19/1, nguồn tin của PV cho biết, Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với Đỗ Mạnh Luyn, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai (địa chỉ ở TP Pleiku, Gia Lai) để điều tra hành vi trốn thuế. Theo Công an tỉnh Gia Lai, năm 2018, khi bán tài sản được hình thành từ vốn vay, công ty này đã không xuất hoá đơn giá trị gia tăng, không kê khai doanh thu, dẫn đến trốn số thuế thu nhập doanh nghiệp lẽ ra phải nộp theo quy định là hơn 1,2 tỷ đồng. Công an tỉnh Gia Lai đang mở rộng điều tra vụ án.

II. Vấn đề về hải quan

7. Báo Công Thương (21/1) có bài “Triển khai cơ chế một cửa quốc gia: Thay đổi cơ bản phương thức kiểm tra chuyên ngành” cho biết: Tính đến ngày 31/12/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 207 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai, với xấp xỉ 3,55 triệu hồ sơ của hơn 43.800 DN. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, Cơ chế một cửa quốc gia đã làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Nhờ triển khai tốt Cơ chế một cửa quốc gia, ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2020, DN đã tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.

8. Báo Pháp luật Việt Nam (20/1) có bài “Xây dựng ngành Hải quan hiện đại, số hóa trước năm 2025” cho biết: Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, năm 2020 là năm kinh tế thế giới và trong nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của thiên tai, lũ lụt và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực thực hiện và hoàn thành mục tiêu kép về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2020 ngành Hải quan đã nỗ lực, bám sát các yêu cầu để hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược hiện đại hóa hải quan Việt Nam (2011-2020) theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả đạt được đã góp phần đưa hải quan đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý. Điểm đáng ghi nhận là hiện nay thủ tục hải quan đã được thực hiện bằng phương thức điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS tiên tiến hàng đầu thế giới tại 100% các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, với 100% các loại hình hải quan cơ bản. Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút ngắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó giúp giảm thiếu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Về công tác trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, năm 2021, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, gắn với thực hiện Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan…

9. Sài Gòn giải phóng (20/1) có tin “DN tiết kiệm hơn 200 triệu USD nhờ hải quan điện tử” cho biết: Ngày 19/1, Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn cho biết: So với công bố của WB năm 2017 thì thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của VN năm 2020 đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ; đối với hàng hóa NK giảm 6 giờ; chi phí thông quan trực tiếp tại của khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai trong năm 2020, các DN đã tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan. Trong năm 2020, 99,56% DN thực hiện TTHQĐT, chiếm 99,32% tổng kim ngạch XNK và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước.

10. Đại đoàn kết (20/1) có bài “Cá tầm nhập ngoại lấn lướt cá tầm trong nước” cho biết: Ngày 16/1, Văn Phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 378/VPCP-KHTH nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Gần đây báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Namm, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ… tạo ra sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

11. Đại đoàn kết (20/1) có tin “Lạng Sơn: Thực hiện khai báo thông tin trước khi hàng đến cửa khẩu” thông tin: Kể từ 0h ngày 20/1/2021, Hải quan Lạng Sơn yêu cầu chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải thông báo cho cơ quan hải quan thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp hệ thống thông tin chưa hỗ trợ thì nộp 1 bản chính Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu cho chi cục hải quan cửa khẩu. Cơ quan hải quan giải quyết ngay thủ tục cho phương tiện vận tải, hàng hóa đưa vào khu vực cửa khẩu đã có đầy đủ các thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu.

III. Vấn đề về đầu tư công

12. Báo Lao động (20/1) có bài “Hiệu quả đầu tư công: Động lực dẫn dắt tăng trưởng xuyên suốt 35 năm Đổi mới” và bài “Đầu tư công năm 2021: Phải chú trọng tính hiệu quả”, các bài viết cho biết: Sau gần 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), quy mô vốn đầu tư toàn xã hội không chỉ tăng nhanh mà cơ cấu đầu tư công cũng có sự dịch chuyển theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường. Đặc biệt trong năm cuối của giai đoạn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng vốn đầu tư công ghi nhận mức tăng cao kỷ lục trong suốt 1 thập kỷ qua nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Dữ liệu được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, chỉ tính hết tháng 11.2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng ước đạt 54,5 nghìn tỉ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư công đạt 406,8 nghìn tỉ đồng, tăng tới 34% so với cùng kỳ năm. Nhờ kết quả này, tốc độ tăng vốn đầu tư công trong tháng 11 và 11 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Nhờ hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua rất đáng ghi nhận. Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 thúc đẩy phát triển kinh tế và nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Trong bài viết “Đầu tư công năm 2021: Phải chú trọng tính hiệu quả”, PGS-TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, năm 2020, đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả tích cực  hơn so với trước. Chính vì vậy, đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng năm 2021. Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý: “Thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, thiếu kiểm soát. Chúng ta chỉ nên đẩy nhanh các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và bố trí sẵn vốn thực hiện”…

IV. Vấn đề về chứng khoán

13. Sáng 19/1, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức buổi gặp gỡ phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp năm mới 2021. Nhiều báo, đài đưa tin sự kiện này như: báo điện tử VTVNews có bài “Sau Tết Nguyên đán sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch chứng khoán mới của Hàn Quốc”; Bnews - Thông tấn xã Việt Nam có bài “Sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch chứng khoán mới của Hàn Quốc sau Tết Nguyên đán”; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Đầu tư chứng khoán có bài “Không có chuyện siết dòng tiền vào chứng khoán”; Đài Tiếng nói Việt Nam có bài “Chứng khoán Việt Nam: Ưu tiên không để thị trường “ngừng nghỉ””; Vietnamplus có bài “Năm 2021: Thị trường chứng khoán chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế”; VietnamFinance có bài “Chủ tịch UBCKNN: Sau Tết Nguyên đán sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc”; Tiền phong có bài “Chứng khoán đỏ sàn, thanh khoản cao kỷ lục”; Công an nhân dân có bài “Chứng khoán đảo chiều – Tín hiệu xấu chỉ là tạm thời?”; Người lao động có bài “VN-Index giảm chưa từng có trong 20 năm”; Tuổi trẻ có tin “Chứng khoán giảm điểm kỷ lục, giao dịch vượt 1 tỉ USD”; Thanh niên có bài “VN-Index giảm mạnh, nhưng giao dịch kỷ lục”; Thời báo Ngân hàng (20/1) có bài “TTCK vượt khó tăng trưởng bền vững”, Báo Pháp luật Việt Nam (20/1) có bài “Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021: Nhiều cơ hội bứt phá”.

Tại buổi gặp gỡ, thay mặt lãnh đạo UBCKNN, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng đã cung cấp thông tin đến các phóng viên báo chí kết quả hoạt động của thị trường chứng khoán năm 2020 và một số định hướng nhiệm vụ năm 2021, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của các phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí, xuất bản trong công tác thông tin, tuyên truyền về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong thời gian qua.

Cũng tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng và đại diện các đơn vị chuyên môn của UBCKNN đã trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến thị trường chứng khoán và được nhiều báo dẫn đăng, như: Việc sau Tết Nguyên đán sẽ tiến hành test (kiểm tra) thử nghiệm hệ thống giao dịch chứng khoán mới của Hàn Quốc ( KRX) với các công ty chứng khoán, kỳ vọng hệ thống giao dịch mới này sẽ chính thức vận hành vào cuối năm 2021. Giải pháp sớm đưa hệ thống KRX vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch.

Năm 2021, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất. Việc hành lang pháp lý được chuẩn hóa góp phần phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch theo thông lệ quốc tế.

Trước thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt lại dòng tiền vào thị trường chứng khoán, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, đây là thông tin không chính xác. Các quy định hiện nay đã chặt chẽ, không có ý định siết chặt hơn từ Ngân hàng Nhà nước, thậm chí có thể nới thêm. Hiện tại, chứng khoán chỉ chiếm 0,3% tổng cho vay của hệ thống ngân hàng, đây là khoản rất nhỏ.

Một số báo đưa tin: Thị trường chứng khoán ngày 19/1 ghi nhận phiên sụt giảm kỷ lục sau nhiều ngày tăng nóng. Chỉ trong buổi sáng đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu được sang tay, trị giá hơn 20.000 tỷ đồng. VN-Index giảm gần 74 điểm, mức giảm chưa từng có trong hơn 20 năm.

V. Vấn đề về DNNN

14. Thời báo Ngân hàng (20/1) có tin “Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH” cho biết: Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của DNNN và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần, bán cổ phần lần đầu là việc các DN cổ phần hóa bán cổ phần theo các hình thức quy định tại Thông tư này để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

15. Báo Đầu tư (20/1) có bài “Thiếu hướng dẫn, thoái vốn nhà nước dậm chân tại chỗ” cho biết: Nghị định 140/2020/NĐ-CP (Nghị định 140) được kỳ vọng mang đến cơ chế chính sách gỡ vướng cho cổ phần hóa nhưng việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn đang gây tác dụng ngược.

Trung tuần tháng 1/2021, hơn 160 tỷ đồng tiền đặt cọc tham gia phiên đấu giá trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phiếu VOC của Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex), do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu đã được gửi trả lại 2 nhà đầu tư. Đây là điều khá hy hữu khi một cuộc đấu giá phải tạm dừng mà nguyên nhân không phải do thiếu người tham dự. SCIC cho biết, hiện không có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các đơn vị đã được phê duyệt phương án thoái vốn trước thời điểm ban hành Nghị định 140, vì vậy, để chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng, phiên đấu giá ban đầu được lùi lại, sau đó buộc phải hủy.

Khi SCIC còn đang đợi hướng dẫn để quyết định tiếp tục hay dừng phiên đấu giá Vocarimex, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ tập trung ban hành văn bản hướng dẫn để bảo đảm thi hành Nghị định 140 kịp thời, không phát sinh vướng mắc, thúc đẩy cổ phần hóa.

Bộ Tài chính cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao khẩn trương hướng dẫn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến xác định giá trị thương hiệu như giá trị văn hóa, lịch sử vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Thời hạn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho công việc này ngay trong tháng 1/2021.

VI. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

16. Báo Đầu tư (20/1) có bài “Những thương vụ ‘ma’ làm méo thị trường” cho biết: Lãi suất cao ngất ngưởng, điều kiện phát hành dễ dãi khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng trong 2 năm qua. Tuy nhiên, rủi ro đang dần hiện hữu khi thời gian đáo hạn trái phiếu đến gần, mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp lại suy giảm nghiêm trọng. Nhằm siết lại thị trường trái phiếu, một loạt nghị định mới dược ban hành. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-Cp sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Các nghị định định mới đưa ra các điều kiện phát hành khắt khe hơn với doanh nghiệp song cũng có nhiều bất cập khác lại nảy sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế, cơ quan quản lý vẫn không có công cụ để kiểm soát việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp trao tay trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng chưa có các công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các thương vụ “đi đêm” giữa doanh nghiệp phát hành và bên tư vấn, giải ngân; cũng không thể kiểm soát được dòng vốn huy động từ kênh trái phiếu đã được doanh nghiệp giải ngân ra sao.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00