Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 19/3/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 19/3/2021

I. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

1. Báo điện tử Vietnamnet (18/3) có bài “Kinh doanh may đo, cắt tóc, gội đầu, giặt là phải chịu thuế 7%?” cho biết: Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo lần 1 Thông tư Hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh để lấy ý kiến. Theo đó, bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực vào diện chịu thuế GTGT và chịu thuế suất thuế TNCN. Đáng chú ý, dịch vụ may đo, giặt là, cắt tóc, làm đầu, gội đầu được đưa vào chịu thuế suất thuế GTGT 5% và thuế suất thuế TNCN 2%. Tổng cộng, mức thuế đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ này là 7%. Đặc biệt, dịch vụ sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình cũng được đưa vào diện chịu thuế GTGT và TNCN.

Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung một số đối tượng chịu thuế như cho thuê tài sản, kinh doanh TMĐT của cá nhân; tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân; tổ chức trả thu nhập cho cá nhân kinh doanh…

2. Báo Tiền phong (19/3) có bài “Đủ chiêu lách luật, trốn thuế” cho biết: Nhiều Youtuber áp dụng đủ chiêu che giấu thu nhập, trốn đóng thuế dù có thể đút túi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, với chủ các kênh Youtube, Facebook, cơ quan thuế thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu tự kê khai, nộp thuế khi có yêu cầu tự kê khai và nộp thuế khi có thu nhập. 

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính), việc quản lý thuế đối với cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số tách bạch hoàn toàn với quản lý nội dung các hoạt động này. Cá nhân làm và đưa nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội phải xem là hành vi vi phạm pháp luật. Những hoạt động kinh doanh không hợp pháp thì phải bị xử lý bởi các quy định pháp luật có liên quan. Cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện quy định về trách nhiệm kiểm soát nội dung, trách nhiệm chủ tài khoản, xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức đưa những nội dung không lành mạnh lên mạng xã hội. Không chỉ phạt tiền, còn phải thêm hình phạt bổ sung để tăng tính răn đe.

3. Báo Công lý (19/3) có bài “Hoàn thiện chính sách quản lý thuế với thương mại điện tử” cho biết: Quy mô thị trường TMĐT thời gian gần đây đang tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên, đóng góp của lĩnh vực này vào NSNN còn hạn chế. Trước tình hình trên, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thuế các địa phương tăng cường nhiều giải pháp quản lý thu trong lĩnh vực này.

4. Báo Thanh niên (19/3) có bài “Doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn ngàn tỉ” cho biết: Số vụ vi phạm về hóa đơn những năm gần đây ngày càng gia tăng, tội phạm cung cấp dịch vụ để người mua hợp thức hóa các chứng từ giao dịch. Theo Tổng cục Thuế, trong các năm qua, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Trước tình hình DN có hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn đang có những diễn biến khá phức tạp, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác chỉ đạo tiếp tục tổ chức nhận dạng DN, nắm bắt hành vi, cách thức để lập danh sách người nộp thuế có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.

5. Báo Đầu tư (19/3) có bài “Chặn đường trốn thuế các hoạt động kinh doanh công nghệ” cho biết: Những cá nhân, doanh nghiệp có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh công nghệ, kinh doanh online không tiến hành kê khai, trốn thuế, né thuế… sẽ đối mặt với chế tài xử phạt nghiêm khắc với mức phạt có thể cao gấp 1-3 lần số thuế phải đóng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: “Theo Nghị định số 126/2020, nếu các YouTuber không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, thì sẽ bị phạt gấp 1-3 lần số thuế phải đóng. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, ngành thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội trên. Ngoài ra, các cá nhân trốn thuế sẽ bị phạt hành chính, thậm chí khi trốn nộp số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự”.

Còn ông Nguyễn Nam bình, Phó cục trưởng Cục thuế TPHCM cho biết, điểm mới của Nghị định số 126/2020 là các công ty công nghệ như YouTube phải có trách nhiệm thu và nộp thuế thay cho những cá nhân có doanh thu trên nền tảng của mình. Đây là một biện pháp hữu hiệu, đạt hiệu quả cao khi tiến hành truy thu thuế từ “đầu nguồn” - những đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ làm phát sinh doanh thu cho cá nhân.

6. Báo Đầu tư (19/3) có bài “Gia hạn nộp thuế là “liều thuốc bổ” cho doanh nghiệp” phỏng vấn TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Việc tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất sẽ là “liều thuốc bổ” giúp DN nhanh chóng phục hồi, qua đó tạo cú hích để GDP năm 2021 có thể tăng trưởng ít nhất 6,5% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, thậm chí cao hơn. TS. Đặng Đức Anh bày tỏ hy vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua Nghị định về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho DN. Nếu nghị định sớm được thông qua, sẽ hỗ trợ DN có thêm nguồn tài chính để tiếp tục phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

7. Báo Đầu tư (19/3) có tin “Áp dụng APA nhằm ngăn ngừa đánh thuế trùng, trốn lậu thuế” cho biết: Bộ Tài chính đang xây dựng hướng dẫn áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế, thực hiện giao dịch với các bên có quan hệ liên kết của doanh nghiệp. Việc áp dụng APA nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, xác định giá giao dịch liên kết phù hợp với nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định thuế TNDN của DN và ngăn ngừa đánh thuế trùng, trốn lậu thuế, giảm thiểu tránh chấp về xác định giá của giao dịch liên kết.

II. Vấn đề về hải quan

8. Thời báo ngân hàng (19/3) có bài “Chống gian lận xuất xứ: Bảo vệ doanh nghiệp trong nước” cho biết: Khi VN tham gia ngày càng nhiều FTA bên cạnh lợi ích mang lại, những chiêu thức gian lận xuất xứ cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Theo TCHQ, toàn ngành đã thường xuyên mở các đợt cao điểm thực hiện kế hoạch chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó kiểm tra sau thông quan là chủ đạo. TCHQ cũng đã ban hành kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp năm 2021, trong đó chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai nhiều giải pháp để đấu tranh với hành vi vi phạm. TCHQ cũng yêu cầu các đơn vị áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

III. Vấn đề về NSNN

9. Thời báo ngân hàng (19/3) đưa tin “Bội thu ngân sách 2 tháng ước khoảng 79,4 nghìn tỷ đồng” cho biết: Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 2 ước đạt 97,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng năm 2021 ước đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tổng chi cân đối NSNN tháng 2 ước đạt 115,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 2 tháng đạt 207,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy trong 2 tháng đầu năm, ngân sách bội thu ước khoảng 79,4 nghìn tỷ đồng.

IV. Vấn đề về quản lý nợ và tài chính đối ngoại

10. Chiều ngày 18/3, Văn phòng Bộ phát đi Thông tin báo chí về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng hai bậc lên Tích cực. Nhiều báo đã đưa tin về sự kiện này như: Nhân dân điện tử, VnExpress, Lao động điện tử, ZingNews, vtv.vn, Kinh tế và đô thị, Thời báo ngân hàng, Vietnamplus… và nhiều báo khác cho biết: Ngày 18/3, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) công bố về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của VN ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được đảm bảo đồng thời điều chỉnh tăng triển vọng lên "tích cực."

Việc Moody’s đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của VN hai bậc lên tích cực cho thấy sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của VN vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới. Theo giới chuyên gia, việc Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, việc Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức tích cực (tăng hai bậc) là sự ghi nhận kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát thành công dịch COVID-19, đưa nền kinh tế phục hồi trở lại đạt những thành quả hết sức tích cực.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

11. Thời báo ngân hàng (19/3) đưa tin “5 điểm mới về nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định gồm: Nghị định số 153/2020 về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định số 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, khung pháp lý mới về phát hành TPDN tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Trong đó, quy định về nhà đầu tư mua TPDN có sự thay đổi căn bản so với khung pháp lý hiện hành.

VI. Vấn đề về doanh nghiệp nhà nước

12. Báo Lao động (19/3) có bài “Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu doanh nghiệp” cho biết: Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của DNNN, để khối kinh tế này tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” trong nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00