Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 24/3/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 24/3/2021

I. Vấn đề về thuế, phí

1. Zing (23/3) có bài “Chủ vườn lan nói gì về vụ giao dịch lan đột biến gần 300 tỷ đồng”, Vietnamplus (23/3) có bài “Ngành thuế sẽ quản lý thu đối với kinh doanh lan đột biến” cho biết: Ngày 22/3, anh Bùi Hữu Thanh (33 tuổi) - chủ vườn lan var Đất Mỏ - nói với Zing cuộc mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ là có thật. Tuy nhiên, anh Thanh cho biết số tiền trên là để mua cho toàn bộ 5.000 cây lan giống. Anh Thanh cho biết thêm trong vài ngày qua cơ quan chức năng gồm công an, cơ quan thuế, chính quyền đã xuống vườn lan để làm việc, trong đó có vấn đề truy thu thuế. Tuy nhiên, đây là sản phẩm nông nghiệp nên cơ quan thuế chưa xác định được số thuế và danh mục thuế phải nộp sau khi thực hiện giao dịch này.

Trao đổi với Zing, đại diện Tổng cục Thuế cho biết muốn làm rõ những giao dịch này có phải nộp thuế hay không, cần xác định cụ thể người bán lan có đăng ký giấy phép kinh doanh hay không. Theo vị này, trường hợp chủ cây lan đột biến là cá nhân kinh doanh có hoạt động mua đi bán lại lan thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trường hợp người bán đơn thuần là nông dân trồng lan, giò lan đáp ứng đủ điều kiện là sản phẩm nông nghiệp không qua sơ chế, chế biến thì không phải nộp thuế. Còn trường hợp nữa, nếu xác định đó là tài sản, người bán tài sản (ở đây không phải là bất động sản) thì không phải chịu thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác.

Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế, các hoạt động giao dịch hoa phong lan đột biến gen có giá trị cao đã xuất hiện từ những năm trước, đặc biệt là năm 2020 đã rầm rộ nhiều giao dịch hàng chục tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Tổng cục Thuế đã có những chỉ đạo đến cục thuế các địa phương có những biện pháp nghiệp vụ để quản lý thuế đối với hoạt động này.

Theo Tổng cục Thuế, trong trường hợp người nộp thuế không tự khai tự nộp thì cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định các hoạt động này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người kinh doanh mua bán lan đột biến tìm cách “lách” cơ quan quản lý bằng các giao dịch mua bán trao tay, không có hợp đồng sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác minh để thu thuế. Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ được xác minh bằng các nghiệp vụ thuế. Theo đó, Ban chỉ đạo chống thất thu thuế sẽ phải phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, nếu phát hiện có giao dịch thương mại thì sẽ yêu cầu người nộp thuế tự kê khai hoặc kê khai bổ sung.

2. Báo Pháp luật Việt Nam (24/3) có bài “Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế: Vừa thừa vừa thiếu” tiếp tục đưa tin về Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức ngày 23/3. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Dự thảo Thông tư đưa ra lấy ý kiến dày cả trăm trang nhưng nhiều nội dung đang vướng, hiện vẫn chưa được đưa vào dự thảo….

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, đây là bước cải cách trong thủ tục trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhưng với hướng dẫn quản lý thuế thì việc xây dựng văn bản “tất cả trong một” thực sự gây khó cho doanh nghiệp. 

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai, kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, Ban soạn thảo không thể làm khác được vì theo quy định những nội dung nào mà Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP không giao Bộ Tài chính hướng dẫn thì không được ban hành Thông tư hướng dẫn vì vậy không có cách gì khác là doanh nghiệp đồng thời phải nắm chắc cả luật, Nghị định và Thông tư thay vì chỉ cần nắm chắc thông tư hướng dẫn như hiện nay.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nhiều quy định trong dự thảo quá chặt chẽ, chỉ tạo thuận lợi cho việc quản lý thuế nhưng gây phiền hà cho doanh nghiệp, người nộp thuế, trong đó quy định về hoàn thuế trong dự thảo là ví dụ điển hình.

Bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế công ty kiểm toán E&Y Việt Nam cho rằng, mặc dù dự thảo quy định trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế chưa khấu trừ hết đề nghị hoàn, có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn trả nhưng việc được hoàn trả tiền thuế sẽ không dễ dàng nếu không có quy định cụ thể thời gian hoàn thuế tối đa cho doanh nghiệp….

3. Báo Đầu tư (24/3) có bài “Thắt chặt hoạt động quản lý thuế” cho biết: Có nhiều nội dung mới, rất quan trọng được đề xuất trong Dự thảo hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế đang được Bộ Tài chính hoàn thiện. Một trong số đó là quy định cụ thể đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, việc quy định cụ thể về quản lý thuế đối với TMĐT và cho phép đối tượng này được nộp thuế bằng ngoại tệ dự do chuyển đổi sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động thương mại xuyên biên giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ quản lý chặt chẽ được hoạt động này. “Muốn tránh thất thu ngân sách của hoạt động TMĐT cần phải quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của sàn TMĐT trong việc phối hợp với cơ quan thuế để tránh tình trạng gian lận thuế, trốn thuế” – ông Thịnh đề xuất.

5. Công thương (24/3) có bài “Tiền tài trợ phòng chống dịch Covid-19 được tính vào chi phí trừ thuế” cho biết: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định hướng dẫn về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nhằm khuyến khích, động viên các DN tổ chức tham gia ủng hộ tài trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Để kịp thời triển khai trong thực tế, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định hiệu lực thi hành của nghị định kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020 và năm 2021.

5. Thời báo ngân hàng (24/3) có bài “Hồi tố truy thu thuế gây khó cho ngân hàng” cho biết: Đây là một trong những nội dung quan trọng tại cuộc họp trao đổi về việc thực hiện thuế GTGT đối với hoạt động thư tín dụng (L/C) do Hiệp hội ngân hàng VN tổ chức.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, việc hồi tố thuế về bản chất nộp thuế NSNN tăng không nhiều nhưng tạo lượng công việc hết sức lớn gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện nay họ đang gồng mình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, giảm lãi suất, giảm chi phí để giúp DN vượt qua đại dịch covid-19.

Đồng quan điểm, đại diện nhóm công tác ngân hàng nước ngoài cho rằng, các chuyên gia thuế nước ngoài đều ngạc nhiên với kiến nghị thu thuế GTGT đối với L/C.

Để giải quyết bất cập trên, bên cạnh đề nghị không nên hồi tố truy thu thuế nghiệp vụ L/C, ông Hùng đề xuất không nên hồi tố truy thu thuế nghiệp vụ L/C, và NHNN cần có quan điểm rõ ràng, lí giải trên cơ sở quy định pháp luật để Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan khác hiểu được đầy đủ chính xác quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.

6. Báo Đầu tư (24/3) có bài “Rốt ráo khởi động thu phí cao tốc Bắc – Nam” cho biết: Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến cao tốc thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ phải hoàn thiện chậm nhất là tháng 12/2021.

Tại Công văn số 2251/BGTVT-TC vừa được gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ phải chủ động nghiên cứu Tờ trình số 199/TTr-BTC ngày 29/10/2020 của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để xây dựng Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến cao tốc thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam.

Yêu cầu đầu tiên được Bộ GTVT đặt ra cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi xây dựng Đề án là phải làm rõ các ưu, nhược điểm của từng phương án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ, trên cơ sở đó đề xuất phương án quản lý, khai thác cụ thể cho từng tuyến cao tốc. Yêu cầu thứ hai mà Bộ GTVT đưa ra là trên cơ sở phương thức quản lý, khai thác đề xuất trong Đề án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải xác định rõ các nhiệm vụ, công việc cần tổ chức thực hiện để triển khai Đề án.

Trước đó, tại Tờ trình số 199, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tại Tờ trình này, Bộ Tài chính nghiêng hẳn về phương án Chính phủ sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI), trong tương lai, khi tuyến cao tốc Bắc – Nam do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng và được triển khai thu phí, thì số thu được sẽ rất lớn, có thể lên tới cả chục ngàn tỷ đồng.

7. Báo Đầu tư (24/3) có bài “Doanh nghiệp kiện Cục trưởng Cục Thuế TP.Cần Thơ: Đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trên 4,8 tỷ đồng” cho biết: Công ty TNHH MTV King Group Center, chủ đầu tư Dự án Trung tâm mua sắm King Group Center (TP.Cần Thơ) đang kiện Cục Thuế Cần Thơ để được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho dự án này.

Năm 2015, Công ty King Group Center ký hợp tác với Công ty TNHH Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) để thực hiện dự án trung tâm mua sắm tại khu đất số 78 đường Nguyễn Trãi do Công ty Tây Nam trúng đấu giá quyền thuê đất 50 năm. Trung tâm mua sắm King Group Center đến nay đã xây dựng cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đi vào hoạt động.

Công ty King Group Center làm thủ tục hoàn thuế VAT nhưng không được với nhiều lý do. Trong đó, Cục thuế TP Cần Thơ đã căn cứ vào công văn số 487/TNMT-CCQLĐĐ ngày 27-2-2020 của Sở Tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ để khẳng định, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Tây Nam và Công ty TNHH King Group Center là trái quy định của Luật Đất đai, nên chưa đủ điều kiện hoàn thuế đối với dự án đầu tư này.

Công ty King Group Center khẳng định, dự án đầu tư mới Trung tâm mua sắm King Group Center tại số 78 – đường Nguyễn Trãi là hoàn toàn đảm bảo các điều kiện của pháp luật về xây dựng và đất đai và có đủ điều kiện để được áp dụng quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Vì vậy Công ty này đã gửi đơn khởi kiện Cục trưởng Cục Thuế Cần Thơ. Được biết, ngày 8/3/2021, Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ đã tổ chức cuộc đối thoại giữa các đương sự.

8. Báo Sài Gòn giải phóng (24/3) có bài “Đề xuất gia hạn nộp thuế thêm 6 tháng” cho biết: Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất với thời gian gia hạn tối đa 6 tháng.

Trong năm 2020, ngành thuế đã tiếp nhận gần 185.000 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, qua đó thực hiện gia hạn nộp trên 87.300 tỷ đồng tiền thuế các loại và tiền thuê đất. Ngoài ra, còn có 14 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp trên 20.000 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt….

II. Vấn đề về hải quan

9. Công an nhân dân (24/3) có bài “Chống buôn lậu tại cửa khẩu: Làm gì để không “thủng lưới”” cho biết: Theo Luật Hải quan, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hải quan Việt Nam là thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới….

Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã quyết tâm rèn luyện cán bộ công chức để thực hiện tốt vị trí gác cổng của mình. Việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan, minh bạch hóa các quy trình, đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin triệt để vào quản lý nhằm hạn chế sự tiếp xúc của công chức hải quan với người dân, doanh nghiệp cũng là một biện pháp phòng ngừa vi phạm.

10. Báo Nhân dân điện tử (24/3) có bài “Tạo đột phá trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành” cho biết: Ngày 12-1-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu, yêu cầu là tạo bước đột phá cải cách thực chất trong phương thức và hiệu quả quản lý chuyên ngành. Triển khai thực hiện đề án nêu trên, trong vai trò là đầu mối, cơ quan Hải quan đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu.

11. Báo Pháp luật Việt Nam (24/3) có bài “Ngành Hải quan: Triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định 783/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ hải quan số. Theo Kế hoạch này, Tổng cục Hải quan đã đặt ra nhiều nhóm nội dung công việc cụ thể, thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành và đơn vị thực hiện. Kế hoạch chi tiết triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ hải quan số sẽ được triển khai từ 1/3/2021-30/12/2022.

III. Vấn đề về tài sản công

12. Tuổi trẻ (24/3) có bài “Hơn 20 năm dự án vẫn là bãi đất hoang” cho biết: Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thu hồi 13 dự án ở khu đô thị mới Nam TP. HCM do đã giao đất quá lâu nhưng chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất, chưa đầu tư xây dựng… Bên cạnh đó, việc giao đất bằng quyết định tạm thời của UBND thành phố vi phạm quy định về đất đai, nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa thu tiền sử dụng đất, chưa thu tiền sử dụng đất, chưa thu tiền sử dụng đất, chưa có quyết định giao đất chính thức gây lãng phí tài nguyên đất và có nguy cơ thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Cuối tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng và UBND TP. HCM có ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo trên của Thanh tra Chính phủ để Văn phòng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00