Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 31/3/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 31/3/2021

  1. Vấn đề nổi bật

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, chiều ngày 30/3, VPB đã phát đi TTBC thay cho họp báo thường kỳ do yêu cầu giãn cách xã hội. Qua điểm báo ngày 31/3 cho thấy, những lĩnh vực được các cơ quan báo chí quan tâm là thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý giá, thu thuế từ bán hàng online, tiền ảo… Cụ thể:

1. Báo Lao Động (30/3) có bài “Giá sách giáo khoa mới đắt gấp 3 lần sách cũ, Bộ Tài chính nói gì?”, Tin tức (30/3) có bài “Bộ Tài chính lý giải việc tăng giá sách giáo khoa” cho biết: Theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thì giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các Nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá… Đồng thời do thực hiện xã hội hóa nên một số chi phí như chi phí bản thảo, chi phí nhuận bút lần đầu không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Vì vậy việc so sánh giá sách cũ với sách mới chưa thực sự tương đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.

2. Thông tấn xã Việt Nam, Tin tức (30/3) có bài “Không để tình trạng giá hàng hóa tăng bất hợp lý theo xăng dầu” cho biết: Với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản không để xảy ra tình trạng tăng giá hàng hóa bất hợp lý theo giá xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, việc giá xăng dầu tăng sẽ có tác động gián tiếp đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa, nhưng đều nằm trong kịch bản đã được các Bộ, ngành dự báo, tính toán.

Qua theo dõi của Cục Quản lý giá cả (Bộ Tài chính), về cơ bản các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn đang được theo dõi cập nhật các diễn biến. Một số hàng hóa, dịch vụ còn có mặt bằng giá thấp như dịch vụ hàng không, lương thực, thực phẩm.

Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các kịch bản điều hành giá cụ thể cho thời gian trọng điểm quý I/2021 cũng như cả năm 2021; đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng được các địa phương chủ động triển khai tốt, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, lực lượng chức năng ngành Tài chính tăng cường kiểm soát về giá, thuế, phí cũng như chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

3. Đầu tư chứng khoán, Nhịp sống trẻ (30/3) đều đưa tin về “Tổng cục Thuế: Đã thu và phạt 241 tỷ đồng với cá nhân bán hàng online và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới” dẫn lời của Tổng cục Thuế cũng cho biết, tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài với số thuế thu từ quảng cáo trên sản phẩm nội dung thông tin số của tổ chức (từ năm 2016 đến 2020) là 2.442,11 tỷ đồng.

Về tình trạng có nhiều cá nhân kiếm được tiền tỷ, thậm chí lên đến hàng chục tỷ đồng/tháng nhờ kinh doanh trên các nền tảng công nghệ như YouTube, Facebook nhưng "quên" nộp thuế, Tổng cục Thuế đã ban hành một số công văn  gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành một số công văn  gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan TTGSNH) và  Bộ Công an (Cục CSĐT về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – CO3) để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Kết quả: Tổng thu và tiền phạt từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh TMĐT trên các trang web, facebook… đến tháng 12/2020 là 240,89 tỷ đồng (trong đó Hà Nội là 148 tỷ đồng, Hồ Chí Minh là 68,55 tỷ đồng, Đà Nẵng là 24,33 tỷ đồng). 

4. Báo Hà nội mới (30/3) có bài “Thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo”, baochinhphu.vn (30/3) có bài “Bộ Tài chính nghiên cứu cách quản lý tiền ảo, tài sản ảo”, baotintuc.vn (30/3) có bài “Bộ Tài chính thành lập Tổ nghiên cứu cơ chế quản lý về tài sản ảo, tiền ảo”, Đại đoàn kết (31/3) có tin “Bộ Tài chính thành lập Tổ nghiên cứu quản lý tài sản ảo, tiền ảo”,  zingnews.vn (31/3) có bài “Bộ Tài chính lập tổ nghiên cứu cơ chế quản lý tiền ảo” cho biết: Theo Bộ Tài chính, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng như chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Bộ Tài chính đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Hiện tổ đã bước đầu triển khai việc nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.

II. Vấn đề về kinh tế vĩ mô

5. Thời báo ngân hàng (31/3) có tin “CPI bình quân quý I chỉ tăng 0,29%” cho biết: Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016; CPI bình quân quý I tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất của quý I trog vòng 20 năm qua. Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,12% so với tháng trước, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020. Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

6. Thời báo ngân hàng (31/3) có bài “Ít nhất phải có một quý tăng trưởng trên 7%”; Lao động (31/3) có bài “GDP quý I/2021 tăng 4,48%: Bước đệm vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng mới” cho biết: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia, doanh nghiệp khuyến nghị cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19 và nhanh chóng triển khai tiêm văc-xin phòng Covid-19, tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp. Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, đề xuất các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế năm 2021. Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các Bộ liên quan trong đó có Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, đề xuất giải pháp tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cùng với cách triển khai thực hiện trong lĩnh vực phụ trách của mình để từ đó xây dựng chính sách tổng thể chung.

Đối với chính sách tài khoá, Bộ Tài chính đã kiến nghị tiếp tục kéo dài một số chính sách thuế, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiếp tục giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí từ ngày 1/1/2021-30/6/2021; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không…

III. Vấn đề về thuế

7. Sài Gòn giải phóng (31/3) có tin “Tài xế xe công nghệ sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020. Dự kiến, trong doanh thu tính thuế đối với hoạt động vận tải, thông tư có quy định gom tất cả các khoản thu nhập mà tài xế nhận được từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với các công ty taxi công nghệ để tính thuế TNCN với thuế suất 1,5%; không chịu thuế GTGT. Theo Bộ Tài chính, nguyên tắc mới này sẽ dễ dàng cho tổ chức khai thay, nộp thay và không làm tăng nghĩa vụ thuế của tài xế.

8. Các báo hôm nay tiếp tục đăng tải các tin bài liên quan tới vấn đề lan đột biến như: báo Thanh Niên (31/3) có bài “Lan đột biến giá khủng chỉ để ‘câu’ người mua” và bài “Không cơ quan nào kiểm tra xác thực”, báo Tiền Phong (31/3) có bài “Phía sau những ‘thương vụ’” và bài “Khó thu thuế”. Các báo cho biết: Theo giới chuyên gia, những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ xuất hiện rầm rộ thời gian qua thực chất chỉ là chiêu trò của một nhóm người. Phần lớn các giao dịch đều là ảo hoặc có những thỏa thuận ngầm với nhau, nhằm chiếm tiền của người chơi. Chỉ có người mua cuối cùng gánh hậu quả là có thật.

Do có giá trị giao dịch lớn, nhiều dấu hiệu mua bán kiểu đa cấp, nên vấn đề quản lý thuế với giao dịch lan đột biến và trách nhiệm của ngành thuế được đặt ra. Đại diện Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho hay đã có nhiều chỉ đạo cơ quan thuế địa phương tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động này.

9. Báo Thanh Niên (31/3) có bài “Hàng trăm dự án nhà ở có nguy cơ ‘tắc’” cho biết: Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ xây dựng, góp ý Nghị định 30/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở) mà Chính phủ mới ban hành ngày 26/3.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết trong suốt 3 năm kể từ ngày Nghị định 99/2015 có hiệu lực, đã có hơn 126 dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư, do không thỏa điều kiện có 100% đất ở. Chỉ tính riêng năm 2020, trên địa bàn TP đã có 39 dự án đầu tư của các DN chưa xử lý được do vướng mắc một số quy định pháp luật cũ.

HoREA đã liên tục kiến nghị sửa đổi quy định này trong nhiều năm nhưng đến nay, các kiến nghị vẫn chưa được xử lý thấu đáo. Mới nhất, Nghị định 30/2021 tiếp tục không có quy định thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với các trường hợp này, khiến Hiệp hội quan ngại sẽ tiếp tục gây “ách tắc” tất cả dự án nhà ở có quyền sử dụng đất nông nghiệp “thuần”, hoặc đất phi nông nghiệp “thuần”, không “dính” với đất ở.

10. Thời báo ngân hàng (31/3) có bài “Gỡ vướng cho các dự án đầu tư ngành điện” cho biết: Tại buổi làm việc với doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư điện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách đã chia sẻ khó khăn mà các doanh nghiệp ngành điện đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời gian qua, Tổng cục Thuế nhận được phản ánh của các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư ngành điện gặp khó khăn, vướng mắc trong hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư. Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi các quy định về pháp luật thuế, pháp luật đầu tư, pháp luật điện lực, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư nhà máy điện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này…

11. Thời báo ngân hàng (31/3) có bài “Ngành Thuế và những động thái tích cực” cho biết: Theo số liệu Tổng cục Thuế vừa công bố, tính đến hết quý I/2021, tổng thu NSNN do ngành thuế quản lý ước đạt 347.346 tỷ đồng, bằng 31,1% dự toán, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, 64,8% số thu nội địa quý I là thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, đạt 191.254 tỷ đồng, bằng 32,7% so với dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, để đạt được kết quả thu NSNN trên, cơ quan thuế đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, trong đó, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho thu NSNN. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra tờ khai có dấu hiệu rủi ro, lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu kê khai không đủ thuế, rà soát tình hình tạm nộp thuế TNDN, cổ tức, lợi nhuận còn lại của năm 2020 để đôn đốc doanh nghiệp nộp sát thực tế hoạt động kinh doanh….

IV. Vấn đề về tài chính doanh nghiệp

12. Thời báo ngân hàng (31/3) có bài “Đã đến lúc đánh thức ngành đường sắt” cho biết: Phát biểu tại Toạ đàm Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần đầu tư đúng mức để phát triển ngành vận tải này tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cần xác định rõ, cái nào hạ tầng của Nhà nước để Nhà nước có chính sách đầu tư căn cơ; cái nào của doanh nghiệp để giao doanh nghiệp tự chủ, khai thác. Khi đã là hạ tầng của Nhà nước, Nhà nước sẽ gắn quy hoạch của đường sắt với quy hoạch đường bộ và quy hoạch cảng biển, các khu công nghiệp,… để đảm bảo kết nối, thành một hệ thống khép kín, phát huy được hạ tầng. Cũng theo ông Tiến, nếu nguồn lực còn hạn chế cần có sự phân khúc, phân kỳ để làm. Việc xây dựng một tuyến tàu cao tốc không hẳn là khuyến nghị riêng của ngành đường sắt mà nó là dự án đầu tư có tính lan toả, tạo sự thúc đẩy cho phát triển nhiều ngành. Còn về nguồn vốn, khi đã đưa vào chương trình đầu tư công thì sẽ có nhiều cách thức huy động vốn từ ngân sách, từ vay vốn ODA, từ phát hành trái phiếu Chính phủ.

13. Tuổi trẻ (31/3) có tin “Nhà nước sẽ bán vốn ở doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả” cho biết: Phát biểu tại hội thảo về phát triển thị trường Việt Nam hôm 30-3, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết như vậy. Ông Tiến cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm trong cơ cấu và phát triển DNNN đến năm 2030 là thực hiện đẩy mạnh cơ cấu DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hóa. Nhà nước bán vốn nhà nước tại DNNN mà Nhà nước không cần nắm, không cần giữ cổ phần, kể cả những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

V. Vấn đề về chứng khoán

14. Tuổi trẻ (31/3) có tin “Nghẽn lệnh, HOSE lên tiếng sau 3 tháng”, Công an nhân dân (31/3) có tin “Chứng khoán sẽ hết “tắc” trong 3-4 tháng tới” thông tin: Sau hơn 3 tháng  diễn ra tình trạng tắc nghẽn giao dịch, ngày 30-3, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM  (HOSE) mới lên tiếng chính thức. Theo đó, sở này cho hay số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới và giá trị giao dịch đã gia tăng đột biến. HOSE nhận định, giải pháp nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán từ ngày 4-1-2021 đã góp phần giảm tải một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng 15-18% như dự kiến. Tuy nhiên, hiện tượng quá tải hệ thống vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000-16.000 tỉ đồng.

HOSE đang phối hợp với FPT, sử dụng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại HNX và sẽ triển khai trên nền tảng hạ tầng tại HOSE để có thể thay thế hệ thống khớp lệnh của HOSE. Giải pháp này giảm thiểu việc tác động, thay đổi đối với hệ thống của các CTCK. Theo khảo sát, phân tích và đánh giá của FPT, thời gian dự kiến để triển khai hệ thống là khoảng 3-4 tháng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00