Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 06/4/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 06/4/2021

  1. Vấn đề nổi bật

1. Báo Thanh Niên (6/4) có bài “Bỗng dưng thành giám đốc công ty ‘ma’ nợ thuế cả tỉ đồng” cho biết: Gửi đơn phản ánh đến Báo Thanh Niên, anh N.V.T (29 tuổi, quê Quảng Bình, tạm trú Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết năm 2017, khi đang thất nghiệp ở quê thì được người quen tên Đoàn rủ vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc cho Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại vận tải Mai Hương (viết tắt Công ty Mai Hương) tại P.Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng. Vào làm được 10 ngày, anh N.V.T bị công ty đuổi việc. Cuối năm 2020, anh T. có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên đến Công an tỉnh Quảng Bình làm hộ chiếu. Sau đó, Công an tỉnh trả lời do anh T. đang là... giám đốc của 1 công ty và công ty này đang nợ thuế ở TP.HCM hơn 1 tỉ đồng, nên không thể cấp hộ chiếu. Anh T. tìm hiểu thì được biết, sau khi bị đuổi việc thì bỗng nhiên anh “được” làm giám đốc Công ty Mai Hương.

Để làm rõ vì sao anh N.V.T bỗng dưng thành giám đốc Công ty Mai Hương, ngày 2.4, PV Thanh Niên tìm địa chỉ công ty này để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, sau khi dò đường, hỏi thăm đủ kiểu, PV Thanh Niên vẫn không tìm thấy “tung tích” địa chỉ 111/3 Trần Xuân Soạn (P.Tân Thuận Tây, Q.7). Sau khi tra cứu thông tin trên hệ thống tại trụ sở UBND P.Tân Thuận Tây, một cán bộ phường khẳng định: “Địa chỉ này trên địa bàn phường không có thì sao tìm được!”.

Qua tìm hiểu thông tin trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), PV Thanh Niên ghi nhận, Chi cục Thuế khu vực Q.7 - H.Nhà Bè là đơn vị đăng ký nộp thuế của Công ty Mai Hương. Đáng chú ý, ở mục ghi chú có nội dung công ty này “không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”.

Ngày 3.4, trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên, giọng nữ được cho là bà N.T.H, “cựu” Giám đốc Công ty Mai Hương, cho biết ngày 2.4, bà “đã gặp anh N.V.T làm việc và… xin bồi thường 50% số tiền mà anh T. đã bị mất sau khi không đi xuất khẩu lao động được”. Đối với số tiền hơn 1 tỉ đồng mà anh T. là người đại diện công ty đang bị nợ thuế, bà H. cho biết “sẽ trả cho nhà nước trong vài tháng tới”. Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, hiện PC03 Công an TP.HCM vẫn đang điều tra đường dây mua bán công ty “ma”; cũng như làm việc với một số đối tượng liên quan, làm rõ nội dung mà Thanh Niên phản ánh.

Về vấn đề báo Thanh Niên nêu, Văn phòng trình Bộ giao Tổng cục Thuế báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 9/4/2021.

  1. Vấn đề về thuế

2. Báo Đại đoàn kết (6/4) có bài “Bài toán quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới?”; báo Lao động (6/4) có bài “Hết cửa để né thuế kinh doanh qua thương mại điện tử?” cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm thay đổi gần hết mô hình kinh doanh, khi các hoạt động kinh doanh mua bán theo phương thức truyền thống đang dần lép vế so với kinh doanh trên nền tảng điện tử, thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sẽ trở thành một kho tàng nếu thu được đúng và đủ.

Hiện Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 126 về quản lý thuế là quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Dự thảo Thông tư kỳ vọng sẽ giúp hạn chế việc kê khai không đủ, trốn thuế của những người có nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian qua, để triển khai việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử trên toàn quốc, Tổng cục Thuế đã ban hành một số công văn gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành một số công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Ở góc độ khác, báo Đại đoàn kết tập trung dẫn lại các chia sẻ của ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới về kinh nghiệm quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử ở một số cơ quan thuế trên thế giới.

3. Báo Quân đội nhân dân (6/4) có bài “Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện quyết toán thuế” cho biết: Từ tháng 12/2020 cho đến nay, các chính sách thuế mới bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó nhiều quy định mới được các tổ chức, cá nhân người nộp thuế (NNT) hết sức quan tâm. Để tăng cường hỗ trợ NNT thực hiện quyết toán thuế năm 2020, Cục Thuế TP Hà Nội đẩy mạnh phương thức nộp hồ sơ quyết toán thuế bằng phương thức điện tử.

4. Báo Thanh tra (6/4) có bài “Tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp điện” cho biết: Tổng cục Thuế đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành điện trong hoàn thuế GTGT đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn cần nhiều vốn.

  1. Vấn đề về quản lý giá

5. Báo Người lao động (6/4) có bài “Có nên áp giá sàn vé máy bay lúc này?”, báo Sài Gòn giải phóng (6/4) có bài “Không nên tăng giá trần, áp giá sàn” cho biết: Việc áp mức giá sàn sẽ khiến chi phí vé máy bay tăng lên, đẩy giá thành tour tăng theo. Theo kiến nghị của Vietnam Airlines, mức giá trần sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: Chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ hoặc bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng luật về giá quy định đối với những thị trường vẫn còn các doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh như thị trường hàng không hiện nay với 2 hãng Vietnam Airlines và VietJet Air chiếm thị phần hơn 50%, tức là chưa có cạnh tranh thực sự nên nhà nước vẫn phải quy định giá trần và không quy định giá sàn. "Nguyên nhân là vì nếu vượt giá trần sẽ bất lợi cho người tiêu dùng, còn DN muốn hạ giá như thế nào tùy DN, chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Đề xuất áp giá sàn là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường" - ông Long nhấn mạnh.

Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cũng cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay là phi thị trường. Việc áp mức giá sàn sẽ khiến chi phí vé máy bay tăng lên, từ đó đẩy giá thành tour tăng theo… "

 Về nỗi lo DN phá giá, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết chỉ coi DN phá giá trong trường hợp bán thấp hơn chi phí và bị lỗ nhưng chấp nhận lỗ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh chứ không phải cứ bán thấp hơn là phá giá.

Riêng về đề xuất tăng giá trần, PGS-TS Ngô Trí Long bày tỏ sự ủng hộ. Bởi theo ông, giá trần là mức giá Nhà nước quy định, thay đổi theo yếu tố đầu vào. Đầu vào thay đổi thì giá trần cũng phải thay đổi theo. "Thời gian qua các hãng hàng không đã phải hủy rất nhiều chuyến bay mà vẫn phải nuôi dưỡng bộ máy khổng lồ, chi phí không những giảm mà còn tăng lên do phải chi cho phòng chống dịch bệnh, quy định giãn cách… Cho nên việc xem xét điều chỉnh giá trần để phù hợp với đầu vào, cơ quan chức năng cần xem xét. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) cần ngồi lại để cân nhắc. Trong bối cảnh hiện nay có thể điều chỉnh tăng là hợp lý nhưng cần phải xem xét hết sức thận trọng"- PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về đề xuất áp giá sàn của Vietnam Airlines trong giai đoạn hiện nay, một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đây là vấn đề khá nhạy cảm. Cục luôn lắng nghe ý kiến của các DN, song hiện vẫn chưa có ý định gì về giá sàn vé máy bay.

  1. Vấn đề về quản lý công sản

6. Báo Tuổi trẻ (6/4) có tin “Sắp xếp xong 28.182 cơ sở nhà, đất công vụ” cho biết: Báo cáo việc thực hiện nghị định 167 năm 2017 (NĐ 167) về sắp xếp, xử lý tài sản công của Bộ Tài chính ghi nhận trong năm 2020 bộ này đã phối hợp xử lý, sắp xếp lại được 1.503 cơ sở nhà, đất; phê duyệt điều chỉnh phương án sắp xếp 149 cơ sở nhà đất của các bộ, cơ quan trung ương. Điều này giúp nâng tổng số cơ sở nhà đất được xử lý, sắp xếp lại đạt 28.182 cơ sở nhà, đất.

  1. Vấn đề thanh tra

7. Báo Hà Nội mới (6/4) đưa tin “Kiến nghị xử lý tài chính hơn 12.054 tỷ đồng qua thanh, kiểm tra” cho biết: Trong quý I-2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 6.716 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý về tài chính 12.054,935 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 2.228 tỷ đồng, kiến nghị khác hơn 9.820 tỷ đồng…); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước là trên 814 tỷ đồng.

  1. Vấn đề khác

8. Báo Lao động (5/4) đưa tin “Quảng Trị: Khởi tố 3 cán bộ và 2 chủ doanh nghiệp đánh bạc”, báo Thanh niên (5/4) đưa tin “Quảng Trị: Khởi tố 3 cán bộ H.Đakrông về tội đánh bạc”, các báo cho biết: Chiều 5.4, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can để điều tra về hành vi đánh bạc. Trong số 5 bị can bị khởi tố, có 3 cán bộ công tác tại H.Đakrông (Quảng Trị) gồm: Ông Dương Vin, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Đakrông; ông Hồ Công Kha, Cán bộ Thanh tra huyện và ông Phan Tư Dĩnh, Phó chi cục trưởng Chi cục thuế H.Đakrông. Hai bị can còn lại là chủ doanh nghiệp gồm: Ông Lê Viết Thông và ông Nguyễn Công Thuận (đều ở H.Đakrông). Trong đó, ông Lê Viết Thông trên danh nghĩa đang công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông. Liên quan đến việc 3 cán bộ bị khởi tố để điều tra về hành vi đánh bạc, ông Nguyễn Trí Tuân, Bí thư Huyện ủy Đakrông, cho biết huyện ủy đã nhận được văn bản thông báo, sẽ thực hiện xử lý các cán bộ theo đúng điều lệ của Đảng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00