Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/3/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 10/3/2021

I. Vấn đề về chứng khoán

1. Chiều 9/3, Cổng TTĐT Bộ Tài chính đăng tải nội dung thông tin về buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp xử lý nghẽn lệnh trên HOSE. Nhiều báo ngày 9-10/3 đưa tin về nội dung này, như: Thanh niên online (10/3) có bài “Bộ trưởng Tài chính: Xử lý dứt điểm nghẽn lệnh chứng khoán trong 3-4 tháng”; Vietnamplus (9/3) có bài “Bộ Tài chính quyết tâm xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán”; Báo Tin tức – TTXVN (9/3) có bài “Sớm báo cáo Thủ tướng phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán”; Vietnamnet (9/3) có bài “Bộ trưởng Tài chính quyết: Không nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu”; Tuổi trẻ (10/3) có bài “Nghẽn lệnh chứng khoán: Giải pháp chậm, ai chịu?”; Tuổi trẻ online (10/3) có bài “Dù ai nói ngả nói nghiêng, HOSE vẫn nghẽn lệnh phiên buổi chiều”; Nhân dân (10/3) có tin “Phối hợp xử lý tắc nghẽn giao dịch chứng khoán”….

Các báo cho biết: Tại buổi làm việc Bộ trưởng nhấn mạnh tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên HOSE trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập tổ công tác xử lý dứt điểm tình trạng này, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống. Tại cuộc họp, Bộ Tài chính và Tập đoàn FPT đã đồng thuận xem xét lựa chọn việc áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hệ thống giao dịch tại HOSE. Dự kiến mất từ 3-4 tháng để triển khai và hoàn thiện, để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và các sở giao dịch chứng khoán chủ động phối hợp với Tập đoàn FPT để triển khai phương án. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Bộ trưởng khẳng định trước mắt không áp dụng giải pháp nâng lô tối thiểu lên 1.000; khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.

Báo Tuổi trẻ cho biết thêm: Một số nhà đầu tư bức xúc cho rằng việc chậm trễ xử lý nghẽn giao dịch trên HOSE cần truy trách nhiệm, có hay không việc thiếu quyết liệt và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho nhà đầu tư và thị trường nói chung.

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế: Việc nghẽn lệnh là lỗi rất lớn của HOSE và cả Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Ngay từ ban đầu thành lập, Chính phủ quan tâm, duyệt vốn đầu tư lớn, nhờ đó HOSE có trụ sở lớn và dư để cho thuê văn phòng. Khách hàng trả tiền phí để được sử dụng hạ tầng nhưng hiện chưa được hưởng quyền lợi xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.

2. Báo Tuổi trẻ (10/3) có bài “Người trong cuộc lên tiếng” đăng ý kiến của nguyên lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (đề nghị không nêu tên) lý giải vì sao sàn HOSE lại nghẽn và chậm xử lý. Theo vị này, để xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh, HOSE nên lấy hệ thống giao dịch của HNX làm một bảng. Về lâu dài, sẽ nhập tất cả thị trường cổ phiếu vào TP HCM thì sẽ có 3 bảng gồm bảng doanh nghiệp lớn, bảng doanh nghiệp vừa và bảng doanh nghiệp UPCoM. HOSE chỉ cần lập bảng riêng rồi tính theo các chỉ số, biên độ của HOSE. Sẵn máy đó, hệ thống có sẵn của HNX, sàn Hà Nội sẽ phải giám sát thay HOSE, còn chấp nhận niêm yết, tiêu chuẩn… vẫn của sàn TP HCM. Chỉ cần lập bảng riêng hoặc thậm chí vẫn gọi bảng giao dịch cổ phiếu của HOSE. Còn phương án tăng năng lực xử lý hệ thống của HOSE vẫn phải có chuyên gia Thái Lan sang làm chứ Việt Nam không can thiệp được. Để nhanh có hệ thống giao dịch mới thì máy phải do tư nhân đứng ra mua. Về phần mềm của hệ thống, nếu FPT dùng phầm mềm mà họ viết cho HNX thì sẽ khả thi.

II. Vấn đề về hải quan

3. Báo Thanh tra (10/3) có bài “Nhiều vi phạm tại Cục Hải quan Bắc Ninh” cho biết: Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều vi phạm tại Cục Hải quan Bắc Ninh khi tiến hành thanh tra tại đơn vị này như trong việc kiểm tra sau thông quan đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan trong đó có công ty Tenma Việt Nam (năm 2017). Thanh tra công tác quản lý cán bộ, công chức, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Cục Hải quan Bắc Ninh rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp còn chậm so với quy định. Trong quản lý sử dụng các nguồn kinh phí, Cục Hải quan Bắc Ninh chậm ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; chưa ban hành quy chế sửa đổi, bổ sung thay thế quy chế quản lý, sử dụng ô tô, xe 2 bánh phục vụ công tác...Không chỉ vậy, việc chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra nội bộ, phòng chống tham nhũng (PCTN)… tại Cục Hải quan Bắc Ninh cũng có nhiều tồn tại. Từ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan Bắc Ninh kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và làm rõ để có biện pháp xử lý những tồn tại trong việc KTSTQ tại Công ty Tenma; chấn chỉnh công tác KTSTQ tránh những tồn tại nêu trên…

Báo Thanh tra đặt vấn đề: Cục Hải quan Bắc Ninh có nghiêm túc thực hiện sau thanh tra? Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Thanh tra đã trực tiếp đặt lịch làm việc và liên hệ nhiều lần với Cục Hải quan Bắc Ninh, tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua, phóng viên vẫn không được sắp xếp, bố trí làm việc. Có hay không việc Cục Hải quan Bắc Ninh cố tình né tránh báo chí để cho những vi phạm... "chìm xuồng"?! Báo này sẽ tiếp tục thông tin.

4. Báo Đại đoàn kết (10/3) có bài “Hỗ trợ doanh nghiệp vùng dịch xuất khẩu” cho biết: Theo Cục trưởng Cục Quản lý giám sát về hải quan (Tổng cục Hải quan), tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai, Điện Biên, Hải Dương, Hưng Yên… nơi phát sinh dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, các đơn vị đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm giải quyết thủ tục hải quan thuận lợi cho DN.

Tại Hải Dương, trước thông tin Covid-19 trong cộng đồng, Chi cục Hải quan Hải Dương (Cục Hải quan Hải Phòng) kích hoạt phương án phòng chống dịch Covid-19 khẩn cấp. Đối với việc tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu (XNK), Chi cục đã bố trí người nhận hồ sơ (nếu phải nộp hồ sơ giấy), đo thân nhiệt của nhân viên XNK, ghi nhận lịch sử vào/ra Chi cục; trao đổi thông tin qua nhóm zalo;…

Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã làm việc trực tuyến qua môi trường mạng trong toàn Cục, tăng cường tối đa các hoạt động trực tuyến để giảm thiểu tiếp xúc tại công sở, cơ quan, đơn vị (khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền). Ngay cả với hải quan các tỉnh, thành phố chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng, các đơn vị hải quan cũng được quán triệt phòng chống dịch vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa XNK thuận lợi.

5. Báo Công an nhân dân (10/3) có tin “Bắt đối tượng vận chuyển 30.000 viên ma túy tổng hợp” cho biết: Ngày 9/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với cơ quan chức năng liên quan để hoàn tất hồ sơ truy tố đối tượng Nguyễn Văn Vũ (SN 1985, trú xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Theo hồ sơ của cơ quan Công an, vào lúc 12h30’ ngày 8/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy số 2 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Công an huyện Đức Thọ, Công an huyện Hương Sơn và Hải quan Hà Tĩnh đã đấu tranh mở rộng chuyên án, bắt quả tang Nguyễn Văn Vũ tại khu vực cây xăng Kim Thành thuộc xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn khi đối tượng đang có hành vi vận chuyển 30.000 viên hồng phiến với khối lượng khoảng 3 kg. Tại cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Vũ khai nhận số ma túy trên là của một đối tượng khác thuê đối tượng đi giao dịch để lấy tiền công.

6. Báo Sài gòn giải phóng (10/3) có tin “Kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm” cho biết: Ngày 9/3, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 quốc gia, vừa có văn bản yêu cầu một số bộ, ngành và ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

III. Vấn đề về thuế

7. Thanh niên (10/3) có bài “Cải tiến việc quyết toán thuế”; Công an nhân dân (10/3) có bài “Quyết toán thuế trực tuyến: Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí”; Hà Nội mới (10/3) có tin “Cử tri thành phố Hà Nội: Vững niềm tin với Đảng”; Quân đội nhân dân (10/3) có bài “Đẩy mạnh hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2020” cho biết: Với hàng loạt quy định mới áp dụng, người nộp thuế (NNT) nếu nắm rõ sẽ không phải mất thời gian hay loay hoay cho việc kê khai, quyết toán thuế trong kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2020.

Tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 9/3, đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết: điểm mới nhất thực hiện trong quyết toán thuế TNCN năm 2020 là NNT có thể đăng ký khai thuế giao dịch điện tử, hình thức này đơn giản, đỡ mất thời gian cho NNT. NNT cần đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế. Ngoài ra, quyết toán thuế TNCN năm 2020 còn có một số điểm lưu ý đó là áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới theo Nghị quyết 954 của UBTVQH có hiệu lực từ 1/7/2020.

Trao đổi với báo chí về quyết toán thuế TNCN năm 2020, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, về triển khai dịch vụ thuế điện tử đối với NNT là cá nhân, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai. NNT nên chủ động nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN sớm, tránh nộp dồn những ngày cuối cùng của thời giạn nộp quyết toán vì có thể bị lỗi mạng và trễ hạn nộp.

8. Báo Công an nhân dân (10/3) có tin “Tổng rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai” thông tin: Tổng cục Thuế vừa ban hành các văn bản yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát toàn bộ hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất do cơ quan Thuế quản lý. Tổng cục Thuế yêu cầu người đứng đầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung tại các văn bản của Tổng cục Thuế. Trường hợp qua kiểm tra, rà soát phát hiện các hồ sơ có vi phạm, cơ quan Thuế xử lý theo đúng quy định. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, thì chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

IV. Vấn đề về ngân sách

9. Báo Qdnd.vn (9/3) có tin “Tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm đạt gần 287 nghìn tỷ đồng”, vneconomy.vn (10/3) có tin “2 tháng đầu năm, thu ngân sách đạt gần 287 nghìn tỷ đồng”, vtv.vn (9/3) có tin “Thu ngân sách tiếp tục tăng, đạt gần 287 nghìn tỷ đồng”, vietnamplus.vn (10/3) có tin “Thu ngân sách 2 tháng đầu năm tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước” cho biết: Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 2 ước đạt 97,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 2 tháng năm 2021 ước đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2020.

Cân đối NSTW và NSĐP được đảm bảo. Theo Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm đã thực hiện phát hành 27 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,58 năm, kế hoạch còn lại 8,51 năm, lãi suất bình quân 2,34%/năm. Tổng chi cân đối NSNN tháng 2 ước đạt 115,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 2 tháng đạt 207,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020.

V. Vấn đề khác

10. Báo Sài gòn giải phóng (10/3) có bài “Xăng E5 RON 92 ngày càng khó tiêu thụ” cho biết: Hiện nay nhiều trụ bơm bán xăng E5 RON 92 tại các của hàng xăng dầu đã lặng lẽ… biến mất. Trước thực trạng này, để có thể khuyến khích người dân sử dụng loại xăng này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy cho rằng cần phải gỡ những rào cản trong toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ. Nhất là các doanh nghiệp đầu mối cần được hỗ trợ tích cực hơn nữa trong khâu đầu tư hệ thống phối trộn trong chính sách về thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường để có thể hạ giá thành sản phẩm tạo một mức chênh lệch về giá đủ sâu để hấp dẫn người tiêu dùng…

11. Báo Đầu tư (10/3) có bài “Tiền ảo rác đang “hút máu” nhà đầu tư” cho biết: Việc khai thác, buôn bán, kinh doanh, trao đổi tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số là hành vi trái pháp luật và bị cấm. Các chuyên gia cho rằng, nhiều loại tiền không có nguồn gốc rõ ràng nên các nhà đầu tư không nên tin tưởng. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã khuyến cáo các nhà đầu tư nên cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra. Mới đây, Bộ Tài chính cũng phát đi cảnh báo nêu rõ, các sàn giao dịch tiền ảo chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép, do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia, hiện Việt Nam chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00