Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 16/4/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 16/4/2021

I. Vấn đề nổi bật

1. Bản tin Thời sự 19h – VTV1; VOV; Nhân dân; Chinhphu.vn; Tuổi trẻ; Người lao động; Pháp luật Việt Nam; Lao Động; Tiền phong; Công an nhân dân (15, 16/4) và nhiều báo khác đưa tin “Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên” cho biết: Ngày 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Phiên họp đã thảo luận về công tác bàn giao nhiệm vụ sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự; quan điểm định hướng chỉ đạo và một số nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện ngay trong thời gian tới.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi. Phấn đấu đạt kết quả giải ngân cao nhưng phải hiệu quả và thực chất.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

2. Báo Lao động (15/4) có tin “Đoàn xe quá tải từ Huế ra Quảng Trị tiếp tục “chạy rông"” cho biết: Ngày 25/3, Báo Lao Động có bài viết “Đoàn xe quá tải nghiêm trọng chạy rầm rập từ Huế ra Quảng Trị”, phản ánh đoàn xe ôtô khoảng 50 chiếc xuất phát từ cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế) ngày nào cũng di chuyển từ Huế ra Quảng Trị, trên xe chở hàng quá cảnh là than, phần lớn các xe đều vi phạm tải trọng nghiêm trọng. Một ngày sau khi báo phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành kiểm tra tải trọng các xe chở hàng quá cảnh nói trên, thì xe nào cũng chấp hành đúng quy định. Tuy nhiên, việc chấp hành tải trọng của đoàn xe chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Khảo sát từ ngày 8/4 đến nay, trong số hàng chục chiếc xe chở than chạy mỗi ngày, thì rất nhiều chiếc vi phạm tải trọng.

Bài báo cho biết, trước khi đoàn xe nói trên xuất phát khỏi cảng Chân Mây, vì than cám là mặt hàng quá cảnh, nên các xe sẽ được Hải quan Cửa khẩu cảng Chân Mây kiểm tra số lượng hàng hóa rồi tiến hành kẹp chì, niêm phong.

Tại Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ôtô chở hàng hóa vượt quá tải trọng thiết kế của xe.

Đặt câu hỏi với Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Chân Mây (Hải quan tỉnh Thừa Thiên - Huế) về trách nhiệm của đơn vị khi vẫn niêm phong, kẹp chì, giải quyết thủ tục cho đoàn xe chở than quá tải - ông Nguyễn Văn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Chân Mây cho biết: Chức năng nhiệm vụ của hải quan chủ yếu là quản lí về mặt hàng, trọng lượng, đặc biệt là trọng lượng theo khai báo của doanh nghiệp, trọng lượng của tờ khai đăng kí của doanh nghiệp với hải quan. Về tải trọng của xe, chủ yếu chính là chức năng của cảng.

Trước phản ánh rằng rất nhiều xe chở hàng quá cảnh quá tải trọng xuất phát từ cảng này, thì ông Thành nói rằng đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tăng cường phối hợp với cảng, lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lí tình trạng xe quá tải.

Ông Thành khẳng định như vậy, nhưng thực tế, nhiều chiếc trong đoàn xe chở mặt hàng than quá cảnh hàng ngày vẫn được “thả” cho chạy rầm rập trên đường.

Về vấn đề báo nêu,  Văn phòng trình Bộ giao Tổng cục Hải quan có báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 21/4/2021.

II. Vấn đề về thuế, phí

3. Báo Đầu tư (16/4) có bài “Đòn giáng chí mạng vào ngành đường sắt” cho biết: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có công văn số 528/UBQLV-CNHT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với cơ sở nhà, đất tại số 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP. Hà Nội của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bài báo cho rằng việc xử lý những vướng mắc liên quan đến lô đất số 551 Nguyễn Văn Cừ là rất cấp bách, bởi đơn vị đang khai thác lô đất là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đứng trước nguy cơ bị Cục Thuế TP.Hà Nội tiến hành cưỡng chế đối với khoản nợ trị giá 252 tỷ đồng tiền thuê đất lưu cữu từ ngày 18/11/2013 đến 7/12/2017.

Cụ thể, tại công văn số 528, Ủy ban kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính làm rõ việc xem xét, miễn tiền thuê đất đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại thời điểm trước ngày 1/7/2018 theo Luật Đường sắt số 35/2005/QH11. Trong thời gian chưa làm rõ việc này, Bộ Tài chính cần chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội tạm phân loại tiền thuê đất đối với cơ sở nhà, đất số 551 Nguyễn Văn Cừ trước ngày 1/7/2018 thuộc nhóm “Tiền thuế nợ đang xử lý”.

Hiện Cục Thuế TP.Hà Nội đã thực hiện cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa mã số thuế của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nên hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Tổng công ty không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho các dịch vụ cung cấp cho các khách hàng. “Đây là đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính của Tổng công ty và các đơn vị thành viên vốn đang rất khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và việc triển khai đồng loạt các dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Bắc – Nam”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.

4. Báo Tuổi trẻ (16/4) có tin “Phải chuyển hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế khi bán xăng dầu” cho biết: Từ tháng 7/2022, khi bán xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn điện tử cho người mua và cơ quan thuế, theo dự thảo thông tư hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ điện tử đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục thuế, thông qua việc kiểm soát được doanh thu và lượng hàng bán ra thể hiện trên hóa đơn, cơ quan thuế sẽ kịp thời ngăn chặn hoạt động mua bán xăng dầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

III. Vấn đề về chứng khoán

5. VnEconomy.vn (15/4) có tin “HOSE nói rõ hơn về giải pháp giảm tải hệ thống giao dịch” cho biết: Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa công bố giải đáp các vấn đề liên quan đến giải pháp giảm tải hệ thống giao dịch tại sàn này...

HOSE cho biết, công tác khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch vẫn đang được HOSE, các cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai. Gần đây, HOSE đã có những cải tiến về kỹ thuật vận hành, giúp cải thiện hiệu quả xử lý của hệ thống. Nhờ đó, tình trạng quá tải hệ thống được giảm bớt, hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản.

Doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết trong giai đoạn này có thể lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cho HOSE hoặc HNX. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký niêm yết cổ phiếu mới hoặc chuyển từ HNX sang HOSE, HOSE sẽ thực hiện tiếp nhận và và xử lý hồ sơ. Sau khi HOSE thẩm định và cấp quyết định niêm yết, cổ phiếu được tạm thời giao dịch trên HNX. Khi hiện tượng quá tải được xử lý, doanh nghiệp được chuyển giao dịch sang Sở HOSE mà không xem xét lại hồ sơ. Cơ chế này được áp dụng từ ngày 08/4/2021đến khi Ủy ban Chứng khoán có thông báo và hướng dẫn tiếp theo…

IV. Vấn đề về KBNN

6. VnEconomy.vn (15/4) có tin “Quý 2, dự kiến huy động 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ” cho biết: Kho bạc Nhà nước vừa công bố kế hoạch phát hành trái phiếu Chinh phủ trong quý 2/2021 khá tham vọng... Theo kế hoạch này, khối lượng đấu thầu trái phiếu chính phủ trong quý 2/2021 qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 100.000 tỷ đồng, bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Khối lượng dự kiến huy động này gấp gần 3 lần so với trái phiếu Chính phủ đã huy động thành công trong quý 1.

Trong đó, 2 kỳ hạn 10 năm và 15 năm có khối lượng cao nhất là 35.000 tỷ đồng. Các kỳ hạn còn lại khối lượng phát hành từ 10.000 tỷ đồng trở xuống. Kỳ hạn 5 năm là 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm và 30 năm là 8.000 tỷ đồng/kỳ hạn.

V. Vấn đề về đầu tư công

7. Báo Tin tức – TTXVN (15/4) có bài “Giải ngân vốn đầu tư công: Vẫn điệp khúc chậm” cho biết: Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế trong và ngoài nước ảnh hưởng suốt thời gian qua. Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021, tuy nhiên tốc độ giải ngân nguồn vốn này trong những tháng đầu năm vẫn còn chậm.

Theo Bộ Tài chính, tình hình giải ngân tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 3 là hơn 66 nghìn tỷ đồng, đạt 11,7% kế hoạch. Đối với giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2021 là 5,2 nghìn tỷ đồng, đạt 9,43% kế hoạch. Riêng đối với nguồn vốn kế hoạch năm 2021, ước đến hết tháng 3 giải ngân đạt hơn 60,7 nghìn tỷ đồng, bằng 11,95% kế hoạch.

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng đạt thấp và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020; vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân (ước chỉ đạt 0,66%). Đến thời điểm này, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, có tới 44/50 bộ (31 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn) và 27/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.

Lý giải về thực trạng này, Bộ Tài chính cho biết, trong các tháng đầu năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đang tập trung giải ngân vốn 2020 kéo dài sang năm 2021 song song với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 dẫn đến tỷ lệ giải ngân đầu năm 2021 còn thấp.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang phải thực hiện điều chỉnh các thủ tục đầu tư (dự án đường cao tốc Bắc - Nam,…) hay các tháng đầu năm các chủ đầu tư đang triển khai các công việc như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên cần nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00