Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 20/4/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 20/4/2021

I. Vấn đề về thuế, phí

1. Báo Tiền Phong (20/4) có bài “Vén màn tuyệt chiêu 'làm luật'” cho biết: Sau nhiều tháng tìm hiểu hoạt động ở nhiều cảng, bến thủy nội địa, phóng viên Tiền Phong đã thấy “luật ngầm” đằng sau mỗi chuyến hàng trên sông. Đó là việc thu phí không có biên lai hay ghi chép gì. Suốt chiều dài khoảng chục cây số dọc sông có hàng trăm cảng, bến thủy nội địa, tiếp nhận hàng trăm lượt tàu hàng (chủ yếu chở cát, đá) mỗi ngày. Ai cũng nghĩ rằng, tổ nhân viên cảng vụ đang kiểm tra việc chấp hành pháp luật của thuyền viên, người lái hoặc cấp phép cho phương tiện ra, vào cảng, bến. Tận mắt chứng kiến, phóng viên ngỡ ngàng trước cảnh “làm luật” ngang nhiên. Phóng viên xin lên một tàu chở cát khoảng 700 tấn đang cập bến bốc hàng. Khoảng 8 giờ, tổ nhân viên cảng vụ (2-3 cán bộ) xuống chiếc ca nô ghi dòng chữ “Dự trữ quốc gia DT1.05.16” lướt dọc hai bên sông, ghé thăm tất cả các tàu chở đá, cát đang bốc hàng.

Sau 30 phút xuất phát, chiếc ca nô của tổ cảng vụ ghé mạn thuyền, một người đàn ông đeo kính, không mặc đồng phục nhảy lên mạn, vẫy tay chào chủ tàu. Như đã hiểu, chủ tàu cười, rồi rút trong ví tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng đưa tới tay nhân viên cảng vụ. Người này trả lại 100 nghìn đồng rồi nhanh chóng lên xuồng lướt đi, không thấy ghi chép gì… Quy trình kiểm tra, "thu phí" chưa đầy 1 phút.

Theo Thông tư 50/2014/TT-BGTVT (quy định về cảng, bến thủy nội địa), trước khi phương tiện vào cảng, bến thủy, chủ tàu hoặc người lái xuất trình các giấy tờ tại Văn phòng Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa. Ngoài kiểm tra các giấy tờ theo quy định, cảng vụ viên kiểm tra thực tế để cấp phép vào cảng, bến cho phương tiện. Thông tư 177/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính (về hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ Đường thủy nội địa) cũng quy định, việc nộp phí đối với phương tiện bao gồm phí trọng tải (lượt vào, ra kể cả có tải hoặc không) là 165 đồng/tấn.  Mức thu lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa (thu cả cho lượt vào và lượt ra) được tính tùy vào trọng tải thấp nhất 5.000 đồng/chuyến, cao nhất 30.000 đồng/chuyến. Như vậy, nếu một phương tiện cỡ 700 tấn thì phí nộp tải trọng, lệ phí ra/vào tính ra khoảng 300 nghìn đồng/chuyến.

Sau nhiều ngày quan sát, việc đưa tiền “làm luật” diễn ra như một quy luật được định sẵn. Các chủ tàu chỉ cần nhìn thấy người đàn ông đến là răm rắp đưa tiền. Theo ghi nhận, các chủ tàu chung chi 100 nghìn đồng mỗi chuyến, cá biệt có những chuyến tàu chở đá dăm, bột đá phải chi 200 - 300 nghìn đồng/chuyến. Theo những người làm nghề vận tải đường sông lâu năm, những chuyến tàu như thế chở đi tiêu thụ nội địa thường không cần giấy tờ. Đây là kẽ hở để các doanh nghiệp không đưa vào doanh thu, hạch toán, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

2. Báo Công an nhân dân (20/4) có bài “Cơ quan thuế nói về việc khai báo khi đổi căn cước công dân” phản ánh: Nhiều người lo lắng vì có thông tin quy định đổi sang thẻ căn cước công dân mới mà chậm khai báo thay đổi thông tin với cơ quan thuế có thể bị phạt tới 7 triệu đồng. Về vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Thuế Thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế xác nhận quy định người nộp thuế khi có thay đổi về thông tin đăng ký thuế (bao gồm cả CMND và CCCD) thì phải khai báo thay đổi với cơ quan thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Theo quy định trước đó, nếu người nộp thuế chậm khai báo thay đổi sẽ bị xử phạt. Nhưng theo quy định mới tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP, nếu thay đổi từ CMND sang CCCD mà người nộp thuế chậm khai báo thay đổi thì sẽ không bị phạt.

3. VnExpress (20/4) có bài “Tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021” cho biết: Nghị định về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 vừa được ký, ban hành. Đây là lần thứ ba Chính phủ đưa ra chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất...) cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân thuộc các lĩnh vực ưu tiên bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế lần này là gần 115.000 tỷ đồng.  Số thu ngân sách năm 2021 không giảm do chính sách lần này chỉ là gia hạn thời gian nộp thuế. Người nộp thuế vẫn hoàn thành nghĩa vụ vào cuối năm 2021.

II. Vấn đề về chứng khoán

4. Bản tin Thời sự 19h – Đài Truyền hình Việt Nam ngày 20/4 phát phóng sự “Xây dựng cơ chế quản lý tài sản ảo” đặt vấn đề: Hiện giao dịch tiền ảo tại Việt Nam đang diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, do chưa có các quy định rõ ràng về cơ chế quản lý, giám sát hoạt động giao dịch và phát hành nên tiền ảo có thể bị lợi dụng trở thành một kênh rửa tiền, tài trợ khủng bố lừa đảo hoặc các hoạt động phi pháp khác. Rõ ràng, việc sớm có khung pháp lý để giải quyết những phát sinh và hệ lụy của tiền ảo, tài sản ảo là yêu cầu cấp thiết .

Theo luật sư Lê Tiến Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chưa có vụ tranh chấp nào về tiền ảo được đưa ra xét xử. Thực tế có nhiều vụ tranh chấp về tiền ảo nhưng do trong tất cả các bộ luật hiện hành không có điều khoản nào nói về tài sản ảo và tiền áo nên không có cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc. Cấm hay không cấm, cho phép hay không cho phép thì Nhà nước cũng nên xây dựng khung pháp lý cho những giao dịch này 1 cách an toàn, hợp pháp, tránh những giao dịch ngầm thậm chí là lừa đảo gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, giao dịch tiền ảo đang mang tính toàn cầu và ở Việt Nam đã ngấm ngầm diễn ra từ nhiều năm nay. Vì vậy nếu cấm không chỉ đi ngược với xu thế của thời đại mà quan trọng cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này.

Phóng sự bình luận: Trong khi chờ đợi ban hành 1 khung pháp lý quản lý tiền ảo thì các cơ quan quản lý vẫn chỉ dừng lại ở tuyên truyền, đưa ra những khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra. Gần đây, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Tuy nhiên, để xây dựng được khung pháp lý hoàn chỉnh đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của 12 bộ ngành có liên quan như chỉ đạo trong Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ.  

III. Vấn đề về DNNN

5. Báo Đại đoàn kết (20/4) có bài “Cổ phần hóa doanh nghiệp lớn: Trách nhiệm người đứng đầu và cơ quan thẩm định giá” cho biết: Một số DN lớn như MobiFone, Agribank, VNP… sẽ phải thực hiện CPH trong năm nay. Nếu muốn thành công trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì việc chuẩn bị cần phải rất kỹ lưỡng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết kết thúc giai đoạn 2016-2020, vẫn còn 89 DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, một số cán bộ quản lý DNNN còn thiếu trahcs nhiệm, buông lỏng quản lý trong quá trình tổ chức triển khai hoạt động nên vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Tại một số DNNN vẫn còn có những dự án chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN. Công tác đổi mới quản trị DN trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm…

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), tới đây sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị đôn đốc việc CPH, thoái vốn. Lần này, việc đôn đốc sẽ gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu. Với phương án mới tiến độ sẽ nhanh hơn do việc xác định giá trị DN thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm của cơ quan thẩm định giá. Bên cạnh đó, cơ chế đấu giá đảm bảo theo cơ chế thị trường, do đó sẽ thu hút được nhà đầu tư vì bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư hơn. Đối với việc CPH DN lớn cần phải làm rất thận trọng. Bởi khi đã bấm nút để CPH thì chỉ trong vòng 18 tháng đến 24 tháng là phải hoàn tất.

IV. Vấn đề về đầu tư công

6. Báo Công an nhân dân (20/4) có tin “Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đầu năm 2021 vẫn thấp”, thoibaonganhang.vn (19/4) có tin “Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đầu năm 2021 vẫn thấp” cho biết: Báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 2 tháng và ước thực hiện 3 tháng năm 2021 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn đạt thấp. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3/2021 là hơn 60.749 tỷ đồng, đạt 11,95% kế hoạch (508.258,88 tỷ đồng) và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng), trong đó, vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân (ước tỷ lệ giải ngân 03 tháng chỉ đạt 0,66%).

V. Vấn đề về xổ số

7. Báo Thanh niên (20/4) có tin “Phản hồi từ bài báo người bán vé số dạo bị cắt giảm hoa hồng: Hội đồng XSKT khu vực miền Nam đề nghị “nhắc nhở” đại lý ổn định giá vé” cho biết: Chiều 19/4, Ban Thường trực Hội đồng XSKT khu vực miền Nam ban hành công văn về việc ổn định thị trường tiêu thụ vé số, đảm bảo thu nhập cho người bán vé số dạo như trước đây.

Để ổn định thị trường, vừa đảm bảo quyền lợi của đại lý đồng thời đảm bảo thu nhập của người bán vé số dạo, Hội đồng XSKT khu vực miền Nam đề nghị các Cty thành viên nhắc nhở hệ thống đại lý của mình ổn định giá vé nhằm đảm bảo thu nhập cho người bán vé số dạo như trước đây.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00