Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 15/3/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 15/3/2021

I. Vấn đề nổi bật:

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1.

Vấn đề về DNNN

Báo Đầu tư chứng khoán (15/3) có bài “Ách tắc thoái vốn vì chờ Bộ Tài chính” phản ánh: Trước tết Tân Sửu, các nhà đầu tư đặt cọc mua cả lô cổ phần của SCIC tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) ngỡ rằng thương vụ sẽ thành công, nhưng đến phút chót nhận thông báo phiên đấu giá bán cổ phần bị hủy. Lý do là cơ quan chức năng chưa có văn bản hướng dẫn việc tiếp tục triển khai bán cổ phần của SCIC sau khi Nghị định 140/2020 được ban hành. Nguyên do tắc thoái vốn nhà nước là Nghị định 140/2020 có hiệu lực từ ngày ký ban hành (30/11/2020), trong khi các văn bản hướng dẫn chưa có, nên các Sở GDCK từ chối thực hiện các đợt bán đấu giá cổ phần.

Ghi nhận từ giới chuyên môn, hiện tại có 2 vướng mắc lớn trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước. Thứ nhất là việc xác định giá trị thương hiệu vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thứ hai là quy chế mẫu bán đấu giá công khai (thông thường/theo lô/theo lô cổ phần kèm nợ phải thu) và chào bán cạnh tranh (thông thường/theo lô/theo lô cổ phần kèm nợ phải thu) để chuyển nhượng vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Về vấn đề này, đề nghị Cục Tài chính doanh nghiệp báo cáo Lãnh đạo Bộ và phối hợp với Văn phòng cung cấp thông tin phản hồi với báo chí

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

2. VOV (14/3) có bài “Ngành thuế tăng cường hỗ trợ người nộp theo phương thức điện tử”; Hà nội mới (15/3) có tin “Lợi ích của việc đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử” cho biết: Thời gian này là cao điểm các DN và NNT thực hiện kê khai, nộp báo cáo quyết toán thuế TNDN và TNCN. Các cục thuế trên cả nước đang đồng loạt triển khai thực hiện hỗ trợ NNT hoàn thành nghĩa vụ với NSNN.

Kỳ quyết toán thuế năm 2020, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong hai hình thức nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập theo phương thức điện tử hoặc nộp hồ sơ giấy đến cơ quan thuế. Để đa dạng hóa phương thức nộp hồ sơ quyết toán thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai cung cấp dịch vụ khai, nộp hồ sơ quyết toán thuế bằng phương thức điện tử. Với hình thức này, vừa giảm tải được phần nào áp lực mà NNT cũng như cơ quan thuế sẽ gặp phải trong thời kỳ cao điểm quyết toán thuế, đồng thời cũng ngăn ngừa và hạn chế được nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

3. Báo Hà Nội mới (14/3) có tin “Tập trung phát hiện, xử lý vi phạm về hóa đơn”; Công an nhân dân (13/3) có bài “Thất thu hàng nghìn tỷ đồng vì nạn mua bán hóa đơn trái phép” cho biết: Thời gian qua, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, năm 2019 là 135 trường hợp, năm 2020 là 162 trường hợp. Do đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp rà soát, kiểm tra, thanh tra DN có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn. Kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ, tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán tiền từ NSNN. Rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên internet, mạng xã hội…Ngành Thuế sẽ sớm đưa vào áp dụng HĐĐT theo quy định để tạo thuận lợi đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý các sai phạm kịp thời.

4. Báo điện tử Vietnamnet (14/3) có tin “Nhiều kênh YouTube cá nhân 'quên' đóng thuế: Truy thu từ 'đầu nguồn”; Lao động (15/3) có bài “Thu, quản lý thuế thương mại điện tử: Không để sót người có doanh thu lớn từ YouTube”; Lao động (13/3) có bài “Lỗ hổng thất thu thuế từ 10.000 kênh Youtube”, “TP Hồ Chí Minh: Thu thuế kênh Youtube cá nhân từ “đầu nguồn” cho biết: Doanh thu trên các nền tảng công nghệ như YouTube, đang có nhiều cá nhân kiếm được tiền tỉ, thậm chí lên đến hàng chục tỉ đồng/tháng, nhưng nhiều cá nhân đã "quên" nộp thuế. Vì vậy, ngành thuế cần đưa ra những biện pháp mạnh để truy thu được số thuế bị thất thoát này, trong đó buộc đơn vị vận hành phải có trách nhiệm nộp thuế thay cho cá nhân có thu nhập.

Nếu như trước đây, ngành thuế chỉ thu thuế trực tiếp những cá nhân này, thì nay các cy công nghệ như YouTube phải có trách nhiệm thu và nộp thuế thay cho những cá nhân có doanh thu trên nền tảng này. Hiện có những cá nhân tự giác kê khai và nộp thuế, nhưng cũng có nhiều cá nhân khi bị thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế truy thu thì mới tiến hành nộp thuế theo quy định của pháp luật.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để các ngân hàng, trung gian thanh toán thực hiện việc khấu trừ, nộp thay được thuận lợi, dễ dàng, thông suốt, tránh sự phản ứng của khách hàng.

Còn theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục, những cá nhân trong nước có thu nhập qua biên giới thông qua bán phần mềm cho các kênh YouTube, Facebook, Google… phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế. Nếu cơ quan thuế phát hiện những cá nhân cố tình trây ỳ, không nộp thuế sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền chậm nộp thuế, nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn thuế với số tiền lớn.

5. Báo Đại đoàn kết (13/3) có bài “Dịch bệnh Covid-19: 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng” cho biết: Ngay tháng 3/2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Một số gói hỗ trợ lớn được Chính phủ tung ra là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ ASXH 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ trả tiền lương lao động 16.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cùng với Chính phủ, chính quyền địa phương cần tính đến việc miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, chi phí của hoạt động kinh doanh của DN trên địa bàn.

6. Báo Tiền phong (13/3) có tin “Sẽ gia hạn 115.000 tỷ đồng tiền thuế” cho biết: Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính thông báo việc Thủ tướng đồng ý tiếp tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hiện Bộ Tài chính đã bắt đầu xây dựng Dự thảo Nghị định về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho nhiều đối tượng theo thủ tục rút gọn để sớm trình Thủ tướng ký ban hành. Dự kiến, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong năm nay khoảng 115.000 tỷ đồng.

7. Báo Công an nhân dân (15/3) có tin “Đổi thông tin đăng ký thuế khi đổi sang căn cước công dân gắn chip” cho biết: Bộ Tài chính vừa có Thông tư 105/2020 hướng dẫn cách thức đổi thông tin đăng ký thuế đối với công dân khi đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chip. Theo đó, khi đổi từ CMND 9 số sang CCCD gắn chip, người nộp thuế cần thay đổi thông tin đăng ký thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi….

8. Báo Tuổi trẻ (13/3) có tin “Số người làm công ăn lương phải nộp thuế TNCN giảm mạnh” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, số người có thu nhập từ tiền công, tiền lương phải nộp thuế TNCN của năm 2020 giảm 1 triệu người so với năm trước. Năm 2020, cả nước có khoảng 23 triệu người có kê khai thuế TNCN, trong đó chỉ có khoảng 200.000 cá nhân thuộc diện phải tự quyết toán thuế. Khoảng 11 triệu người được ủy quyền cho DN, tổ chức chi trả thu nhập quyết toán thay. Gần 12 triệu người còn lại không phải quyết toán thuế do thu nhập chưa đến mức chịu thuế.

III. Vấn đề về xăng dầu

9. Báo Kinh tế và đô thị (15/3) có bài “Lỗ hổng quản lý kinh doanh xăng, dầu: Bao giờ lấp đầy?”; Báo Tuổi trẻ (13/3) có bài “Xăng dầu giả, lậu: Con voi chui lỗ kim” cho biết: Thời gian gần đây, hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu bị phát hiện gây hoang mang dư luận. Hơn bao giờ hết, người dân và những DN chân chính cần giải pháp mạnh mẽ, khả thi từ phía cơ quan quản lý Nhà nước nhằm sớm lấp lỗ hổng trong khâu kiểm tra, giám sát cũng như chấn chỉnh lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để chặn đứng vấn nạn xăng, dầu lậu, giả phải chấn chỉnh những chệch choạc của cơ quan phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại từ cơ sở, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, cần xác định rõ cơ chế giám sát, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra kinh doanh xăng, dầu. Cùng với đó, phải công khai minh bạch thông tin kết quả kiểm tra xử lý vi phạm cho mọi người dân đều biết, giám sát và thực hiện.

10. Các báo Nhân dân, Công an nhân dân, Hà Nội mới, Người Lao động, Quân đội nhân, Thanh niên, Thể thao văn hóa, Vnexpress, Giao thông, Hà Nội mới (12/3) có tin “Giá xăng dầu hôm nay 12/3: Tăng mạnh” cho biết: Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa thông báo điều chỉnh giá xăng, dầu áp dụng từ 15h00 ngày 12/3. Theo đó, xăng E5RON92 tăng 691 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 558 đồng/lít, dầu hỏa tăng 563 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S tăng 642 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các loại xăng dầu và tiếp tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khá mạnh. Như vậy, đây là lần thứ 8 liên tiếp, Liên Bộ chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để bù cho giá xăng dầu tăng.

11. Báo Lao động (15/3) có bài “Giá dầu tăng nóng có thể khiến lạm phát vượt “trần”” cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2021 đạt mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm gần đây gây nhiều lo ngại về khả năng khống chế lạm phát cả năm. Dù vẫn tin tưởng lạm phát cả năm sẽ được khống chế thành công, thậm chí dưới con số mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra, nhiều tổ chức đầu tư lưu ý cần thận trọng với áp lực lạm phát đến từ việc giá dầu đang tăng rất mạnh trong năm nay.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, diễn biến cung - cầu và giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu sẽ được theo dõi rất sát để hạn chế việc tăng giá ngay từ đầu năm 2021. Các chính sách tài khóa trong năm nay cũng được điều hành chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Riêng với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cơ quan quản lý sẽ chủ động dự báo, tính toán và xây dựng kịch bản điều hành giá phù hợp. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp.

IV. Vấn đề về chứng khoán

12. Báo Thanh niên (15/3) có tin “10 doanh nghiệp đầu tiên có kế hoạch chuyển sàn để giảm nghẽn lệnh trên HOSE” cho biết: Sau gần 2 tuần kể từ khi UBCKNN chính thức hướng dẫn việc chuyển một số cổ phiếu đang giao dịch tại HOSE sang HNX, đã có 10 DN công bố lấy ý kiến cổ đông để thực hiện theo kế hoạch này nhằm góp phần giảm tải cho hệ thống xử lý lệnh của HOSE.

13. Báo Đầu tư chứng khoán (15/3) có bài “Còn nghẽn, còn thiệt hại” cho biết: Công ty chứng khoán mất phí đương nhiên Sở Giao dịch cũng thất thu và ngân sách mất nguồn thu. Nếu không bị nghẽn lệnh, thanh khoản khớp lệnh của thị trường có thể đạt trung bình 20.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn mức bình quân 14.000 đồng/phiên hiện nay. Với mức phí HOSE thu 0,027% giá trị giao dịch từ 2 phía mua và bán, thì mỗi ngày HOSE thất thu 2,84 tỷ đồng phí, với giả định giao dịch trung bình 20.000 tỷ đồng/ngày. Các giải pháp giảm tải cho sàn HOSE trong lúc chờ đợi giải pháp về công nghệ của FPT vẫn đang rất cần được thảo luận công khai để giúp cho Tổ công tác xử lý nghẽn lệnh của Bộ Tài chính có thêm nguồn thông tin tham khảo nhằm đưa ra giải pháp phù hợp nhất.

V. Vấn đề về bảo hiểm

14. Báo Quân đội nhân dân (13/3) có bài “Sửa luật để thị trường bảo hiểm Việt Nam sớm vươn tầm quốc tế” cho biết: TTBH Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trong 20 năm qua tới hơn 20%, bất chấp nền kinh tế trải qua những giai đoạn rất khó khăn. Sự phát triển vượt bậc ấy cũng đặt ra yêu cầu cần sớm sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh BH, để thị trường BH Việt Nam sớm vươn tầm khu vực và thế giới.

Theo một số chuyên gia về BH và đại diện các DNBH, Luật Kinh doanh BH được ban hành năm 2000, dù đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 2010, 2019, nhưng cũng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của thị trường. Nếu sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh BH, thị trường BH Việt Nam sẽ còn có mức tăng trưởng ấn tượng hơn rất nhiều và nguồn lực đầu tư trở lại cho nền kinh tế qua đó cũng sẽ lớn hơn. Khi nhiều đối tượng tham gia BH hơn, sự chia sẻ rủi ro cũng được mở rộng về quy mô bao trùm, qua đó giảm số đối tượng “hóa nghèo” chỉ sau một biến cố.

Tuy nhiên, để đưa thị trường BH Việt Nam thành thị trường phát triển hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, điều cực kỳ quan trọng là các doanh nghiệp BH phải chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng. Nhà nước đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp phát triển kinh doanh thì các doanh nghiệp cũng cần đơn giản hóa thủ tục với khách hàng, giải quyết quyền lợi BH cho khách hàng một cách thấu tình, đạt lý. Có như vậy, doanh nghiệp BH mới mong có được sự phát triển bền vững.

VI. Vấn đề khác

15. Cổng TTĐT Chính phủ (13/3) có tin“Khởi công xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ”; Nhân dân, VOV có tin “Khởi công xây dựng đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ”; Lao động có tin “Khởi công Đền thờ Liệt sĩ hơn 100 tỉ đồng tại Chiến trường Điện Biên Phủ”; Hà Nội mới có tin “Khởi công xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ”; Pháp luật Việt Nam có tin “Xây dựng Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ” và rất nhiều báo khác cho biết: Sáng 13/3, tại địa điểm di tích Đồi F, tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là dự án nằm trong Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030 đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương triển khai dự án.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là công trình thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công lao, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước của dân tộc ta đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Đây sẽ là địa chỉ để du khách tới tham quan và tri ân, tưởng niệm các liệt sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow