Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 26/3/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 26/3/2021

I. Vấn đề về thuế, phí

1. Vnexpress.net (25/3) có bài “Ngành thuế muốn sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin doanh thu người bán” cho biết: Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 126, lãnh đạo cơ quan thuế nhiều lần nhắc đến việc tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trong việc khai thuế và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Thông điệp này tiếp tục được thể hiện cụ thể hơn tại dự thảo Thông tư hướng dẫn và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang được lấy ý kiến.

Nói với VnExpress, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) cho biết, ngành thuế sẽ thay đổi tư duy quản lý với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Thay vì làm trực tiếp với từng người, họ sẽ nắm đầu mối từ tổ chức có liên quan và dòng tiền chi trả.

Trong dự thảo Thông tư, các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh. Như vậy, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại Việt Nam) cho cơ quan thuế. Dự thảo Thông tư này không điều chỉnh với nhà cung cấp nước ngoài.

Còn với các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, cơ quan thuế địa phương khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính cá nhân kinh doanh online, từ đó tìm cách thu thuế.

2. tuoitre.vn (25/3) có bài “1 năm, 85.000 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế” cho biết: Trong năm 2020, các cơ quan thuế đã thực hiện khoảng 85.000 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế và kiểm tra khoảng 819.700 hồ sơ khai thuế, kiến nghị xử lý tài chính 72.860 tỉ đồng. Số liệu được Chính phủ đưa ra trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 vừa gửi tới Quốc hội.

Bên cạnh cơ quan thuế, trong năm 2020 cơ quan hải quan đã thực hiện 2.200 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 1.900 cuộc kiểm tra sau thông quan, kiến nghị xử lý tài chính trên 1.600 tỉ đồng. Đồng thời, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

3. Kinhtedothi.vn (26/3) có bài “Thu thuế Youtuber Việt: Khó càng thêm khó” cho biết: Mới đây Google, cơ quan chủ quản của YouTube ra thông báo sẽ khấu trừ và đánh thuế thu nhập những YouTuber không sống tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các YouTuber tại Việt Nam và các quốc gia khác bên ngoài Mỹ sẽ phải đóng thuế cho thu nhập của mình kiếm được từ YouTube. Cụ thể, mức đánh thuế từ thu nhập của các YouTuber sẽ dựa vào nhiều yếu tố. Đối với những YouTuber sống bên ngoài nước Mỹ, nếu khai báo thông tin thuế trước ngày 31/5/2021, họ sẽ phải chịu mức thuế 30% cho các doanh thu đến từ người xem tại Mỹ. Trong khi đó, từ ngày 1/6/2021 nếu YouTuber không nộp khai báo thuế sẽ bị áp mức thuế chung là 24% đối với doanh thu đến từ người xem ở mọi quốc gia.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Đoàn, mức thuế mà Google sẽ khấu trừ đối với các YouTuber ngoài nước Mỹ được coi là thuế nhà thầu. Hiện, pháp luật về thuế tại Việt Nam cũng đã áp dụng thuế nhà thầu với các dịch vụ xuyên biên giới phát sinh thu nhập tại Việt Nam, đơn cử như dịch vụ quảng cáo trên Google (trong đó có YouTube), nhưng mức phổ biến chỉ 10%.

Do đó, đối với các trường hợp YouTuber lâu nay đã thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, từ ngày 1/6 tới có thể gặp tình trạng thuế chồng thuế. Cụ thể, các YouTuber này vừa bị Google khấu trừ tiền thuế theo 2 mức trên ngay từ nguồn chi trả đối với doanh thu quảng cáo được chia sẻ, và vừa phải tiếp tục đóng thuế thu nhập tại Việt Nam sau đó. Đây cũng sẽ là một trong những nguyên nhân khiến việc thu thuế từ người sản xuất nội dung Youtube tại Việt Nam thời gian tới sẽ khó khăn hơn.

4. Báo Đại đoàn kết (26/3) đưa tin “Truy thu thuế giá trị gia tăng từ thư tín dụng: Chưa tìm được tiếng nói chung”, Pháp luật Việt Nam (26/3) có bài “Ngân hàng bất ngờ bị truy thu thuế VAT cách đây chục năm” cho biết: Ngày 20/4/2020 Tổng cục Thuế ban hành văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục Thuế địa phương rà soát hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng (L/C).

Tổng cục Thuế nêu rõ: Từ thời điểm Luật TCTD 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định. Do đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.

Tại cuộc họp trao đổi về thuế GTGT đối với hoạt động L/C vừa được tổ chức,  Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, quy định này đang mâu thuẫn và không thống nhất với chính nội dung Công văn 11754/BTC-CST của Bộ Tài chính. Đồng thời không phù hợp quy định pháp luật ngân hàng, thông lệ quốc tế và bản chất của nghiệp vụ L/C, gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.

Cũng theo Hiệp hội Ngân hàng, Luật các TCTD quy định trong các phương tiện thanh toán có loại hình L/C, chứ không phải L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Ngoài ra, TCTD nộp bổ sung thuế GTGT vào ngân sách nhà nước còn có thể phát sinh tiền chậm nộp (nếu tính từ năm 2011 đến năm 2021 thì số tiền chậm nộp có thể còn lớn hơn cả số tiền thuế). Đây là một vấn đề bất cập và bất công lớn đối với các ngân hàng nếu phải áp dụng hồi tố.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế đang tập hợp số liệu từ các ngân hàng về hoạt động nghiệp vụ thư tín dụng để báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để có thể ngồi lại với phía Ngân hàng Nhà nước. Sau khi thống nhất, vấn đề chính sách thuế với hoạt động L/C sẽ thực hiện theo chỉ đạo 2 Bộ. Theo đại diện Tổng cục Thuế, việc truy thu thuế với nghiệp vụ thư tín dụng không có nghĩa là các ngân hàng làm sai, mà do hướng dẫn luật không thống nhất.

II. Vấn đề khác

5. Báo Người lao động (26/3) có bài “Định lại giá dự án đất “vàng” giá rẻ” cho biết: Hơn 3.600 m2 đất "vàng" đường biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được giao cho doanh nghiệp với giá chỉ hơn 23,3 tỉ đồng. Trong Văn bản số 2722/STC-QLGCS mới đây của Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho biết dự án Mỹ Mỹ Plaza tại số 82 Trần Phú, TP Nha Trang, có diện tích hơn 3.600 m2 nằm vị trí đắc địa, mặt tiền đường biển, trước đây được định giá hơn 23,3 tỉ đồng là chưa phù hợp với quy định, cần phải thuê đơn vị có chức năng thẩm định lại giá tại thời điểm giao đất năm 2013.

Sở Tài chính đề nghị xem xét, thẩm định lại giá tính tiền sử dụng đất của dự án theo quy định tại thời điểm giao đất, xử lý lại tiền thuê đất đã nộp trước cho nhiều năm và tiền sử dụng đất còn phải nộp đối với khu đất số 82 Trần Phú.

6. Báo Thanh tra (26/3) có bài “Công ty TNHH MTV XSKT Lai Châu: Sai phạm hơn 390 triệu đồng” cho biết: Qua công tác thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH MTV XSKT Lai Châu năm 2017-2019, Thanh tra tỉnh Lai Châu phát hiện sai phạm 390 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đơn vị phải nộp bổ sung và tiền chênh lệch chi phí xây lắp và chi phí tư vấn …. Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh Lai Châu có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn có tồn tại, hạn chế; thu hồi NSNN hơn 390 triệu đồng vi phạm phát hiện qua thanh tra..

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00