Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 02/4/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 02/4/2021

  1. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án Buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh thành. Nhiều báo đã đưa tin, bài về sự việc này như: báo Thanh Niên (2/4) có bài “Gần 5.000 tấn thuốc bắc lậu lọt qua cửa khẩu Chi Ma như thế nào?”, báo Tuổi Trẻ (2/4) đưa tin “Vụ buôn lậu 5.000 tấn thuốc bắc: ‘Ông trùm’ khai hối lộ lãnh đạo chi cục hải quan 2 tỷ đồng”, báo Đại đoàn kết (2/4) có bài “Vụ buôn lậu thuốc bắc: Đề nghị truy tố Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma”, báo Sài Gòn giải phóng (2/4) đưa tin “Đề nghị truy tố cựu chi cục phó hải quan cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn”, báo Nhân dân (2/4) đưa tin “Ðường dây buôn lậu quy mô lớn”, báo Lao động điện tử (2/4) có bài “Điều tra việc trùm buôn lậu 5.000 tấn thuốc bắc khai hối lộ gần 2 tỉ đồng”, VnExpress (2/4) có bài “Đường dây buôn lậu 5.000 tấn thuốc bắc”, báo Người lao động (2/4) có bài "Ông trùm" buôn lậu khai chi hàng tỉ đồng cho lãnh đạo hải quan cửa khẩu để "bôi trơn", Vtv.vn (1/4) có bài “Đường dây buôn lậu thuốc bắc xuyên quốc gia: Hé lộ số tiền 'làm luật' khủng cho cán bộ hải quan”, báo Tiền Phong (1/4) có bài “Đề nghị truy tố 2 cán bộ Hải quan vụ buôn lậu 5.000 tấn thuốc bắc”, báo Dân trí (2/4) có bài “Trùm buôn lậu 5.000 tấn thuốc bắc đưa hơn 1,5 tỷ đồng cho lãnh đạo hải quan”… cùng nhiều báo khác. Các báo cho biết: Ngày 1/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an đã đề nghị truy tố bị can Lâm Đình Hưng, giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hà Bắc, và 18 người khác về tội Buôn lậu. Ngoài ra Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố bị can Chu Bá Toàn, phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cửa khẩu Chi Ma và Hoàng Thanh Sơn, công chức đội nghiệp vụ Hải quan về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 5/2019 đến tháng 12/2019 các bị can đã thực hiện hành vi buôn lậu với số hàng bị thu giữ trong quá trình bắt quả tang và khám xét khẩn cấp là gần 145.000 kg thuốc bắc, có tổng giá trị định giá là 12 tỷ đồng.

Các bị can cũng đã vận chuyển 145 chuyến hàng với số lượng gần 5.000 tấn thuốc bắc buôn lậu từ Trung Quốc cho gần 300 khách hàng trên cả nước với tổng tiền cước vận chuyển là hơn 59 tỷ đồng.

Đáng chú ý, C03 cho biết đã tách hồ sơ để tiếp tục điều tra lời khai của Hưng về việc hối lộ lãnh đạo chi cục hải quan cửa khẩu và nhiều công chức khác. Hưng khai đã trực tiếp và chỉ đạo Quang chi tiền cho các cán bộ tại nhiều cơ quan chức năng có liên quan ở các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Kết quả trích xuất dữ liệu máy tính của Hưng và điện thoại của Trần Văn Quang (người được Hưng thuê làm thủ tục khai báo hải quan cho các lô hàng) thể hiện từ ngày 25-3 đến 30-11-2019, hai người này đã đưa cho ông Chu Bá Toàn tổng số tiền 1,5 tỉ.

Ngoài ra, tài liệu thu thập được từ máy tính xách tay của Hưng thể hiện từ ngày 24-1 đến ngày 8-11-2019, Hưng đã đưa cho ông Hoàng Văn Quân - khi đó là chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, số tiền hơn 1,2 tỉ.

Trong đó, 500 triệu được ghi nội dung "đưa sếp Quân chung nhau mua đất Lạng Sơn" và số tiền 300 triệu ghi nội dung "chi anh Toàn + anh Quân tháng 7 dương".

Ông Quân khai có nhận 500 triệu từ Hưng để chung nhau mua đất tại Lạng Sơn, ngoài ra còn nhận 1 tỉ do Hưng gửi vào tài khoản của vợ ông.

Với số tiền trên, ông Quân đã dùng 1 tỉ 250 triệu mua đất của 5 hộ dân tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Toàn bộ giấy đặt cọc đều ghi tên người mua là vợ ông Quân. Còn lại 250 triệu đồng ông Quân vẫn đang quản lý. Đối với những số tiền khác theo ghi chép tại máy tính của trùm buôn lậu thì ông Quân không thừa nhận. Hiện nay ông Quân có đơn nộp lại số tiền đã nhận của Hưng.

Ngoài lời khai đưa tiền cho ông Quân như trên, Hưng và Quang còn khai đưa tiền cho hàng loạt công chức hải quan gồm: Hà Tuấn Tích, Vũ Quân, Lê Thanh Hải, Trần Hải Âu, Nguyễn Văn Quang, Chu Văn Điện từ 1-2 triệu trong quá trình làm thủ tục đăng ký nhập cảnh, mở tờ khai hải quan.

Tuy nhiên các công chức này không thừa nhận việc nhận tiền như lời khai trên. Tài liệu điều tra liên quan đến việc đưa nhận tiền chỉ là tài liệu một chiều, ngoài ra không thu thập được tài liệu nào khác để xác định việc này. Do thời hạn điều tra đã hết và để đảm bảo thận trọng, khách quan, không bỏ lọt tội phạm, C03 đã quyết định tách tài liệu có dấu hiệu tội đưa, nhận hối lộ để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Trước đó, tại tài liệu họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Tổng cục Hải quan đã có báo cáo sơ bộ về vụ việc (VP đính kèm báo cáo)

  1. Vấn đề về thuế

2. Báo Tuổi trẻ (2/4) có bài “Mức thuế khoán sẽ công bằng hơn?” cho biết: Một trong những nội dung khá mới tại Dự thảo Thông tư quản lý thuế với hộ, cá nhân kinh doanh là quy định khi doanh thu của hộ hoặc cá nhân kinh doanh có biến động 20%, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và điều chỉnh mức khoán thuế cho phù hợp, thay vì phải chờ doanh thu biến động đến 50% mới được điều chỉnh mức khoán thuế như hiện nay.

Nhiều hộ kinh doanh cũng bày tỏ sự ủng hộ việc điều chỉnh này, nhằm đảm bảo việc nộp thuế khoán được công bằng hơn, doanh thu sụt giảm phải được giảm thuế và ngược lại.

Theo nhiều chuyên gia, việc giảm mức độ biến động doanh thu này sẽ giúp mức thuế khoán sát hơn và công bằng hơn, có lợi cho cả hộ/cá nhân kinh doanh lẫn cơ quan thuế. Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc công ty TNHH Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, vấn đề quan trọng là giám sát doanh thu khoán thế nào để đảm bảo công bằng. Doanh thu khoán giảm, hộ kinh doanh có quyền yêu cầu cơ quan thuế khảo sát lại để điều chỉnh. Nhưng ngược lại, cơ quan thuế làm thế nào để giám sát và điều chỉnh kịp thời khi doanh thu của hộ khoán tăng? Có thực tế là từ trước đến nay mức khoán thuế chưa sát thực tế, cũng có nhiều xầm xì về việc “cưa đôi thuế”. Cần có cơ chế công khai hơn với mức khoán thuế như dán ở địa chỉ kinh doanh thay vì chỉ niêm yết thông tin này tại Chi cục Thuế, Hội đồng tư vấn thuế….như hiện nay.

3. Báo Tuổi trẻ (2/4) có bài “Được tính các khoản ủng hộ phòng dịch vào chi phí” cho biết: Các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam nếu thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định, áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và năm 2021. Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị định 44 vừa được Chính phủ ban hành. Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ cần có biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản, tài liệu xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận; kèm theo hoá đơn, chứng từ hợp pháp của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

4. Báo Tuổi trẻ (2/4) có bài “Cần cân nhắc kỹ việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư” cho biết: Đây là một trong những nội dung tại công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/3 về Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo Thủ tướng, việc xây dựng cơ chế thu phí qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là yêu cầu đã được Quốc hội đặt ra, là giải pháp cần thiết để thu hồi vốn và tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm tác động đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế cần cân nhắc kỹ lưỡng.

5. Báo Lao động (2/4) có bài “Ngăn chặn sốt đất ảo: Đánh thuế nhà đất và nộp thuế hằng tháng” cho biết: Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc đầu tư cấp cao của quỹ DG Investment cho rằng giải pháp để giá đất về đúng giá trị thật là cần minh bạch, công khai thông tin, đồng thời những người tham giao giao dịch bất động sản phải thực hiện một cách nghiêm khắc theo đúng luật định. Trước hết phải ban hành luật thuế nhà đất, phải đánh thuế nhà đất từng mét vuông và nộp thuế hàng tháng.

Theo hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng muốn giảm giá nhà, Nhà nước cần thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% giá đất trong bảng giá đất. Đồng thời, để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước, cần đánh thuế bất động sản.

6. Báo Pháp luật Việt Nam (2/4) có tin “Thu thuế hơn 2.442 tỷ đồng từ thương mại điện tử” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố đã triển khai có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với TMĐT. Kết quả, đến nay tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài với số thuế thu từ quảng cáo trên sản phẩm nội dung thông tin số của tổ chức (từ năm 2016 đến 2020) là 2.442,11 tỷ đồng.

Cục Thuế các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại trong việc kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về các tổ chức, cá nhân; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, triển khai các biện pháp thanh tra, kiểm tra. Kết quả, đến nay, tổng thu và tiền phạt từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh TMĐT trên các trang web, facebook… đến tháng 12/2020 là 240,89 tỷ đồng.

  1. Vấn đề về giá xăng

7. Báo Công an nhân dân (2/4) có tin “Giá xăng tăng, lại lo hàng hóa “té nước theo mưa”” cho biết: Giá xăng dầu liên tục tăng trong các kỳ điều chỉnh giá gần đây, chưa kể, với vụ việc ách tắc ở kênh đào Suez, khả năng tăng giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ chưa dừng lại. Nhiều nghi ngại sợ rằng, giá xăng dầu tăng khiến tình trạng “té nước theo mưa” của một số loại hàng hóa lại tái diễn.

Chỉ số CPI tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước là mức tăng cao của CPI tháng trong giai đoạn gần đây. Một trong số các nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng trong các kỳ điều hành gần đây khiến gia tăng áp lực lên các dịch vụ giao thông, vận tải. Một số hãng vận tải cho rằng, đại dịch Covid-19 hoành hành hơn một năm qua đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh đã khiến các hãng taxi, xe khách khó khăn, nay lại tiếp tục đối diện với giá xăng tăng liên tiếp, như vậy các DN vận tải chưa kịp hồi phục lại thêm phần khó, bởi giá xăng dầu chiếm 35-40% đầu vào quyết định giá thành vận tải. Do vậy, việc điều chỉnh giá xăng tăng mạnh chắc chắn tác động đến hoạt động vận tải và để hạn chế tác động, thì khả năng giá vận tải tăng lên có thể sẽ xảy ra.

  1. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Thanh niên (2/4) có bài “Công ty chứng khoán biến tướng huy động vốn” cho biết: Hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi... là những sản phẩm vừa được một số công ty chứng khoán áp dụng, nhưng bản chất đều là huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân. TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhấn mạnh đây là những hình thức biến tướng cho việc huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước. Với trách nhiệm quản lý trực tiếp thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thanh kiểm tra và yêu cầu các công ty chứng khoán (CTCK) chấm dứt ngay dịch vụ này để tránh những rủi ro phát sinh.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích, các CTCK đang huy động tiền gửi từ các cá nhân là vi phạm quy định về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp CTCK bị thua lỗ thì người gửi tiền có thể không nhận được tiền lãi hay thậm chí khả năng mất khả năng thanh toán thì số tiền gốc có trả lại hay không? Từ đó, rủi ro cho cả hệ thống tài chính do phản ứng dây chuyền và hệ lụy là khó lường.

  1. Vấn đề khác

9. Báo Tiền phong (2/4) có bài “Sẽ đủ vắc-xin cho các nhóm ưu tiên” cho biết: Sáng 1/4, 811.200 liều vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên từ COVAX Facility về tới Việt Nam. Vắc-xin do UNICEF mua và cung ứng thông qua COVAX dự kiến sẽ cung cấp đủ cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ quyết định trích 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế thực hiện mua và tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00